Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Chúng ta sẽ hoàn thành tốt trong trách này”

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng nếu được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt trọng trách này, đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế.

Việc Việt Nam ứng cử và tham gia làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói riêng và với quá trình phát triển của đất nước nói chung? 

Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức toàn cầu lớn nhất, có số lượng thành viên đông đảo gồm 192 quốc gia và hoạt động trong tất cả những lĩnh vực quan trọng của đời sống quốc tế.  Hội đồng Bảo an (HĐBA) là một trong 6 cơ quan chính của tổ chức này và được các nước thành viên trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế thông qua các biện pháp giải quyết hoà bình các tranh chấp, đối phó với các đe doạ đối với hoà bình, các hành động xâm lược và có thể hỗ trợ để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt nhân đạo của các cuộc xung đột, khủng hoảng quốc tế.   

Việt Nam chính thức trở thành thành viên LHQ cách đây vừa đúng 30 năm, vào năm 1977. Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và LHQ không ngừng phát triển. Việt Nam ngày càng tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của LHQ trong các lĩnh vực hoà bình, an ninh quốc tế, giải trừ quân bị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ môi trường và đã được các quốc gia thành viên tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí lãnh đạo của nhiều cơ quan khác nhau của LHQ.  

Việc Việt Nam ứng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 là một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam và Liên Hợp Quốc đồng thời là một quyết sách lớn nằm trong tổng thể các biện pháp triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động đóng góp tích cực hơn nữa vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc thúc đẩy các mối quan hệ song phương thì hoạt động ngoại giao đa phương của ta cũng có bước trưởng thành góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và uy tín của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp..; tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.  Ta cũng quyết định chính thức ứng cử làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ từ rất sớm, ngay từ năm 1997 cùng lúc với việc triển khai những chủ trương lớn khác về tham gia của ta tại các diễn đàn đa phương và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc gia nhập ASEAN (1995), APEC (1998); tổ chức Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 (1997), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 5 (2004) và Hội nghị cấp cao châu Á-Thái Bình dương (APEC) 2006. 

Việc nước ta ứng cử làm Uỷ viên không thường trực HĐBA thể hiện cam kết và trách nhiệm của một quốc gia thành viên. Ở vị trí là Uỷ không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ có điều kiện cùng các quốc gia thành viên khác của Hội đồng Bảo an cũng như với nhiều nước thành viên Liên hợp quốc trong việc giải quyết các “điểm nóng”, ngăn ngừa xung đột ở các khu vực phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, qua đó, góp phần vào nỗ lực phấn đấu chung vì hoà bình của nhân dân thế giới. Đồng thời, kết quả tích cực của công việc này sẽ góp phần vào việc thực hiện yêu cầu đối ngoại hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, đóng góp vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.  

Ở vị trí là Uỷ không thường trực HĐBA, qua các hoạt động hợp tác để giải quyết các công việc trong chương trình nghị sự của HĐBA, chúng ta có điều kiện thể hiện chính sách hoà bình, hợp tác, thiện chí và năng lực hoạt động quốc tế của mình, qua đó tô đậm thêm hình ảnh một Việt Nam đổi mới, ổn định, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.   

Xin ông cho biết đánh giá về quá trình vận động trở thành Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an LHQ? 

Trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, thách thức lớn đòi hỏi quốc gia ứng cử không những đủ khả năng đảm đương mà phải được trên 2/3 số thành viên LHQ tín nhiệm bầu. Kể từ khi quyết định ứng cử năm 1997, chúng ta tích cực trình bày với các nước ở nhiều cấp, kể cả ở cấp cao nhất, về mong muốn cùng khả năng của ta đóng góp vào công việc của LHQ ở vị trí là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Chúng ta luôn khẳng định với bạn bè về cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế và những đóng góp thực tế của ta trong lĩnh vực này ở khu vực Đông Nam Á cũng như qua các hoạt động của LHQ. Những nỗ lực của Việt Nam phấn đấu cho hoà bình, độc lập, tự quyết dân tộc, chính sách ngoại giao nhất quán của ta cùng những thành tựu đổi mới toàn diện hơn 20 năm qua đã làm cho nhiều nước tin tưởng vào khả năng của ta và bày tỏ ủng hộ ứng cử của Việt Nam. Từ năm 2002, các nước ASEAN đã nhất trí ủng hộ Việt Nam. Tháng 10/2006, Nhóm các nước Châu Á tại LHQ đã nhất trí thông qua quyết định đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào chức vị này. Ta cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước thuộc các châu lục khác. Việc tháng 9 tới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng LHQ chứng tỏ cam kết của Việt Nam trong việc đảm đương trọng trách làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an và mong muốn có được sự ủng hộ rộng rãi của các nước đối với ứng cử của ta.   

Nếu được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an, với tư cách là đại diện của khu vực châu Á, đồng thời có trách nhiệm với các thành viên quốc gia của LHQ, chúng ta sẽ đóng góp hết sức mình vào việc giải quyết các vấn đề lớn mang tính toàn cầu trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an như ngăn ngừa xung đột ở các khu vực, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và sao cho Hội đồng Bảo an thực hiện hiệu quả các chức năng của mình, vì lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia thành viên.   

Với vị thế mới của Việt Nam có được nhờ những thành tựu to lớn về đối nội và đối ngoại sau hơn 20 năm đổi mới toàn diện; với truyền thống ngoại giao hoà hiếu, “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy”, tôi tin rằng, nếu được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, chúng ta sẽ hoàn thành tốt trọng trách này, đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế. 

Xin cảm ơn ông!

(Đặc san Viêt Nam-Thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc của Báo Thế giới và Việt Nam - Bộ Ngoại giao)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer