Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên gặp gỡ báo chí nhân dịp kết thúc Hội nghị AMM-33, ARF-7 và PMC


Nội dung cuộc gặp gỡ báo chí của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhân dịp kết thúc Hội nghị AMM-33, ARF-7 và PMC ngày 30 tháng 7 năm 2000.

I/ Lời phát biểu của Bộ Trưởng: Tôi vừa kết thúc một chuỗi các cuộc họp tại Băng-cốc. Trước tiên là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM), sau đó là cuộc họp của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), tiếp theo là cuộc họp sau Hội nghị Ngoại trưởng với các nước đối tác (PMC). Ngoài ra còn có nhiều cuộc tiếp xúc song phương khác. Có thể nói rằng Hội nghị Băng-cốc lần này đã đạt được một số kết quả. Những kết quả này cho chúng tôi hy vọng là ASEAN sẽ ngày càng củng cố. Việc Việt Nam đảm nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN trong 1 năm sẽ là một cơ hội để củng cố thêm tình đoàn kết cũng như là đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động của khối ASEAN, tăng cường sự hợp tác giữa ASEAN và các nước khác ngoài khu vực. II/ Phần trả lời câu hỏi của phóng viên: 1. Phóng viên Báo Nhân Dân: Xin Bộ trưởng đánh gía kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-AMM lần thứ 33, Cuộc họp ASEAN + 3 và PMC năm nay có những điểm gì mới? Câu hỏi thứ hai là những vấn đề nổi bật trong các văn kiện tại các Hội nghị Băng-cốc là gì? Câu hỏi thứ ba là Xin Bộ trưởng cho biết hoạt động sắp tới của Việt Nam để hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASC và ARF? Trả lời: Về câu hỏi thứ nhất: Điểm nổi bật nhất của cuộc họp AMM vừa rồi là các nước đều thấy rằng trong giai đoạn hiện nay cần phải đẩy mạnh sự hợp tác về kinh tế hơn nữa nhất là việc thực hiện Chương trình hành động Hà Nội. Thứ hai là trong tình hình hiện nay vấn đề hoà bình và ổn định của các nước trong khối là một vấn đề hết sức bức xúc, cho nên các nước cần có sự quan tâm hơn nữa và thấy rằng nhiệm vụ của mỗi nước là phải làm thế nào để củng cố hoà bình ổn định ở nước mình đồng thời đóng góp vào hoà bình ổn định ở khu vực. Điểm thứ ba là Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đã mở ra một loạt các hoạt động khác. Sự hợp tác của các nước ngoài khu vực ASEAN cũng đã được tăng cường hơn. Chúng tôi cũng thấy rằng các nước ngoài khu vực cũng quan tâm nhiều hơn đến ASEAN. Ví dụ như EU, lần này có 3 Bộ trưởng EU đến dự Hội nghị. Điều đó thể hiện sự quan tâm của EU cũng như Châu Âu đối với Hội nghị này. Về câu hỏi thứ hai: Điểm nổi bật nhất trong các văn kiện theo tôi là các nước tham dự đều khẳng định những nguyên tắc cơ bản của ASEAN đó là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và nguyên tắc đồng thuận. Về tình hình như tôi đã nói hoà bình và an ninh hiện nay là những vấn đề rất quan trọng. Nhưng làm thế nào để xử lý tốt vấn đề này mà vẫn giữ được nguyên tắc đồng thuận và nguyên tắc không can thiệp. Từ đó để thấy được vai trò của Troika: đây không phải là một cơ chế đứng trên tổ chức ASEAN mà là một cơ chế có tính chất lâm thời và tính chất tư vấn. Khi một nước ASEAN có yêu cầu thì Troika mới hoạt động. Điểm nổi bật thứ hai rất quan trọng là phát triển kinh tế: làm thế nào để khu vực phát triển đồng đều, làm thế nào để khu vực này đi vào quá trình toàn cầu hoá cho phù hợp. Từ đó nhấn mạnh rất nhiều đến chương trình hành động Hà Nội. Trong chương trình hành động Hà Nội có nhiều dự án đang được thực hiện. Khó khăn lớn nhất đối với những dự án này là vốn đầu tư. Vì vậy ASEAN đang kêu gọi các nước ngoài khu vực nhất là các nước phát triển. Hội nghị lần này họp sau Hội nghị G8 kết thúc cho nên Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã thông báo cho Hội nghị về kết quả Hội nghị G8 và khả năng các nước phát triển có thể đóng góp vào các chương trình của kế hoạch hành động Hà Nội. 2. Phóng viên Tân Hoa Xã: Xin Bộ trưởng đánh giá về triển vọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai? Trả lời: Tôi nghĩ rằng cuộc gặp gỡ giữa các nước ASEAN với Trung Quốc lần này cũng là một cuộc gặp gỡ thành công và mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc ngày càng tăng cường. Có rất nhiều khả năng để ASEAN hợp tác với Trung Quốc. ở đây tôi chỉ lấy ví dụ tiểu vùng Mê-kông, Trung Quốc hết sức quan tâm đến vấn đề này, hoặc là Biển Đông cũng được Trung Quốc rất quan tâm. Hiện nay Trung Quốc và ASEAN đã đi đến nhiều thoả thuận để trước khi kết thúc năm 2000 có thể ký được Bộ luật ứng xử ở Biển Đông. 3. Phóng viên Báo Tuổi trẻ: Một trong những nhiệm vụ của Việt Nam trong thời gian tới là điều phối quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. Xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam sẽ có những hành động và việc làm cụ thể nào để điều phối tốt mối quan hệ này như đã thực hiện tốt với Nhật Bản và Nga? Trả lời: Sắp tới Việt Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều phối viên của ASEAN với Hoa Kỳ. Và trong quan hệ giữa ASEAN với Hoa Kỳ có rất nhiều các lĩnh vực hợp tác. Việt Nam lần này có thuận lợi lớn là vừa ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Đồng thời phải nói rằng những thành tựu kinh tế mà chúng ta đã đạt được trong 6 tháng đầu năm tạo cho ta có vị trí và tiềm lực để đẩy quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ lên, đặc biệt là khi chúng ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASC. 4. Phóng viên Hãng Reuters (Anh): Xin Bộ trưởng nói rõ về cuộc gặp giữa Bộ trưởng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Albright. Trong cuộc gặp này có thảo luận về Hiệp định thương mại không và về mong muốn thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton? Trả lời: Tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Ngoại trưởng Hoa kỳ Albright . Cả hai chúng tôi đã bày tỏ sự hài lòng với việc ký kết Hiệp định thương mại giữa hai nước. Chúng tôi đều hy vọng rằng sự hợp tác sẽ tiếp tục, mở ra những cơ hội mới cho cả hai nước tăng cường quan hệ hợp tác trong kinh tế và các lĩnh vực khác. Chúng tôi không có thời gian để thảo luận các vấn đề khác. 5. Phóng viên NHK (Nhật): -Xin Ông cho biết khả năng diễn ra chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ. Nếu có, đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử. Còn vấn đề ngoại giao nào cần giải quyết trong lịch trình để thực hiện chuyến đi này chẳng hạn như vấn đề nhân quyền, bồi thường chiến tranh hay các vấn đề về kinh tế nào? -Với tư cách chủ tịch ASC trong thời gian 1 năm tới, xin Ông cho biết tiến trình thảo luận và giải quyết 2 vấn đề: việc thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm nước phát triển và kém phát triển hơn trong ASEAN; vấn đề về Biển Nam Trung Hoa, về Bộ Quy tắc ứng xử? Trả lời: Tổng thống Mỹ đã có những nỗ lực to lớn trong tiến trình tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, hiệp định thương mại là một trong những đóng góp to lớn của Tổng Thống theo hướng đó. Vì vậy nếu Tổng thống có mong muốn đi thăm Việt Nam thì sẽ được hoan nghênh. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có quyết định về chuyến thăm. Chúng tôi đang cố gắng để thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước ít phát triển hơn trong ASEAN. Đây là một vấn đề rất quan trọng đối với bản thân chúng tôi. Khẩu hiệu của ASEAN hiện nay là phát triển đồng đều. Cần tăng viện trợ và giúp đỡ để các nước ít phát triển hơn có điều kiện phát triển nền kinh tế của mình. Chúng tôi, ASEAN, đã thoả thuận với Trung Quốc sẽ ký Bộ Quy tắc ứng xử trước khi năm nay kết thúc. Vấn đề ở đây là cần duy trì nguyên trạng, tất cả các bên mà chúng tôi gặp gỡ, trao đổi đều cam kết không làm điều gì có thể gây căng thẳng trong khu vực. Với nỗ lực của các bên có liên quan, Bộ Quy tắc ứng xử sẽ được ký kết vào cuối năm nay. 6. Phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng: Với cương vị chủ tịch ASC, Việt Nam sẽ đưa ra sáng kiến gì để thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội? Khi CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên tham gia ARF, liệu có áp dụng công thức ASEAN+4 không? Xin Bộ trưởng đánh gía ý nghĩa việc CHDCND Triều Tiên ra nhập ARF? Trả lời: Chúng tôi đang suy nghĩ, đang trong qúa trình hình thành sáng kiến, là chủ tịch cần phải có sáng kiến vì đây là ý tưởng, phương hướng hoạt động. Khi có sáng kiến thì phải có tiếp xúc với các nước thành viên để có sự ủng hộ cho sáng kiến. Sáng kiến sẽ tập trung chủ yếu vào 2 mục tiêu chính: hoà bình, ổn định và phát triển kinh tế. Về CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên tham gia ARF và về khả năng có theo công thức ASEAN+4 và ASEAN + CHDCND Triều Tiên hay không, chúng tôi còn đang trao đổi trong nội bộ các nước ASEAN. Việc CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên tham gia ARF là điều rất đáng được hoan nghênh vì như chúng ta biết tình hình ở Bán đảo Triều Tiên đang là một trong những vấn đề thế giới rất quan tâm và chúng ta trong khu vực kế cận cũng rất quan tâm. Sự tham gia của CHDCND Triều Tiên vào ARF làm tăng cường thêm sự tin cậy, nhất là ARF đang trong giai đoạn củng cố xây dựng lòng tin. 7. Phóng viên AP (Mỹ): Xin Ông cho biết ý kiến tại cuộc họp lần này về kế hoạch phòng thủ chống tên lửa quốc gia - National Missiles Defense cho toàn khu vực Châu á, với tư cách chủ tịch ASC, Việt Nam sẽ ứng phó với Mỹ về kế hoạch này như thế nào? Trả lời: Chúng tôi phản ứng tiêu cực đối với kế hoạch NMD tại Băng-cốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan điểm này trong thời gian Việt Nam làm chủ tịch ASC. 8. Phóng viên NHK: Xin ông cho biết các kế hoạch cụ thể về phát triển tiểu vùng sông Mê Kông? Trả lời: Chúng tôi có rất nhiều ý tưởng, đề nghị về phát triển tiểu vùng sông Mê Kông. Những nước ngoài khu vực, nhất là Nhật Bản cũng hết sức quan tâm đến tiểu vùng này. Chúng tôi đã nhận được những cam kết của ngân hàng thế giới và ngân hàng Châu á muốn đóng góp vào đây. Nếu phát triển vùng này sẽ đi đúng vào trọng tâm của việc thực hiện chương trình hành động Hà Nội, tức là xóa đói nghèo vì khu vực này là khu vực tương đối nghèo so với toàn khu vực ASEAN. Có 236 dự án trong chương trình hành động Hà Nội trong đó 200 dự án đã và đang được thực hiện, trong 200 dự án này, có rất nhiều dự án liên quan đến tiểu vùng Mê Kông. 9. Phóng viên Nhật báo kinh tế Trung Quốc: Xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn trong việc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông là gì? và cần phải làm gì để khắc phục? Trả lời: Quy tắc ứng xử Biển Đông trước hết phải dựa vào Bộ luật Biển năm 1982, Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc năm 1997. Hiện nay nói chung các quan điểm đã gần nhau rồi, chỉ còn một vài điểm chưa thống nhất. Trong tiếp xúc với Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng tin rằng những vấn đề chưa thống nhất này trong vòng vài ba tháng tới cũng có thể xử lý được và Bộ Quy tắc ứng xử này có thể ký vào cuối năm nay.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer