Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết :Việt Nam rất mong muốn chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC
NGUYỄN MINH TRIẾT CHO HÃNG NDN VÀ TV ASAHI (NHẬT)
------

1. Thưa Ngài Chủ tịch, Việt Nam hiện nay được biết đến là một nước đang phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, vậy xin Ngài cho biết Lãnh đạo Việt Nam dự định sẽ xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước như thế nào trong tương lai?

Trả lời :
Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001 - 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020, Đảng và Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa Việt Nam vượt ngưỡng “các nước đang phát triển có thu nhập thấp” ngay trong năm 2008, tạo nền tảng để đến 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Về tổng thể, Việt Nam sẽ trở thành một nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

2. Xin Ngài Chủ tịch cho biết chiến lược kinh tế của Việt Nam để có được một hình ảnh quốc gia như các ngài mong muốn?
 
Trả lời :
Để đạt được mục như vừa nói trên, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội thông qua các phương hướng phát triển lớn là:

- Đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tăng cường  hội nhập kinh tế quốc tế.

- Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, thiết lập môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng, cạnh tranh cho mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

- Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, bao gồm vấn đề xây dựng luật pháp, cải cách hành chính, kiên quyết chống tham nhũng.

- Thực hiện phát triển bền vững với 4 trụ cột là thúc đẩy kinh doanh, xây dựng một xã hội gắn kết, tạo dựng nền tảng cho quản lý tốt và chú trọng bảo vệ môi trường.

3. Xin Ngài Chủ tịch cho biết đầu tư nước ngoài có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam? Việt Nam có những ưu điểm gì để thu hút đầu tư nước ngoài và những tồn tại trong vấn đề này là gì?

Trả lời :

Việt Nam luôn coi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận không tách rời và có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Chúng tôi luôn rộng mở chào đón và hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần cùng có lợi.

Tôi tin tưởng rằng Việt Nam đang và sẽ là một trong những điểm đến được ưa thích của các nhà đầu tư quốc tế với những ưu điểm nổi bật. Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển năng động và ổn định hàng đầu khu vực trong nhiều năm qua, và sẽ tiếp tục tăng trưởng khá trong những năm tới. Thứ hai, Việt Nam có thị trường nội địa với dân số hơn 80 triệu dân và mức sống ngày càng được nâng cao và gắn bó hơn với thị trường khu vực và thế giới. Thứ ba, Việt Nam có chính sách thuận lợi và cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Thứ tư, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động, có trí tuệ, tay nghề khéo léo, cần cù chịu khó và ham học hỏi. Những nhà đầu tư sát cánh cùng chúng tôi trên con đường đó cũng sẽ nhận được những thành quả phát triển xứng đáng.

4. Xin Ngài Chủ tịch cho biết Việt Nam kỳ vọng gì vào vai trò đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản?

Trả lời :

Tôi rất vui mừng chứng kiến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước chúng ta đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ thương mại - đầu tư, được thể chế hóa bởi việc ký kết nhiều hiệp định trong đó có Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (BIT) và được thúc đẩy bởi các chuyến thăm viếng lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hơn nữa mối quan hệ kinh tế  - thương mại giữa hai nước lên tầm cao mới. 

Việt Nam rất mong muốn chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, làm ăn kinh doanh ở Việt Nam trong mọi lĩnh vực mà luật pháp Việt Nam cho phép. Các hoạt động này sẽ góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Với những thế mạnh riêng về vốn và công nghệ, chúng tôi hy vọng các công ty Nhật sẽ lựa chọn Việt Nam để đặt các cơ sở sản xuất có công nghệ cao. Tôi hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam ở mọi lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là những ngành có trình độ công nghệ cao.

5. Như Ngài Chủ tịch đã biết, nước láng giềng Trung Quốc phát triển rất nhanh, vậy Việt Nam đã học được những kinh nghiệm gì từ Trung Quốc?

Trả lời :

Mỗi quốc gia đều tìm ra con đường phát triển riêng của mình. Công cuộc Đổi mới kinh tế của Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chứng tỏ con đường phát triển kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là đúng đắn, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể riêng của Việt Nam. Trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam luôn quan tâm học hỏi những kinh nghiệm thành công và thất bại của các quốc gia khác trên thế giới làm bài học cho mình.

Sự thành công trong phát triển kinh tế của Trung Quốc, một nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam là sự động viên, khích lệ đối với Việt Nam. Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những thành công đó./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer