Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương tại Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ


Phát biểu của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương tại Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ (từ ngày 6 đến 8/9/2000)

Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ là một trong các sự kiện quan trọng của nhân loại trước thềm Thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ thứ ba. Thay mặt nhân dân và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin gửi tới Hội nghị lời chào mừng nồng nhiệt. Nhân dân Việt Nam trông đợi hội nghị này sẽ đề ra được các định hướng ưu tiên, biện pháp thiết thực để đưa LHQ thật sự trở thành tổ chức luôn luôn đấu tranh vì quyền tự quyết của các dân tộc, vì hòa bình và an ninh quốc tế, vì phát triển và phồn vinh cho mọi dân tộc, tự do bình đẳng giữa các quốc gia như Hiến chương LHQ đã đề ra cách đây 55 năm, bảo đảm một tương lai tươi sáng cho nhân loại trong thế kỷ tới. Vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, các nước đều đặt ra câu hỏi nghiêm túc nhất về vận mệnh của mình cũng như của cả loài người. Trong 100 năm qua, nền văn minh và tri thức của loài người đã có những bước phát triển nhảy vọt, đánh dấu bằng việc giải phóng loài người khỏi chế độ nô lệ vào cuối thế kỷ 19, tiêu diệt họa phát-xít vào cuối thế chiến thứ hai, làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân; bằng việc xuất hiện và thắng lợi từng bước trên thực tế những tư tưởng tiến bộ nhất nhằm loại bỏ mọi hình thức người bóc lột người, dân tộc này áp bức bóc lột dân tộc khác, hướng tới một thế giới công bằng và văn minh. Những giá trị nhân văn về bình đẳng, bình quyền của các dân tộc và mỗi con người, được đúc kết một cách súc tích trong các nguyên tắc của Hiến chương LHQ là thành tựu lớn của nhân loại trong thế kỷ 20. Cũng trong thế kỷ qua, con người đã vươn tới nắm bắt những bí ẩn sâu xa của tự nhiên, từ thế giới vũ trụ đại vĩ mô đến công nghệ gien của thế giới vi mô; đã thiết lập hệ thống mạng lưới giao thông tiên tiến nối liền các châu lục, các xa lộ thông tin kỹ thuật số bao phủ toàn cầu, và làm sản sinh ra các hoạt động kinh tế tri thức, các hoạt động thương mại mới với tiềm năng còn chưa lường hết được. Các nhân tố mới đó đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội loài người. Tuy vậy, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra các cơ hội không phải đồng đều đối với tất cả các nước. Thế giới văn minh mà chúng ta phấn đấu phải là một thế giới tất cả các quốc gia dân tộc đều được hưởng các lợi ích nhờ cách mạng khoa học-công nghệ mang lại. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh thế giới hiện nay, còn tồn tại và tiềm ẩn khá nhiều bất cập. Nổi bật nhất là tình trạng bất công trên thế giới, hố ngăn cách ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, giữa dân chủ và áp đặt trong quan hệ quốc tế. Nạn ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tình trạng gia tăng các loại tội phạm và dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch ma túy và HIV/AIDS, tiếp tục thách thức, đe doạ sự phát triển chung của các dân tộc. Các nước đang phát triển, nhất là các nước chậm phát triển nhất là những nước đang phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, chịu sức ép gay gắt nhất. Trong khi chỉ một số ít nước, và một số nhỏ người trên trái đất được sống sung túc, thì hàng chục nước và hàng tỷ con người ở châu Phi, châu á, Mỹ la-tinh hầu như đang bị bỏ rơi vào tận cùng của đói nghèo. Thực tiễn toàn cầu hóa như đang diễn ra hiện nay, về cơ bản chỉ mang lại lợi thế cho một thiểu số các nước và trung tâm phát triển, cho các tập đoàn siêu quốc gia hùng mạnh. Trong khi đó, lợi ích của đa số các nước đang phát triển, những nước do nhiều hoàn cảnh lịch sử và các lý do khách quan khác đã bị tụt hậu xa so với mức phát triển chung, đã rất ít được tính đến trong các luật lệ thương mại và đầu tư quốc tế. Cơn lốc toàn cầu hóa bị chi phối bởi các quy luật nghiệt ngã của thị trường đang tiếp tục đẩy nhiều nước vào nguy cơ bị bần cùng hóa thêm, thậm chí bị gạt ra bên lề của tiến trình phát triển. Nguyện vọng chung thiết tha của nhân dân thế giới là hòa bình, ổn định, công bằng và hợp tác, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển, cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu bức xúc đang đặt ra. Đúc kết những bài học thành bại trong lịch sử thế giới 100 năm qua và của 55 năm LHQ, tại hội nghị quan trọng này, chúng tôi chia sẻ quan điểm chung về những vấn đề hàng đầu mà cộng đồng quốc tế cần ưu tiên giải quyết: - Trước hết, đó là làm sao dành những nguồn lực xứng đáng nhất để giải quyết các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt, cần tập trung nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói đang đe dọa đời sống hàng ngày của 5 phần 6 dân số trên thế giới, và rút ngắn hố ngăn cách về phát triển giữa các nước giàu và nghèo, giữa phương Bắc và phương Nam. - Xây dựng các mối quan hệ kinh tế-thương mại-tài chính quốc tế như các nước phương Nam nêu trong Tuyên bố Havana vừa qua. Đó phải là những mối quan hệ công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, dành những hỗ trợ và ưu đãi chính đáng và thỏa đáng cho các nước chậm phát triển và đang phát triển, bao gồm cả việc các nước phát triển trợ giúp các nước này hội nhập nền kinh tế thế giới, tham gia WTO; không áp đặt các điều kiện phi lý để hạn chếvà triệt tiêu sức cạnh tranh kinh tế của các nước đang phát triển. - Tăng nguồn vốn viện trợ ODA đạt mức 0,7% GDP như các nước phát triển đã cam kết; tăng thêm các điều kiện ưu đãi về cho vay; giảm nợ cho các nước đang phát triển và xóa nợ cho các nước chậm phát triển; những quyết định củacác nước G8 về xóa nợ cho các nước nghèo vừa qua mới chỉ là bước đầu. - Thực hiện và mở rộng đối xử ưu đãi cho các nước đang phát triển về chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các nước tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin. - Tái cam kết và bằng hành động thiết thực triển khai các chương trình hành động đã được các hội nghị quốc tế và của LHQ thông qua về bảo vệ trẻ em vàphụ nữ, về dân số, môi trường, ma túy, phát triển xã hội; coi đó là những nhiệm vụ bức xúc nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững và công bằng xã hội. - Tăng cường củng cố hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển và xóa đói giảm nghèo; xây dựng các quan hệ chính trị - kinh tế quốc tế công bằng văn minh, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia. Cần tăng cường các nỗ lực về giải trừ quân bị, chống chạy đua vũ trang, kể cả việc triểnkhai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD), ưu tiên giải trừ quân bị hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; giải quyết các xung độtbằng các biện pháp đối thoại hòa bình, không can thiệp; cần bác bỏ và chấm dứt các hành động can thiệp, áp đặt, bao vây cấm vận, vì những hành động này không chỉ vi phạm chủ quyền của các nước, đe dọa hòa bình an ninh quốc tế, mà còn gây ra vô vàn đau khổ cho nhân dân ở các nước bị áp đặt bao vây cấm vận, như ở Iraq, Cuba, và một số nước khác. Mười năm cấm vận ở I-rắc vừa qua đã làm cho gần 1,5 triệu người dân, phần lớn là trẻ em, phụ nữ, người già, bị chết vì thiếu lương thực và thuốc men. Các cuộc xung đột khu vực với sự can thiệp từ bên ngoài đã cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội. Đó là những điều mà loài người văn minh không thể chấp nhận được. Hòa bình và phát triển ngày nay càng gắn bó hữu cơ với nhau; chỉ có hòa bình và ổn định mới có điều kiện để tập trung phát triển; ngược lại, nếu không có phát triển thịnh vượng, không xóa bỏ được nghèo đói và bất công, sẽ không có được hòa bình, ổn định vững chắc trong phạm vi một nước cũng như trên phạm vi từng khu vực và cả thế giới. Trong tinh thần đó, chúng tôi tán đồng đánh giá của Ngài Chủ tịch trong dự thảo "Tuyên bố Thiên niên kỷ", theo đó, mỗi quốc gia chúng ta "có trách nhiệm riêng rẽ đối với từng xã hội", đồng thời còn có "trách nhiệm tập thể đề cao các nguyên tắc về công bằng và bình đẳng ở cấp độ toàn cầu". Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Ngài Chủ tịch Đại hội đồng và Ngài Tổng thư ký LHQ đóng góp chuẩn bị cho Hội nghị và các đề xuất của hai vị về ưu tiên phát triển, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống dịch bệnh, tăng cường giúp đỡ các nước đang phát triển về phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục tình trạng thụ hưởng rất bất bình đẳng hiện nay trong quá trình tham gia các hoạt độngkinh tế - thương mại toàn cầu. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm được những biện pháp có tính khả thi để thực hiện các mục tiêu nói trên. Trong hợp tác phát triển, xuất phát từ những kinh nghiệm của Việt Nam vớicác nước, chúng tôi xin nêu một số đề xuất để thúc đẩy hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển: - Mở rộng cơ chế hợp tác ba bên hay công thức 2+1, trong đó hai nước đang phát triển và bên thứ ba là các nước tài trợ hay các tổ chức quốc tế, hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trước hết về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và xóa đói nghèo. Thực tiễn hợp tác của Việt Nam với một số nước bạn châu Phi như Madagascar, Benin, Senegal với sự tham gia của FAO; sáng kiến của các bạn Cuba về hợp tác Nam-Nam về y tế đối với châu Phi cho thấy, nếu được sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, các nước đang phát triển vẫn có thể khai thác nhiều tiềm năng để hợp tác hiệu quả và giúp đỡ nhau giải quyết những vấn đề cấp bách. - Thúc đẩy hơn nữa các sáng kiến về hợp tác tiểu vùng nghèo, xây dựng các hành lang, tam giác, tứ giác phát triển kinh tế liên quốc gia nhằm tận dụng, khai thác lợi thế địa phương, xây dựng các không gian hợp tác kinh tế thông thoáng, tranh thủ viện trợ và đầu tư của các nước phát triển, các nhà tài trợ. Theo hướng này, chương trình hợp tác phát triển Hành lang Đông - Tây thuộc tiểu vùng Mê Công được quyết định tại Hội nghị cấp cao lần thứ VI Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam á (ASEAN VI) ở Hà Nội, được ADB và một số nước phát triển tài trợ, là rất có triển vọng. Trước thềm Thiên niên kỷ mới, câu hỏi chung đặt ra trước cộng đồng quốc tế là làm sao bảo đảm LHQ, tổ chức toàn cầu rộng lớn nhất, thật sự đóng góp vào việc tạo điều kiện cho tất cả các quốc gia được phát triển trong hòa bình, công bằng và bền vững. 55 năm qua, LHQ đã có được những đóng góp đáng kể cho việc thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiến chương, vì hòa bình và an ninh quốc tế, thiết lập một môi trường luật pháp quốc tế bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, độc lập của các quốc gia, vì hợp tác phát triển chung. Cuộc đấu tranh kiên cường của các dân tộc thuộc địa ở á, Phi và Mỹ la-tinh đã đưa đến việc LHQ thông qua Bản Tuyên bố 1514 (năm 1960) nổi tiếng về "Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa", một loạt các nước mới giành được độc lập khỏi ách thực dân trở thành các thành viên bình đẳng trong quan hệ quốc tế và ở LHQ; đưa LHQ từ 51 thành viên ban đầu lên 188 thành viên hiện nay. Tuy vậy, trong 55 năm qua, có không ít trường hợp, một số nước vì các lợi ích vị kỷ của mình, đã lợi dụng LHQ để tiến hành những hành động đi ngược với các tôn chỉ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương; làm tổn hại chủ quyền, độc lập của các quốc gia, và uy tín của chính tổ chức. Nhằm phấn đấu để LHQ có vai trò xứng đáng hơn trước những thay đổi to lớn trên thế giới, Việt Nam đồng tình với quan điểm chung của các nước cho rằng, LHQ, trong khi tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của Hiến chương về tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, cần được cải tổ theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nâng cao hiệu quả để thật sự phục vụ lợi ích chung của tất cả các quốc gia lớn nhỏ; không phụ thuộc và bị chi phối bởi các lợi ích riêng của bất kỳ một nước nào hay nhóm nước nào, không để tái diễn những trường hợp vi phạm nghiêm trọng Hiến chương như sự kiện Kosovo. Theo đó, LHQ cần dành nguồn lực thích đáng để ưu tiên giúp đỡ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước chậm phát triển, thực hiện xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi ủng hộ ý kiến chung cần tăng cường vai trò trung tâm của Đại hội đồng, cơ quan đại diện của tất cả các nước thành viên LHQ theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, và thực hiện cải tổ Hội đồng Bảo an, tăng số lượng thành viên thường trực cũng như không thường trực, nhằm tăng cường tính đại diện, công bằng và dân chủ hóa cơ quan quyền lực này. Bằng những cải tổ theo các hướng trên, chúng ta tin rằng bước vào Thiên niên kỷ mới LHQ sẽ có thể đóng góp ngày càng tích cực hơn vào việc thực hiện các mục tiêu chung của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, công bằng và phát triển thịnh vượng. Đúng vào dịp chuyển giao thiên niên kỷ, nhân dân Việt Nam vừa kỷ niệm trọng thể 55 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam. Vượt qua muôn ngàn gian khổ hy sinh để đến được với kỷ nguyên độc lập, tự do, từng bước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân tộc chúng tôi thấm nhuần sâu sắc chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", ra sức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phấn đấu kiên cường vì sự tồn tại và phát triển của mình. Việt Nam có lợi ích thiết thân trong sự nghiệp chung của nhân dân thế giới nhằm xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên các nguyên tắc căn bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế về độc lập chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, vì hòa bình, độc lập và phát triển. Sự nghiệp đổi mới 15 năm qua ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và tương đối ổn định, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện đáng kể. Chúng tôi đang tập trung sức đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020, xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Trong chiến lược phát triển của mình, Việt Nam chủ trương gắn phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, lấy con người làm trung tâm, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển, phát triển là để phục vụ con người. Mặc dù theo xếp hạng GDP/đầu người, Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp, nhưng theo chỉ số phát triển con người (HDI) vị trí xếp hạng của Việt Nam là tương đối cao trong số các nước đang phát triển. Trong chiến lược phát triển sắp tới, Nhà nước Việt Nam coi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Trong thời gian qua, sự nghiệp phát triển nông nghiệp luôn luôn được coi là mặt trận ưu tiên, nhờ đó không những an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm mà còn xuất khẩu lương thực ngày càng lớn. Việt Nam vốn là nước có tỷ lệ tăng dân số cao kéo dài (trên 2,3%/năm), nay nhờ chính sách của Chính phủ và sự trợ giúp có hiệu quả của các tổ chức chuyên môn của LHQ và của một số nước tài trợ, chỉ số phát triển dân số giảm xuống còn 1,7%. Các yếu tố trên cùng với việc thực hiện Chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chúng tôi đã đạt thành tựu lớn lao, được LHQ đánh giá cao. Tỷ lệ người nghèo theo định mức của Việt Nam đã giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 13% năm 1999.Nhiệm vụ ưu tiên này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Bằng những nỗ lực của từng nước và với sự hợp tác quốc tế, chúng ta hãy cùng quyết tâm hơn nữa cho sự nghiệp to lớn đầy tính nhân văn này. Một thế giới hay một đất nước văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trong những ngày đầu của cách mạng Việt Nam là làm sao để "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", và "mọi dân tộc đều có quyền tự do và bình đẳng". Sau hàng chục năm bị xâm lược và chiến tranh kéo dài, Việt Nam nay là một đất nước đổi mới, một thành viên tích cực và hòa hợp của cộng đồng quốc tế. Đến nay, chúng tôi đã thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao với gần 170 nước trên thế giới, có các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 167 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của Phong trào Không liên kết, của Nhóm 77 và của Diễn đàn Nam - Nam, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp; là thành viên của LHQ; là thành viên đang đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch thường trực ASEAN; là thành viên của APEC, ASEM; và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác. Quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới và tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn là bạn với tất cả các nước, Việt Nam chủ trương phát huy cao độ nội lực, trước hết là nguồn lực con người, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực chủ động hội nhập nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Tại diễn đàn quan trọng này, chúng tôi khẳng định rằng: Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã và sẽ là đối tác xây dựng và tin cậy, cùng phấn đấu vì những mục tiêu chung của nhân dân thế giới là hòa bình, công bằng và phát triển, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Trong thời điểm chuyển giao lịch sử trọng đại này của thế giới, chúng ta có cơ sở để lạc quan dù còn không ít băn khoăn về tương lai nhân loại. Chúng ta cùng chia sẻ niềm tin chung về sự tất thắng của các giá trị nhân văn và tiến bộ mà nhân loại đã tạo dựng được qua lịch sử lâu dài đấu tranh và sáng tạo. Với niềm tin đó, Việt Nam mong muốn đồng hành cùng bạn bè năm châu bốn biển góp sức mình phấn đấu để Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ với "Tuyên bố Thiên niên kỷ" sẽ đánh dấu một mốc mới quan trọng trong lịch sử LHQ, mở đầu thời kỳ LHQ có vai trò xứng đáng hơn. Trong tinh thần đó, chúng tôi muốn trịnh trọng đề nghị với Quý vị: Chúng ta hãy lấy thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là thập kỷ của những nỗ lực toàn cầu cao nhất nhằm xóa đói nghèo. Tin rằng bằng việc đó, Hội nghị chúng ta sẽ đáp ứng được nguyện vọng và nhắc nhở trách nhiệm đối với tất cả các dân tộc. Xin chúc hội nghị thành công. Xin cảm ơn sự chú ý của Quý vị.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer