Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng:Mở rộng và nâng cao các quan hệ quốc tế để góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ vừa hoàn thành tốt đẹp chuyến thăm chính thức ba nước Oman, Bahrain, Qatar và đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết những kết quả chủ yếu của chuyến thăm Vương quốc Oman, Vương quốc Bahrain và Nhà nước Qatar vừa qua?

Ông Nguyễn Sinh Hùng: Ðây là chuyến thăm chính thức cấp cao đầu tiên của Việt Nam đối với ba nước nêu trên. Cùng đi với Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, có lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và một số doanh nghiệp có quan hệ trực tiếp với các đối tác ở khu vực này.

Trong một tuần, Ðoàn đã thực hiện một khối lượng công việc lớn với hàng chục cuộc gặp, làm việc, hội đàm và ký kết các văn kiện với các nhà lãnh đạo và nhiều đối tác tại ba nước.

Tại Oman, tôi đã gặp Ngài quyền Thủ tướng và các vị bộ trưởng quan trọng (như dầu khí, kinh tế, thương mại, ngoại giao, du lịch...) và đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước, văn kiện thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Dầu khí quốc gia Oman.

Có ba việc đạt kết quả vượt dự kiến, gồm: ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác lao động, nhất trí thành lập Quỹ đầu tư vào Việt Nam với mức vốn một tỷ USD và thành lập Ủy ban hỗn hợp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước do Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Kinh tế Oman làm đồng chủ tịch. Ðồng thời, hai bên còn hoàn thiện thêm một bước dự thảo về Thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật và Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Tại Qatar, trong cuộc hội đàm chính thức giữa hai đoàn, Ngài Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Quỹ Ðầu tư Qatar (QIA) đã nhất trí việc sớm mở Ðại sứ quán Việt Nam tại Qatar và Ðại sứ quán Qatar tại Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Một kết quả vượt dự kiến là ngài Thủ tướng đã quyết định chấp thuận đề nghị của chúng ta về việc thành lập Quỹ Ðầu tư vào Việt Nam với mức vốn một tỷ USD, trong đó phía Qatar góp 90%, phía Việt Nam góp 10%.

Các ngành và các đơn vị liên quan của hai nước cũng đã ký kết được nhiều văn kiện. Ðó là ba Thỏa thuận (hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật; hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp) và cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định hợp tác lao động để bạn sang Việt Nam ký vào đầu năm tới.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký được hai hợp đồng xuất khẩu lao động để đưa 2.000 người sang làm việc tại Qatar trong hai năm (hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam làm việc tại quốc gia này và nước bạn cũng đã cấp hạn mức chỉ tiêu tới 27.000 người cho các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam). Bạn đã đồng ý về nguyên tắc cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng một Nhà máy sản xuất phân đạm tại Qatar với giá mua nguyên liệu bằng 20-25% giá thị trường ASEAN.

Một kết quả rất đáng ghi nhận nữa là Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC) và QIA đã ký văn kiện Thỏa thuận hợp tác với nội dung chủ yếu là hai tổ chức tài chính có chức năng tương tự này ở hai nước sẽ phát huy vai trò đầu mối và cầu nối giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận và triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam. QIA còn chủ động đề xuất đóng vai trò là đầu mối giúp SCIC nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia dầu mỏ tại khu vực Trung Ðông.

Tại Bahrain, chúng tôi đã có các cuộc gặp với các Ngài Thủ tướng, Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng... Hai bên đã ký được ba văn kiện: Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, Thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật, Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp. Ðồng thời hai bên cũng tiến thêm một bước trong hoàn thiện dự thảo Hiệp định Hợp tác lao động và các hiệp định Bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần...

Tại cả ba nước, chúng ta đều phối hợp với bạn tổ chức diễn đàn doanh nghiệp với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tranh thủ thời cơ giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam, những thành tựu đổi mới, phát triển, sự an toàn, ổn định về chính trị - xã hội, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam...

PV: Xin Phó Thủ tướng nhận xét về ý nghĩa của chuyến công tác và những kết quả đã đạt được nêu trên?

Ông Nguyễn Sinh Hùng: Trước hết, chuyến thăm chính thức này là một trong những bước tiếp tục triển khai tích cực Chương trình hành động của Chính phủ theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa X về "Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới" và "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020".

Chuyến thăm diễn ra ngay sau sự kiện chính trị đối ngoại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2007, đó là Việt Nam vừa được bầu làm Ủy viên không thường trực HÐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009.

Mục tiêu chung là thúc đẩy quan hệ về đối ngoại với ba nước nêu trên và các nước khu vực Trung Ðông. Mục tiêu cụ thể là: Thu hút đầu tư kể cả trực tiếp và gián tiếp (những năm qua do lợi thế về dầu khí và giá dầu tăng, các nước này có nguồn vốn nhàn rỗi ngày càng lớn, ước tính tới hơn 1.000 tỷ USD); đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhất là xuất khẩu lao động.

Chuyến thăm, một lần nữa thể hiện, Ðảng và Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới vì hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội.

Lãnh đạo và nhân dân ba nước nêu trên đều đánh giá cao vị thế, uy tín của Việt Nam  trên trường quốc tế và đã nhiệt tình mở rộng, nâng cao quan hệ ngoại giao, kinh tế với Việt Nam (trong đó Qatar là một trong hai đại diện của châu Á tại HÐBA LHQ nhiệm kỳ 2006 - 2007, đã trao đổi những kinh nghiệm thiết thực góp phần giúp chúng ta chuẩn bị thay thế bạn trong nhiệm kỳ 2008 - 2009).

Bên cạnh mục tiêu chính trị được hoàn thành tốt, trong đó cả hai bên đều trân trọng sự tin cậy và tình hữu nghị tốt đẹp, chúng ta đã tiến thêm một bước trong việc khai thác thế mạnh về kinh tế của ba nước Trung Ðông có vị thế địa - kinh tế, tài nguyên và khí hậu tương đối giống Việt Nam (cùng vĩ tuyến, cùng nhìn ra biển với ưu thế vượt trội về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ và nguồn tài nguyên dồi dào đặc biệt là dầu mỏ...). Ðó là ba nước phát triển, có thu nhập cao (GDP bình quân hiện nay đều ở mức vài ba chục nghìn USD/người), có nguồn tài chính dồi dào, là địa bàn rất hấp dẫn đối với các ngành, các doanh nghiệp Việt Nam muốn huy động vốn, mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và lao động...

Ðối chiếu với mục đích và nội dung đề ra thì kết quả đạt được đã vượt dự kiến, nhưng quan trọng hơn là việc nâng cao uy tín và kinh nghiệm trong quan hệ với chính phủ và các đối tác ở khu vực rất giàu tiềm năng này.

Có thể nói, chúng ta đã có thêm một thành công mới theo phương châm mở rộng và nâng cao các quan hệ quốc tế song phương, đa phương, khu vực và toàn cầu vì lợi ích đất nước, nhằm khai thác và phát huy các nguồn nội lực, ngoại lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm cho đất nước tiếp tục duy trì đà phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần các nghị quyết của Ðảng và Chương trình hành động của Chính phủ để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.

PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta cần tiếp tục triển khai những công việc gì để phát huy những kết quả nêu trên?

Ông Nguyễn Sinh Hùng: Trước hết, thay mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ tôi biểu dương các bộ, ngành liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo và góp phần tích cực vào thành công của chuyến thăm chính thức ba nước Trung Ðông nêu trên.

Ðể tiếp tục triển khai và phát huy những kết quả bước đầu vừa đạt được, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm cho những đợt công tác tiếp theo trong tiến trình đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới, chúng ta cần phối hợp đồng bộ các ngành, các doanh nghiệp liên quan để triển khai nhanh, thực hiện tốt các cam kết và các hợp đồng kinh tế với các đối tác ở ba nước đó. Trong đó, đặc biệt chú ý sự kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa nhà đầu tư, nhà xuất nhập khẩu và hệ thống dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

Hầu như tất cả các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đều liên quan mật thiết đến hệ thống tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, do đó việc mở rộng quan hệ kinh tế ở những địa bàn mới như thế này vừa đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, vừa là thời cơ lớn đối với các ngành liên quan nêu trên. Ðó chính là quán triệt tinh thần tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đang có những biến đổi rất nhanh và sâu sắc.

Phát huy kết quả chuyến thăm này, các thành viên đoàn doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá doanh nghiệp mình và ráp mối với các đối tác tại khu vực Trung Ðông, qua đó ký kết và thực hiện thêm nhiều hợp đồng kinh tế có hiệu quả cao và thiết thực.

Một số doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhà nước, nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và SCIC cần nắm bắt cơ hội triển khai sớm những hoạt động có tính chiến lược, như xúc tiến chương trình huy động vốn, hợp tác đầu tư, thăm dò, khai thác, xuất nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu khí.

Trong tương lai gần, Tổ hợp công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất bước vào hoạt động và một hoặc hai nhà máy lọc dầu nữa cũng hoàn thành, do đó cần nhanh chóng tăng trữ lượng dầu khí của tập đoàn cả ở trong và ngoài nước để đáp ứng nguyên liệu cho mục tiêu tăng nhanh sản lượng dầu thô và các sản phẩm chế biến từ dầu khí. Qua đó, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về dầu mỏ và công nghệ lọc, hóa dầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các công ty dầu quốc tế trong khu vực. Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước phát huy vai trò đầu mối giúp các nhà đầu tư tại khu vực này tiếp cận các dự án tại Việt Nam hoặc hợp tác cùng phía bạn thông qua các phương thức thích hợp, đồng thời là cầu nối tin cậy giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai bên.

Trung Ðông gồm 16 quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi, có những nét văn hóa khác với Việt Nam, cho nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động quan tâm đặc biệt việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho người lao động Việt Nam tại đó hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán và luật pháp nước sở tại, góp phần tích cực nâng cao quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực này...

Phát huy kết quả đạt được trong chuyến thăm Vương quốc Oman, Vương quốc Bahrain và Nhà nước Qatar vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, vừa có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.

(Nhân dân)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer