Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bản tin số 37


   VĂN PHÒNG BỘ NGOẠI GIAO
PHÒNG NGOẠI VỤ ĐỊA PHƯƠNG

                ---------------

 Ngày 25  tháng 7  năm 2013


BẢN TIN NGOẠI VỤ SỐ 37

1. Hoạt động chính trị, đối ngoại

- Thủ tướng CHDCND Lào thăm và làm việc tại Hà Tĩnh 
Ngày 10/7/2013, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoongsing Thammavong và đoàn công tác đã thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, trong đó có Công ty xăng dầu, dầu khí Vũng Áng và Công ty CP cảng Vũng Áng Việt Lào( ) tại KKT Vũng Áng.
Tại buổi đón tiếp đoàn, đ/c Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã giới thiệu khái quát về tiềm năng và cơ hội phát triển của KKT Vũng Áng nói chung và của 2 công ty nói riêng. Đây là 2 đơn vị đã có nhiều gắn kết chặt chẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp Lào.
Thủ tướng Thoongsing Thammavong tin tưởng, với những tiềm năng, lợi thế, KKT Vũng Áng sẽ là động lực thúc đẩy toàn diện kinh tế - xã hội hai nước Việt - Lào ngày càng phát triển.

2. Hợp tác kinh tế, văn hóa

- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp tân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản
Ngày 10/7/2013, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã có buổi tiếp ngài Sato Motonobu, tân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác mới tại Việt Nam.
Chúc mừng ngài Sato Motonobu nhận nhiệm vụ công tác mới tại Việt Nam, đ/c Nguyễn Thế Thảo đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản phát phát huy vai trò là cầu nối, giới thiệu, quảng bá thủ đô Hà Nội và kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nguồn lực vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đường sắt đô thị, công nghệ cao, quản lý, điều hành giao thông… vốn là thế mạnh của Nhật Bản; khẳng định Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, đầu tư vào thành phố.
Ngài Sato Motonobu đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội trong thời gian gần đây, đồng thời cho biết Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn coi Việt Nam là thị trường tiềm năng và tin cậy, nhất là Hà Nội, nơi hiện có 520 công ty, doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động. Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam trong năm 2013, theo đó tại Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt quy mô lớn hàng nghìn người Nhật Bản đang làm việc tại Việt Nam vào ngày 03/11/2013.

- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp Chủ tịch Tập đoàn Texhong, Trung Quốc
Ngày 11/7/2013, đ/c Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã tiếp xã giao ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch Tập đoàn Texhong, Trung Quốc.
Sau khi phân tích những lợi thế của Quảng Ninh và của Việt Nam đối với sản phẩm dệt may xuất khẩu sang các nước Châu Âu, đ/c Phạm Minh Chính đánh giá việc Tập đoàn Texhong đầu tư xây dựng Nhà máy sợi tại Quảng Ninh là hợp lý và đúng đắn trong chiến lược kinh doanh lâu dài; Quảng Ninh đang chú trọng thực hiện các chiến lược đột phá về cải cách hành chính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đang xin phép thực hiện một số chính sách đặc thù thu hút đầu tư từ nước ngoài, Tập đoàn Texhong nên mở rộng đầu tư, kêu gọi thêm các doanh nghiệp đến cùng tham gia đầu tư vốn, đưa khoa học công nghệ kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm để hình thành một chuỗi các sản nghiệp phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang bao gồm từ sản xuất sợi nguyên liệu, đến dệt may...; Quảng Ninh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng đến tận nơi dự án với phương cùng đồng hành và phát triển.

- Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh làm việc với Công ty Joinus, Hàn Quốc
Ngày 20/7/2013, đ/c Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã làm việc với Công ty TNHH Joinus, Hàn Quốc, về các vấn đề liên quan đến Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh (Sân bay Vân Đồn).
Tại buổi làm việc, Công ty TNHH Joinus đã báo cáo phân tích tài chính về nghiên cứu khả thi Dự án, làm rõ những nội dung liên quan đến môi trường của Dự án; dự báo nhu cầu giao thông hàng không; những giả thiết cơ bản cho phân tích tài chính, báo cáo tài chính mô phỏng; xem xét các thông số kỹ thuật thi công công trình. Hai bên thống nhất triển khai đầu tư Dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thảo luận cụ thể vào các nội dung: dự kiến phần tham gia của Nhà nước trong dự án; phân tích rủi ro, quyền và nghĩa vụ của các bên; những lợi thế và hiệu quả kinh tế, xã hội của việc thực hiện dự án theo hình thức PPP so với hình thức BOT, tính khả thi của việc huy động các nguồn vốn đầu tư.
Đánh giá cao sự quyết tâm và chuẩn bị chu đáo từ phía đơn vị đầu tư, đ/c Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, phía Quảng Ninh sẽ sớm làm việc, tổng hợp ý kiến của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương để trao đổi tiếp với đơn vị đầu tư tham khảo, bổ sung, điều chỉnh báo cáo, đồng thời đề nghị phía Công ty TNHH Joinus và các đơn vị liên doanh, tích cực đẩy nhanh các bước chuẩn bị đầu tư đối với Dự án.

- Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tiếp đoàn Bộ Thương mại Thái Lan
Ngày 23/7/2013, đ/c Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, đã tiếp đoàn đại biểu Bộ Thương mại Chính phủ Hoàng gia Thái Lan do Thư ký Thường trực Vimooktayon dẫn đầu đến trao đổi về biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư Việt Nam – Thái Lan.
Trong trao đổi, đ/c Lê Mạnh Hà cho biết, đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam hiện chưa tương xứng với tiềm năng; mới chỉ có trên 100 doanh nghiệp Thái Lan đầu tư với số vốn hơn 400 triệu USD trong toàn quốc, riêng tại TPHCM là 108 dự án với số vốn 155 triệu USD.
Bà Vatchari Vimooktayon cho biết, mục đích của chuyến thăm nhằm giúp các doanh nghiệp Thái Lan tìm hiểu về thị trường hàng hóa, đối tác kinh doanh và cơ hội đầu tư để tiến đến sự phát triển đa dạng và sâu hơn nữa về hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước. Nhấn mạnh Chính phủ Thái Lan rất quan tâm hỗ trợ và ủng hộ doanh nghiệp Thái Lan sang đầu tư tại Việt Nam, bà cho rằng doanh nghiệp Thái Lan sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam cũng như TPHCM trong thời gian tới; mong muốn chính quyền TPHCM giúp đỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thái Lan hoạt động hiệu quả tại thành phố.

- Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc
Ngày 18/7/2013, Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc do đ/c Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, đã tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại thủ đô Seoul. Hội thảo đã thu hút gần 60 doanh nghiệp Hàn Quốc đến dự, trong đó nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch hoặc dự định đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, lĩnh vực mà tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn thu hút đầu tư.
Giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc, môi trường và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, trong trao đổi, tham luận, Đoàn Vĩnh Phúc đã giải đáp thỏa đáng các câu hỏi liên quan đến môi trường đầu tư như: chính sách ưu đãi đầu tư; quỹ đất giao cho nhà đầu tư; giá thuê hạ tầng, nhà xưởng và giá thuê đất trong các khu công nghiệp; vấn đề xử lý rác thải công nghiệp và sinh hoạt; các chính sách đối với người lao động…
Đại diện cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đang sản xuất kinh doanh thành đạt tại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Heasung Vina đã phát biểu chia sẻ thành công và kinh nghiệm đầu tư ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại hội thảo, có 5 nhà đầu tư Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến môi trường đầu tư về sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, máy photocopy, máy in, kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tư vấn lập trình phần mềm máy tính, xử lý rác thải công nghiệp, y tế và rác thải sinh hoạt; mong muốn Vĩnh Phúc sớm cung cấp thông tin chi tiết để sang khảo sát đầu tư.

- Xây dựng mô hình sản xuất rau công nghệ Hàn Quốc tại Hòa Bình
Ngày 17/7/2013, UBND tỉnh Hoà Bình đã làm việc với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về việc xây dựng mô hình trình diễn sản xuất rau theo công nghệ Hàn Quốc. Đ/c Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Hòa Bình xác định phát triển nông nghiệp là thế mạnh, là nơi cung cấp sản phẩm cho Thủ đô Hà Nội, việc triển khai dự án xây dựng mô hình trình diễn sản xuất rau tại tỉnh là cơ hội góp phần thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp bền vững; thông qua thực hiện mô hình, nông dân trong tỉnh sẽ có điều kiện làm việc, học hỏi công tác quản lý, tổ chức sản xuất mới, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao đời sống.
Dự án xây dựng mô hình trình diễn rau theo công nghệ Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư 2,859 triệu USD, trong đó vốn viện trợ của Hàn Quốc là trên 2,6 triệu USD, vốn đối ứng là 250.000 USD. Dự án sẽ thực hiện chương trình đào tạo chuyên gia, cán bộ và nông dân địa phương; cung cấp trang thiết bị để hoạt động; xây dựng mô hình trình diễn sản xuất; cải tiến hệ thống phân phối, tổ chức các nhóm canh tác theo 5 loại cây trồng là hành, củ cải, khoai tây, ớt, cải thảo.

3. Biên giới, lãnh thổ

- Việt Nam - Lào hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới
Ngày 09/7/2013, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã tổ chức Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới giữa hai nước trên thực địa và khánh thành mốc đại (số 460) tại cặp cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Nghệ An - Nậm On, tỉnh Bolikhamxay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Lào Thoongsing Thammavong đã tham dự buổi lễ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, đã trả lời phỏng vấn báo chí cho biết:
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài 2.067 km, đi qua 10 cặp tỉnh biên giới phía Tây và Tây Bắc, hai nước đã ký nhiều văn bản pháp lý quan trọng về biên giới lãnh thổ, đặc biệt là “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” ký ngày 18/7/1977, tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Trải qua 05 năm thực hiện, với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của hai nước, đến nay đã xây dựng được 793 vị trí mốc, tương ứng với 835 cột mốc và cắm bổ sung trên 20 cọc dấu, hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào( ) trên thực địa.
Đây là sự kiện hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2014, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, cho hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hoá, du lịch của nhân dân vùng biên giới, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Sự kiện này có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Trước đó, ngày 08/7/2013 tại thành phố Vinh, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith đã ký Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Đây là Thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để hai nước hợp tác giải quyết cơ bản vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước đã tồn tại từ hàng chục năm nay, góp phần ổn định cư dân biên giới, củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, góp phần vào việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi hai bên hoàn thành các thủ tục nội bộ và có văn bản thông báo cho nhau qua đường ngoại giao và sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm kể từ ngày có hiệu lực.

4. Các tin khác

- Sơ kết công tác bồi dưỡng cán bộ đối ngoại địa phương
Ngày 18/7/2013, tại TP Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lớp cập nhật kiến thức đối ngoại cho lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ năm 2013 và Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện "Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ, biên dịch và phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2011-2015". Tham dự có đông đủ các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ địa phương trong toàn quốc. Về phía Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã dự khai mạc, giới thiệu những thông tin mới về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo một số vấn đề trọng tâm trong công tác ngoại vụ và chủ trì tọa đàm sơ kết thực hiện Đề án.
Báo cáo của Văn phòng Bộ trình bày tại cuộc tọa đàm sơ kết cho biết, công tác bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và kỹ năng biên phiên dịch cho cán bộ ngoại vụ địa phương đã ngày càng đi vào bài bản kể từ khi có Đề án. Báo cáo cũng đưa những con số cho thấy nhiều chỉ tiêu định lượng đề ra trong Đề án đến nay đã cơ bản hoàn thành; việc thực hiện Đề án đã đem lại những biến chuyển tích cực về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức ngoại vụ các địa phương.
Trên cơ sở kết quả sơ kết và tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu các địa phương, Văn phòng Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ trao đổi, đề xuất biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng các lớp học Đề án trong giai đoạn tới. Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án trong thời gian qua (giữa kỳ), trong đó sẽ kiến nghị về những điều chỉnh cần thiết nhằm hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Đề án và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các địa phương.

- Văn bản mới: Ngày 10/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 40/2013/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017 và Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; cả hai Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2013. Một số nội dung đáng chú ý như sau:
+ Quyết định số 40 ban hành chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài ghi rõ, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cần phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xóa đói - giảm nghèo của cả nước, phù hợp với quy hoạch và ưu tiên phát triển theo ngành và của từng địa phương, hỗ trợ cho những nỗ lực giảm nghèo và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.
Các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi viện trợ gồm nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; giáo dục và đào tạo; đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; môi trường; khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; văn hóa, thể thao; ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối tượng ưu tiên là các tỉnh nghèo, các tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nội dung ưu tiên cụ thể được xác định theo tình hình thực tế của mỗi địa phương.
 + Quyết định số 41 xác định rõ vị trí, vai trò của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật; là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có vai trò làm đầu mối phối hợp trong một số hoạt động đối ngoại nhân dân, là đầu mối cho công tác phi chính phủ nước ngoài.
 Về nhân sự, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao biên chế hàng năm theo vị trí việc làm phù hợp với mô hình tổ chức, quy mô hoạt động trên cơ sở cân đối biên chế, ngân sách hàng năm của Trung ương và các địa phương.
 Về kinh phí hoạt động, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hoạt động đối ngoại nhân dân, chi thường xuyên, thông tin đối ngoại và nghiên cứu, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật; được tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

- Thông báo của Đại sứ quán Xây-sen tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam về chính sách thị thực. Theo đó, Xây-sen sẽ không áp dụng chính sách thị thực; người nước ngoài khi đến Xây-sen sẽ được cấp phép nhập cảnh tại cửa khẩu nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Có vé máy bay khứ hồi hoặc vé đi đến nước thứ 3;
- Có hộ chiếu hợp lệ còn giá trị từ 06 tháng trở lên (không phân biệt loại hộ chiếu) tính từ ngày dự định xuất cảnh;
- Bằng chứng về nơi cư trú (như thư/thư điện tử khẳng định đã đặt khách sạn của tổ chức/cá nhân sở tại nơi mà khách nước ngoài sẽ đến tạm trú trong thời gian ở Xây-sen);
- Có một khoản tài chính nhất định, tối thiểu 150 USD/ngày hoặc tương đương. Trong trường hợp cán bộ kiểm soát nhập cảnh có lý do nghi ngờ, khách nước ngoài sẽ được yêu cầu chứng minh tài chính./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer