Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ nhất Uỷ ban thường trực ASEAN khoá 34


Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ nhất Uỷ ban thường trực ASEAN khoá 34 (Hà Nội, 9 -11 tháng 10 năm 2000)

Thưa Quí vị đại biểu, Thưa Quí bà, Quí ông, Trước hết, tôi xin nhiệt liệt chào mừng Ngài Tổng thư ký ASEAN, các Ngài Tổng vụ trưởng ASEAN và các thành viên trong các đoàn các nước thành viên và Ban thư ký ASEAN đã đến Hà Nội dự Phiên họp đầu tiên của Uỷ ban thường trực ASEAN khoá 34 mà Việt Nam có vinh dự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch. Thưa Quý vị Những sự kiện toàn cầu vừa diễn ra càng làm cho chúng ta phải suy ngẫm sâu hơn về những công việc mà chúng ta cần tập trung giải quyết. Trong Tuyên bố Thiên niên kỷ do Hội nghị các nhà Lãnh đạo thế giới thông qua tại Nữu Ước đã chỉ rõ “the central challenge we face today is to ensure that globalisation becomes a positive force for all the world’s people. For while globalisation offers great opportunities at present its benefits are very unevenly shared while its costs unevenly distributed. We recognize that developing countries and countries with economies in transition face special difficulties in responding to this central challenge”. Xu hướng toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng và những hệ quả khó hình dung hết của cách mạng công nghệ thông tin (IT Revolution). Điều rõ ràng là ngày nay, các nước nghèo, kém phát triển đang đứng trước thách thức gay gắt chưa từng thấy về phát triển; ưu thế của các nước phát triển ngày càng tăng về mọi mặt, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo ngày càng mở rộng. Nhìn vào khu vực Châu á - Thái Bình Dương và Đông Nam á chúng ta, tuy các nền kinh tế đang được phục hồi, song các nước ASEAN cũng đang đứng trước thách thức nghiêm trọng là tình trạng nghèo đói và sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển giữa các nước, giữa các vùng trong một nước và trong khu vực, trong đó các vùng dọc Hành lang Đông - Tây của Tiểu vùng Mê công là một thí dụ điển hình. Do đó, trong chính sách phát triển, không thể chỉ chạy theo tốc độ nhanh mà chính là phải coi trọng phát triển đồng đều và công bằng, đặc biệt là hỗ trợ các nước, các vùng tụt hậu. Dưới tác động của toàn cầu hóa, nếu không có những biện pháp hợp tác hữu hiệu, sự chênh lệch phát triển sẽ ngày càng lớn và nguy cơ hình thành hai nhóm nước giàu, nghèo trong ASEAN sẽ là thực tế khó tránh khỏi, và điều đó càng cản trở sự hợp tác hiệu quả của chúng ta. Trong điều kiện đó, nhiệm vụ chung càng cấp bách của chúng ta là cần ra sức hợp tác để phát triển, để xoá đói giảm nghèo, để không bị tụt hậu và thậm chí bị đẩy ra ngoài dòng chảy của sự phát triển chung và sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội là cơ sở cho sự ổn định của các nước và Hiệp hội chúng ta. Thưa Quí vị, Chúng ta cũng không nghĩ rằng phát triển kinh tế là giải quyết được tất cả mọi vấn đề, dù đó phải là ưu tiên cao nhất của Hiệp hội chúng ta hiện nay. Duy trì hoà bình ổn định lâu dài luôn là điều kiện tiên quyết cho phát triển. Chúng ta hy vọng và sẽ cùng nỗ lực để làm cho môi trường hoà bình an ninh ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương trong những năm tới càng thuận lợi cho việc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển và liên kết khu vực nêu trong Tầm nhìn 2020 và Chương trình Hành động Hà Nội. Những chuyển biến tích cực gần đây cho phép chúng ta lạc quan, mặc dù còn nhiều vấn đề không đơn giản. Nguy cơ bùng nổ xung đột tại các điểm nóng trong khu vực giảm xuống, những phát triển mới trên bán đảo Triều tiên theo hướng hoà giải, những nỗ lực xây dựng Bộ luật ứng xử ở Biển Đông của ASEAN và Trung quốc, quan hệ giữa các nước lớn tương đối ổn định. Đối thoại nhiều bên là xu thế chủ yếu ở Châu á - Thái Bình Dương. Tuy quan niệm và chiến lược an ninh có khác nhau nhưng nguyện vọng duy trì hoà bình, ổn định để phát triển ngày càng mạnh. Trong bối cảnh nói trên, tôi cho rằng ASEAN nói chung và ASC khoá 34 nói riêng cần tiếp tục đề cao tinh thần “Đoàn kết, hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều”, kiên trì các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là không can thiệp, đồng thuận, giải quyết mọi vấn đề theo phương cách ASEAN bởi những nguyên tắc đó là nền tảng tạo nên sức mạnh của Hiệp hội chúng ta; tập trung nỗ lực kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề đang đặt ra đối với Hiệp hội, đặc biệt là ưu tiên cao nhất về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên để xây dựng ASEAN thành một thực thể kinh tế phát triển năng động và bền vững, một đối tác tin cậy, giàu tiềm năng. Thời gian qua các nước ASEAN đã tích cực đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, đẩy nhanh thực hiện AFTA, xây dựng khu vực đầu tư ASEAN, các dự án thiết lập mạng đường bộ, đường dây tải điện, đường ống dẫn khí đã được thông qua, tạo thuận lợi cho buôn bán nội khối, các chương trình trọng điểm như xây dựng e-ASEAN , thúc đẩy hợp tác du lịch và giúp đỡ các thành viên mới hội nhập khu vực cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình phối hợp chính sách, duy trì đà phục hồi, tăng trưởng lành mạnh, tăng cường liên kết khu vực về chiều rộng và chiều sâu. Đây cũng chính là mối quan tâm chung mà các nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh để ASEAN có thể phát huy vai trò trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quan hệ đối ngoại của mình. Do vậy tôi đề nghị các vị Tổng vụ trưởng ASEAN xem xét, bàn bạc và đề xuất một văn kiện sẽ thông qua tại AMM-34 thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển vì một ASEAN phát triển năng động và bền vững. Nội dung chủ yếu của văn kiện sẽ là khẳng định lại những cam kết mạnh mẽ và quan tâm hàng đầu nêu trong Tầm nhìn 2020 và Chương trình Hành động Hà Nội về sự sẵn sàng của ASEAN bước vào thiên niên kỷ mới, tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô, khoa học - công nghệ, tài chính, thương mại, du lịch, đề cao các ưu tiên xoá đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các khu vực, tiểu vùng liên quốc gia đang bị tụt hậu so với sự phát triển chung như ở lưu vực Mê Công. Thưa Quí vị, Hội nghị AMM tại New York vừa qua đã có nhiều quyết định thiết thực như lập đường dây nóng ở các cấp lãnh đạo của ASEAN, cải cách hình thức, lề lối làm việc để ASEAN hoạt động thực chất và có hiệu quả hơn; AMM hàng năm ở New York tổ chức theo phương thức họp hẹp (Retreat), rút ngắn thời gian họp AMM hàng năm; tiến hành cơ chế họp thường xuyên giữa Chủ tịch ASC với Tổng thư ký Liên hợp quốc, UNDP, Chủ tịch Phong trào không liên kết và với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và khu vực khác. Tôi tin rằng trong quá trình thảo luận vấn đề này, ASC sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể để thực hiện các quyết định trên. Cuộc họp ASC 1/34 diễn ra trong lúc nhân dân thủ đô Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long. Cách đây gần 1000 năm, người Việt Nam đã lấy hình tượng “con rồng đang bay lên” đặt tên cho Thủ đô của mình với ước nguyện và quyết tâm đưa dân tộc cất cánh cùng thời đại. Trong thế kỷ 20 Hiệp hội ASEAN đã sản sinh ra những con rồng nhỏ, bước vào thiên niên kỷ mới chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng với sức sống và trí tuệ của các dân tộc Đông Nam á, những thành viên khác của ASEAN sẽ “vượt vũ môn” và hoá rồng trong tương lai không xa . Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASC vào thời điểm hiện nay là một nhiệm vụ nặng nề song là vinh dự lớn đối với Việt Nam. Tôi tin tưởng với sự hợp tác và giúp đỡ của Quí vị, của các nước thành viên, chúng tôi sẽ làm tốt chức năng này, góp phần đưa hợp tác mọi mặt trong ASEAN lên một tầm cao mới. Xin chúc cuộc họp thành công. Xin cảm ơn Quí vị.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer