Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và Liên minh châu Âu


Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu nói về quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và Liên minh châu Âu

Hà Nội (Ttxvn 18/5/2000)    Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp và Liên minh châu Âu đang phát triển tích cực và thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định như vậy.       Ngày 17/5, tại Hà Nội, trong cuộc tiếp và trả lời phỏng vấn của phóng viên của báo Pháp "thế giới" và tạp chí "chính trị quốc tế", nhân dịp Tổng Bí thư sắp sang thăm Pháp, ý và Ủy ban châu Âu, đề cập đến quan hệ giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng vị trí và vai trò của nước Pháp. Quan hệ Việt Nam và Pháp đã trải qua thăng trầm của lịch sử và được thử thách bởi thời gian, ngày nay đang phát triển tích cực và thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã tiến hành đối thoại chính trị thường xuyên ở cấp cao; quan hệ kinh tế năng động và có hiệu quả; hợp tác khoa học kỹ thuật ngày càng mở rộng và phát triển; trao đổi văn hóa phong phú và đa dạng; cộng tác tốt trong các diễn đàn quốc tế đa phương. Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng rằng chuyến đi thăm hữu nghị chính thức nước Pháp sắp tới của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Việt - Pháp; hai nước sẽ ti ếp tục hợp tác có hiệu quả hơn trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, nhất là trong cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác và đối thoại giữa châu á và châu Âu mà hai nước đều là những thành viên tích cực.       Về quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã có những bước phát triển tích cực và đáng khích lệ trên các lĩnh vực, đồng thời bày tỏ mong muốn quan hệ đó sẽ ngày càng được tăng cường và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho cả đôi bên, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.       Về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hai năm gần đây có phần chậm lại do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực châu á cũng như hậu quả của thiên tai và những yếu kém nội tại, Tổng bí thư cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện 6 giải pháp lớn nhằm chặn đà sụt giảm và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội: tạo thuận lợi và hỗ trợ hữu hiệu hơn cho sản xuất, kinh doanh của mọi tầng lớp nhân dân, mọi loại hình doanh nghiệp; khai thông thị trường, chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư; tiếp tục đổi mới và chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, tài chính; giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc; đổi mới và nâng cao hiệu lực điều hành của Chính phủ và hệ thống hành chính.       Tổng Bí thư khẳng định chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy tối đa nội lực đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhằm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.       Về vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư nêu rõ từ trước đến nay trong nền kinh tế Việt Nam dù mức độ và phạm vi có khác nhau trong từng thời kỳ, khu vực kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển như một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản, Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều ghi nhận khu vực kinh tế tư nhân. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam chủ trương thực hiện nhất quán nền kinh tế nhiều thành phần trong suốt thời kỳ quá độ, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản tư nhân hợp pháp, người sở hữu tư nhân được tự do đầu tư và kinh doanh, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Hiện nay và sắp tới, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam chủ trương tiếp tục thi hành chính sách nhất quán đó, khuyến khích các hình thức kinh tế tư nhân với các loại quy mô (nhỏ, vừa, lớn) không hạn chế hoạt động, tự do đầu tư và kinh doanh trong mọi lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh, hành nghề theo pháp luật. Hiện nay khu vực kinh tế tư nhân tồn tại và hoạt động trong phạm vi khá rộng lớn, bao gồm hơn 10 triệu hộ nông dân cá thể, hàng chục vạn hộ làm kinh tế trang trại trong nông nghiệp và lâm nghiệp, hàng chục vạn hộ là các hộ làm nghề thủ công, tiểu thương và có số lượng doanh nghiệp tư nhân nhiều gấp 7 - 8 lần số lượng doanh nghiệp nhà nước, tạo ra gần 50 % Gdp hàng năm.       Về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm sút trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực cùng những tồn tại yếu kém về môi trường đầu tư, Tổng Bí thư nêu rõ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã nhìn thấy và đang có các biện pháp tích cực làm chuyển biến tình hình. Không ít các nhà đầu tư châu Âu, Bắc Mỹ và cả Nhật Bản đánh giá cao độ tin cậy, tính ổn định của môi trường đầu tư và tiềm năng đầu tư khai thác lợi thế ở Việt Nam. Đó là những động thái đáng ghi nhận và cho phép dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới.       Về tình hình khu vực, Tổng Bí Thư nói, tình hình Indonesia và tình hình ở Đông Ti-mo là vấn đề nội bộ của Indonesia. Trong quan hệ với các nước, Việt Nam luôn luôn tôn trọng lập trường của các nước trong việc giải quyết những vấn đề nội bộ của nước đó. Việt Nam mong muốn các nước giải quyết những vấn đề nội bộ của mình trên cơ sở tôn trọng quyền con người, tôn trọng tính mạng và tài sản của nhân dân. Việt Nam luôn mong muốn hòa bình và ổn định. Nếu một nước mà các tỉnh cứ đòi ly khai thì sẽ mất ổn định. Tình hình một nước nào đó trong khu vực không ôn định sẽ ảnh hưởng tới nước khác. Việt Nam mong muốn tình hình khu vực và thế giới ổn định.       Về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói, sự lựa chọn một hay nhiều đảng ở mỗi nước là quyền của mỗi dân tộc. Thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam cũng có nhiều đảng nhưng các đảng đó không đem lại được thắng lợi cho cách mạng Việt Nam; họ không đứng lên được trên vũ đài chính trị, họ đi từ thầt bại này đến thất bại khác. Chỉ từ khi Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo thì cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi. Thắng lợi lớn nhất là đem lại độc lập và tự do cho đất nước, cho dân tộc, làm cho đời sống nhân dân được cải thiện từng bước. Đất nước Việt Nam còn nghèo, nhưng đời sống nhân dân đã khá lên. Nhân dân Việt Nam nói không có đảng nào lãnh đạo được cách mạng Việt Nam mà chỉ có Đảng Cộng sản mà thôi. Nhân dân coi Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của chính họ, đảng của dân tộc. Đây là vinh dự đồng thời là trách nhiệm nặng nề của Đảng.       Về vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú ý đến vấn đề này và từ năm 1994 đã coi tham nhũng, quan liêu là một nguy cơ, tham nhũng là một quốc nạn, là giặc nội xâm. Gần đây Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương mở cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong đó có nội dung quan trọng là chống tham nhũng, quan liêu, với một hệ thống biện pháp đồng bộ cả về tư tưởng chính trị, tổ chức, đạo đức và lối sống, cả xây và chống với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc và mỗi cấp mỗi ngành phải đề ra cho được biện pháp hữu hiệu. Cuộc vận động mới tiến hành một năm và đã thu được kết quả ban đầu đáng khích lệ. Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, bày tỏ tin tưởng rằng cuộc đấu tranh này chắc chắn sẽ có hiệu quả.       Về những dự định của Việt Nam trong những năm sắp tới của thế kỷ 21, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói, bước vào thế kỷ 21 Việt Nam phải làm sao phát huy được tiềm năng và sức mạnh của đất nước, nhất là về lao động và tài nguyên. Nhưng muốn làm được như vậy phải đầu tư vào khoa học kỹ thuật và công nghệ. Về mặt này Việt Nam muốn hợp tác với nhiều nước, kể cả Pháp và Mỹ. Hiện nay các nước đã tiến vào thời kỳ kinh tế tri thức, kinh tế thông tin. Nhưng Việt Nam mới mon men vào kinh tế công nghiệp hóa. Cho nên Việt Nam phải cố gắng, phải quan hệ với các nước có công nghệ tiên tiến; phải gấp rút đào tạo cán bộ và phải gấp rút cải cách hành chính. Việt Nam tin như vậy nếu quan hệ giữa Việt Nam với các nước tốt lên. Chuyến đi Pháp và châu Âu lần này cũng sẽ tạo đà cho sự tiến bộ này.       Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói mặt trận chính ở Việt Nam là thắng cho được nghèo nàn và lạc hậu. Muốn vậy mọi người phải đem tài năng và trí tuệ của mình ra sản xuất. Kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân hay sự đầu tư của nước ngoài đều được yều cầu thúc đẩy sản xuất và thắng nghèo nàn. Chính sách gì ngăn cản việc làm đó đều bị bãi bỏ. Ai cũng bung ra sản xuất. Đất nước sẽ mở rộng cửa cho nước ngoài đầu tư vào nhiều hơn. Làm được nhiều của cải thì sẽ thắng được nghèo nàn lạc hậu./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer