Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bản tin số 38


    VĂN PHÒNG BỘ NGOẠI GIAO
PHÒNG NGOẠI VỤ ĐỊA PHƯƠNG

 

Ngày 30  tháng 8 năm 2013


BẢN TIN NGOẠI VỤ SỐ 38

1. Hoạt động chính trị, đối ngoại

- Hội nhập quốc tế làm nền tảng cho giai đoạn phát triển mới
Nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2013), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết đánh giá chặng đường ngoại giao Việt Nam đã làm được trong 68 năm qua. Trong bài viết nêu rõ:
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời đánh dấu sự ra đời của ngành ngoại giao… Trong những năm 1945-1946, Ngoại giao Việt Nam do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã góp phần giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ… Ngoại giao đã khôn khéo tận dụng mâu thuẫn đối phương, nỗ lực duy trì hòa bình, tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Ngoại giao đã tranh thủ được sự ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, mở rộng hoạt động quốc tế, tạo nên mặt trận rộng rãi trên thế giới đấu tranh chống thực dân xâm lược, góp phần dẫn tới Hội nghị quốc tế Geneva 1954 mang lại hòa bình cho Việt Nam… mở ra thời kỳ mới cho cách mạng giải phóng Miền Nam Việt Nam, góp phần quan trọng đưa tới sự kiện lịch sử 30/4/1975, cả nước hoàn toàn thống nhất về một dải, nhân dân Việt Nam được sống chung một nhà. Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt và trực tiếp của Đảng, kết tinh trí tuệ và quyết tâm của toàn dân tộc ta, trong đó lực lượng đối ngoại đóng vai trò trực tiếp và quan trọng.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, Ngoại giao đã đóng vai trò quan trọng trong việc phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển của đất nước. Những thành tựu trong công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng tạo cho đất nước thế và lực ngày càng vững mạnh, vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao.
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XI của Đảng, Bộ Ngoại giao đã xác định năm 2013 là năm “Ngoại giao Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Chủ trương lớn của Đảng hiện đang được triển khai mạnh mẽ, làm nền tảng cho toàn bộ các hoạt động đối ngoại trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, ngành Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tạo thành một mặt trận vững chắc trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.
Thời gian tới, bên cạnh việc kiểm điểm việc triển khai đường lối đối ngoại nửa nhiệm kỳ qua kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, ngành Ngoại giao sẽ phải tiếp tục đánh giá sâu rộng tình hình thế giới và khu vực, xác định các cơ hội và thách thức đối với đất nước, đề ra phương hướng triển khai các nhiệm vụ đối ngoại tiếp theo và hướng tới chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây là những nội dung quan trọng mà ngành Ngoại giao sẽ tập trung thảo luận trong dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 trong 6 tháng cuối năm 2013.

- TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore
Ngày 01/8/2013, Ủy ban nhân dân TPHCM đã tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore với sự tham dự của đại diện lãnh đạo TPHCM, Tổng lãnh sự quán Singapore tại TPHCM, sinh viên các trường đại học, doanh nghiệp Singapore đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng trước sự kiện kỷ niệm 40 năm đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà  khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Singapore( ) đang phát triển vững mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh…
Trong bài phát biểu của mình, bà Leow Siu Lin - Tổng lãnh sự Singapore cho biết: Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 40 năm qua đã không ngừng phát triển và mở rộng. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp là nền tảng cho hợp tác kinh tế ngày càng vững chắc giữa hai bên. Thành quả tốt đẹp của hợp tác song phương trong chặng đường 40 năm qua cho chúng ta niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Singapore sẽ được nâng lên đối tác chiến lược trong thời gian sắp tới.

- Tỉnh Phú Thọ tổ chức kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản
Đêm 26/8/2013, tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Tham dự buổi lễ có Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Hội hữu nghị Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo tỉnh Nara (Nhật Bản), đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân… của hai tỉnh Nara – Phú Thọ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Chu Ngọc Anh đã điểm lại những thành tựu của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 40 năm qua. Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, không ngừng phát triển và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa …trong đó còn có ý nghĩa đặc biệt đối với hai tỉnh Phú Thọ và Nara trong việc cùng nhau nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác phát triển. Chủ tịch bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và các cơ quan hữu quan hai nước Việt - Nhật tăng cường những hoạt động, hỗ trợ tích cực cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Phú Thọ với Nara và các đối tác Nhật Bản để hai vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mang lại sự thịnh vượng chung cho hai nước, hai địa phương.

- Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Savanakhet (Lào) thăm làm việc tại Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế
+ Tại Quảng Bình: Ngày 05/8/2013, đồng chí Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình và đồng chí Su-phăn Keo-mi-xay, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng đã có cuộc hội đàm giữa hai tỉnh để thông báo tình hình hợp tác theo Biên bản hợp tác hữu nghị ghi nhớ năm 2012. Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Bình, Bí thư Tỉnh ủy đã thông tin đến Đoàn cấp cao tỉnh Savanakhet một số mặt về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của Quảng Bình và đánh giá việc thực hiện Biên bản hợp tác hữu nghị ghi nhớ mà hai tỉnh đã ký kết trong năm 2012.
Cho tới nay, hai tỉnh đã hoàn thành cắm mốc trên thực địa tuyến biên giới Việt Nam - Lào, góp phần hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới trên thực địa giữa hai nước; tích cực triển khai thực hiện Dự án tuyến đường 565 (đường 16 cũ) qua Cửa khẩu Chút Mút - Lả Vơn, nối Savannakhet với cảng Hòn La (tỉnh Quảng Bình) và cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); tỉnh Quảng Bình tiếp tục nhận 05 học sinh tỉnh Savannakhet đào tạo tại Trường Đại học Quảng Bình; về quốc phòng, an ninh, quan hệ hợp tác giữa lực lượng chuyên trách, các cấp chính quyền được duy trì thường xuyên, có hiệu quả góp phần xây dựng đường biên giới giữa hai tỉnh hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển.
+ Tại Thừa Thiên Huế: Ngày 7/8/2013, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Su-phăn Keo-mi-xay, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet và đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì hội đàm để đánh giá tình hình thực hiện biên bản ký kết giữa hai tỉnh thời gian qua và xác định trọng tâm tiếp tục hợp tác trong thời gian tới. Tại hội đàm, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, thông tin và đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực( ), hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển; tập trung hợp tác đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, xúc tiến thương mại; kết nối tua tuyến du lịch để khai thác tiềm năng du lịch dọc hành lang kinh tế Đông - Tây; phối hợp tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm hàng hóa… Thừa Thiên Huế tiếp tục hỗ trợ học bổng cho lưu học sinh đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng ở Huế; hỗ trợ đào tạo về du lịch cho tỉnh Savannakhet…Hai bên thống nhất tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định về Quy chế biên giới Việt - Lào nhằm giúp nhân dân hai bên biên giới thực hiện tốt Hiệp định, tránh các vi phạm xảy ra; xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

- Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tiếp Đại sứ Israel
Ngày 15/8/2013, đồng chí Trần Văn Túy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar đến thăm tỉnh và tham dự Hội thảo “Ngày công nghệ Israel” tại Bắc Ninh.
Giới thiệu khái quát về lịch sử, văn hóa của Bắc Ninh và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 15 năm qua, tới nay Bắc Ninh đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh trong cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới hợp tác đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao, đồng cúi Trần Văn Tuý mong muốn Hội thảo “Ngày công nghệ Israel” này sẽ trở thành cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh với các doanh nghiệp Israel, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xử lý môi trường để phát triển bền vững.
 Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Bắc Ninh, Đại sứ Israel - Meirav Eilon Shahar cho biết, Israel là quốc gia nhỏ, khí hậu khắc nghiệt nhưng đã rất thành công trong xuất khẩu công nghệ về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Với thế mạnh về phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, hiện tại nhiều doanh nghiệp Israel đang tìm hiểu cơ hội đầu tư về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý khu dân cư dựa trên thẻ nhận dạng thông minh, công nghệ xử lý nước sạch tại Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Ninh.

2. Hợp tác kinh tế, văn hóa

- Hội chợ Quốc tế Đầu tư -Thương mại và Du lịch Hành lang Kinh tế Đông Tây 2013
Từ 8-13/8/2013, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố Đà Nẵng đã khai trương Hội chợ Quốc tế Đầu tư -Thương mại và Du lịch Hành lang Kinh tế Đông Tây 2013 (EWEC - Đà Nẵng 2013). Hội chợ lần này có 500 gian hàng của 300 doanh nghiệp: Thái Lan 45 doanh nghiệp (51 gian), Lào 14 DN (14 gian), Campuchia 01 DN (01 gian) và 235 doanh nghiệp trong nước (432 gian). Ngoài ra, còn có sự tham gia của Đại sứ quán Nam Phi, Phòng Thương mại Campuchia; các đơn vị xúc tiến thương mại, hội doanh nghiệp của 19 tỉnh, thành phố, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐăkLăk, Ninh Bình, Phú Yên, An Giang, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Huế, Lâm Đồng, Yên Bái, Kon Tum, Hà Giang, Thái Nguyên, Bình Thuận, Đồng Tháp, Bến tre, Ninh Thuận, Bắc Cạn.
Với hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong nước và các nước trong tuyến EWEC, hội chợ được tổ chức thành các khu vực như: Khu triển lãm các nước EWEC, tổ chức Quốc tế và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên; Khu trưng bày các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, vùng Đông Nam bộ và các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh; Khu triển lãm sản phẩm dịch vụ du lịch, ngân hàng…; Khu triển lãm sản phẩm làng nghề, hàng trang trí nội thất, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ...; Khu trưng bày và bán sản phẩm của các loại giống cây trồng; Khu ẩm thực. Cũng trong khuôn khổ chương trình, hội chợ còn có các hoạt động giao thương dành cho các doanh nghiệp trên tuyến EWEC, giữa tỉnh An Giang và Đà Nẵng, doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng và Đà Nẵng.

- Đà Nẵng xúc tiến đầu tư tại Yokohama, Nhật Bản
Ngày 6/8/2013, trong chuyến công tác tại Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại hải ngoại Nhật Bản - Trung tâm thông tin thương mại Yokohama (JETRO), Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật (VERI), Hiệp hội hỗ trợ DN Yokohama (IDEC), Đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với thành phố Yokohama, tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng” với sự tham dự của 180 DN Nhật Bản.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết, chủ trương của Đà Nẵng là tập trung phát triển các ngành công nghiệp chất lượng cao, nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Thành phố đã hoàn thành Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng hiện đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích 341ha và tổng vốn đầu tư 278 triệu USD, mong muốn khi hoàn thành Khu công nghệ thông tin tập trung sẽ thu hút các nhà khoa học, kỹ sư và các chuyên gia về công nghệ thông tin và công nghệ cao ở nước ngoài tới làm việc.
Phó Thị trưởng TP Yokohama, ngài Suzuki Nobuya cho rằng, hội thảo này là kết quả của sự hợp tác theo tinh thần Bản ghi nhớ giữa hai thành phố ký ngày 9/4 vừa qua, và nhấn mạnh: “Tôi hy vọng các DN Yokohama cũng như DN Nhật Bản sẽ có được các thông tin mới nhất về Đà Nẵng thông qua hội thảo này và góp sức triển khai hoạt động của DN mình tại nước ngoài. Thời gian tới, thành phố Yokohama sẽ thúc đẩy liên kết mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa với chính quyền và DN Đà Nẵng trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là các vấn đề cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, đóng góp sức mình vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng”.
Cùng ngày, Đoàn lãnh đạo và DN Đà Nẵng làm việc với Công ty Mansei Recycle Systems, cùng trao đổi về các dự án  xử lý - tái chế chất thải, bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng; đề nghị DN Nhật Bản nghiên cứu khả năng hợp tác với Đà Nẵng về các dự án cải thiện môi trường.

- Liên hoan nghệ thuật 4 nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam
Từ 12-18/8/2013, tại Quảng Trị, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức Liên hoan nghệ thuật Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam.
Tham dự liên hoan có gần 1.000 diễn viên đến từ 17 đoàn nghệ thuật, trong đó, có 3 đoàn nghệ thuật quốc tế: Vương quốc Campuchia, CHDCND Lào, Liên bang Myanma và 14 đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc trong nước. Chương trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia. Liên hoan nghệ thuật Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam xuất phát từ Liên hoan đường 9 xanh được tổ chức thường kỳ tại Quảng Trị để tri ân những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị. Liên hoan là dịp để nghệ sĩ các nước giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật, thắt chặt tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị của cộng đồng khối ASEAN trong lĩnh vực văn hóa.

3. Tin về hoạt động địa phương:

- Lãnh đạo Bộ Ngoại giao làm việc tại tỉnh Quảng Ninh
Ngày 29/8/2013 tại Thành phố Hạ Long, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn dẫn đầu đã tiến hành buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Tiếp làm việc với Đoàn về phía tỉnh Quảng Ninh có đ/c Phạm Minh Chính, UVTW, Bí thư Tỉnh ủy, đ/c Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh, đ/c Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Đặc biệt, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc( ), tỉnh Quảng Ninh đã chủ động hội nhập, phát huy lợi thế trong các hoạt động kinh tế đối ngoại. Lãnh đạo các địa phương biên giới Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu cũng đã nêu các kiến nghị liên quan đến việc triển khai xây dựng Khu kinh tế hợp tác song phương, cầu Bắc Luân II, cầu Hoành Mô - Đồng Trung, hệ thống kè biên giới…
Đ/c Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính cho rằng, quan hệ giữa tỉnh và các địa phương giáp biên giới nước bạn tiếp tục phát triển tốt trong thời gian qua. Các chuyến thăm qua lại góp phần nâng cao sự tin cậy hợp tác; công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và các vấn đề phát sinh trên biên giới được phối hợp xử lý tốt, cơ bản theo đúng các nội dung đã thoả thuận... Để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác phát triển, tỉnh đang nỗ lực thúc đẩy các dự án quy hoạch kinh tế - xã hội, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng; đề nghị Bộ Ngoại giao quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy trong các hoạt động đối ngoại nhà nước trong thời gian tới..
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã giới thiệu những nét cơ bản trong tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước "là tài sản quý mà hai bên cần phải gìn giữ”, nhất là giữ ổn định, hoà bình và không để xảy ra xung đột trên Biển Đông, trên cơ sở đó thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đồng chí Thứ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực hoạt động đối ngoại và kết quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với các địa phương Trung Quốc trong thời gian qua, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh về các vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại biên giới, xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn...

4. Bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho địa phương

- Hội nghị báo cáo viên theo vùng về hội nhập quốc tế và vai trò của địa phương tại Bến Tre
Ngày 08/8/2013, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Hội nghị báo cáo viên theo vùng với chủ đề “Hội nhập quốc tế vì phát triển bền vững, vai trò của địa phương” tại Bến Tre. Tham gia hội nghị gồm có đại biểu, lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo tóm tắt một số đặc điểm nổi bật của tình hình thế giới và khu vực trong thời gian 10 năm qua, đặc biệt là xu hướng kinh tế dịch chuyển từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, tức là từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, và tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Về công tác đối ngoại, Thứ trưởng nhận định, những thành quả vượt bậc về việc xây dựng mối quan hệ đối tác đa phương, có vai trò của các địa phương trong những thành công chung của công tác của Đảng và Nhà nước. Đối với phương hướng công tác đối ngoại trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, khoa học đến an ninh quốc phòng. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, phải được tăng cường về chiều sâu, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà ta đã tham gia,…
Tiếp đó, các báo cáo viên đã trình bày các chuyên đề: Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới và một số vấn đề đặt ra đối với địa phương; Kinh tế thế giới, một số mô hình tăng trưởng và nền kinh tế xanh, Công ước Ngoại giao kinh tế; Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và một số vấn đề đặt ra đối với địa phương, doanh nghiệp.

- Lớp bồi dưỡng kiến thức đối ngoại tại Vĩnh Phúc và Thanh Hóa
+ Ngày 12/8/2013, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức đối ngoại dành cho các cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được các báo cáo viên Bộ Ngoại giao giới thiều về tình hình thế giới và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, và những kiến thức cơ bản về công tác lễ tân đối ngoại.
+ Từ 15-16/8/2013, gần 250 cán bộ, công chức, doanh nghiệp của tỉnh, thành phố Thanh Hoá đã tham gia Lớp cập nhật kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng đối ngoại do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức. Trong thời gian 2 ngày, các học viên đã được giới thiệu các chuyên đề: Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; hội nhập kinh tế quốc tế và một số vấn đề đặt ra đối với địa phương – doanh nghiệp; công tác ngoại giao kinh tế; hợp tác quốc tế cấp địa phương; các nghiệp vụ công tác lãnh sự, lễ tân đối ngoại.

5. Các tin khác

- Thông tin về việc nhập cảnh vào Đức bằng thị thực Schengen
Thời gian gần đây, tại sân bay Frankfurt có một số đoàn công tác hoặc công dân Việt Nam mặc dù đã có thị thực Schengen do phía Đức hoặc do các nước trong khối Schengen cấp nhưng vẫn không được nhập cảnh Đức hoặc quá cảnh để đi nước thứ ba trong khối Schengen.
Tình hình nói trên do một số nguyên nhân sau:
+ Khách nhập cảnh bằng thị thực Schengen do nước thứ ba cấp mà chỉ dự định đến Đức và không chứng minh được là sẽ đi đến nước cấp thị thực (mặc dù có vé máy bay khứ hồi).
+ Thị thực do phía Đức cấp nhưng nhập cảnh không phù hợp với mục đích ghi trong giấy mời. Nếu khách không chứng minh được mục đích nhập cảnh phù hợp với mục đích ghi trong thị thực thì cũng bị từ chối nhập cảnh (khi phỏng vấn tại sân bay trả lời không thống nhất với những thông tin đã được phỏng vấn tại ĐSQ Đức).
Do đó, để đảm bảo cho việc nhập cảnh sân bay Frankfurk được thuận lợi, Cục Lãnh sự xin thông báo:
+ Khách đến sân bay Frankfurt với mục đích nhập cảnh Đức (đã có thị thực Schengen do Đức cấp) cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như: giấy mời, giấy đặt khách sạn, địa chỉ, số điện thoại người mời tại Đức hoặc các nước khác) và chuẩn bị nội dung trả lời phù hợp với mục đích nhập cảnh của mình cũng như phù hợp với các thông tin đã được phỏng vấn tại ĐSQ Đức. (Lưu ý các thành viên trong một gia đình hoặc cùng một đoàn thì phải trả lời thống nhất và nhất quán)
+ Khách đến sân bay Frankfurt với mục đích quá cảnh Đức để đến nước Schengen khác (đã có thị thực Schengen do nước khác cấp) phải chứng minh sẽ xuất cảnh Đức để đến nước cấp thị thực (nên có vé máy bay, tàu hỏa khứ hồi).
+ Do Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao giữa Việt Nam và Đức chưa có hiệu lực nên công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao quá cảnh Frankfurt để đi đến nước Schengen khác được miễn thị thực vẫn phải xin thị thực quá cảnh tại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội trước khi xuất cảnh Việt Nam.

- Những quy định mới của Bun-ga-ri đối với các loại giấy tờ đi lại của nước ngoài.
Dựa trên các quy định sửa đổi của Liên minh châu Âu (EU) về nhập xuất cảnh, có hiệu lực từ ngày 19/07/2013, cơ quan biên phòng Bun-ga-ri sẽ thực hiện theo những quy định mới đối với các loại giấy tờ đi lại của công dân nước ngoài như sau:
+ Giấy tờ này cần được cấp trong vòng 10 năm trở lại đây;
+ Giấy tờ này phải còn giá trị ít nhất 3 tháng sau ngày dự kiến rời khỏi lãnh thổ của Bun-ga-ri.

- Chính sách mới của Ô-xtơ-rây-lia đối với vấn đề người di cư trái phép bằng đường biển đến Ô-xtơ-rây-lia
Ngày 19/7/2013, Chính phủ Ô-xtơ-rây-lia và Papua New Ginea đã ký Thỏa thuận Định cư khu vực nhằm giải quyết số lượng ngày càng gia tăng những người đến Ô-xtơ-rây-lia trái phép bằng đường biển để tìm kiếm cơ hội tị nạn, việc làm và cư trú tại Ô-xtơ-rây-lia, một số nội dung như sau:
Kể từ ngày 19/07/2013, tất cả những người đến Ô-xtơ-rây-lia trái phép bằng đường biển sẽ được đưa sang Papua New Guinea để xét duyệt xem người đó có phải là người tị nạn không, nếu được xác định là người tị nạn thì người đó sẽ được định cư lâu dài tại Papua New Guinea. Những người đến trái phép Ô-xtơ-rây-lia bằng đường biển được xác định không phải người tị nạn sẽ bị trả về nước gốc hoặc quốc gia nơi họ có quyền cư trú, hoặc tiếp tục bị giam giữ tại các trại chuyển tiếp.
Quy định này không chỉ áp dụng cho những trường hợp đến lãnh thổ Ô-xtơ-rây-lia tại các đảo xa bờ ngoài khơi, mà áp dụng cho cả những trường hợp đi tàu/thuyền cập bến đất liền Ô-xtơ-rây-lia.
Thông tin chi tiết của chính sách trên được đăng tải tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ Ô-xtơ-rây-lia: www.australia.gov.au/novisa

- Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền
Ngày 25/7/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền, áp dụng tại các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính (hay cửa khẩu quốc gia hoặc cửa khẩu song phương) trên biên giới đất liền (gọi tắt là cửa khẩu).
Quy chế quy định việc thống nhất quản lý hoạt động của các lực lượng chức năng chuyên ngành tại cửa khẩu; việc quản lý các dịch vụ hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu; việc phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cửa khẩu của nước có chung biên giới; hoạt động của Ban quản lý cửa khẩu. Theo quy chế, Bộ đội biên phòng, Hải quan và các lực lượng chức năng khác tại cửa khẩu thực hiện hoạt động quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên của mình về hoạt động quản lý chuyên ngành. Ban Quản lý cửa khẩu điều hành việc phối hợp thống nhất các hoạt động chuyên ngành của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đảm bảo sự đồng bộ, có trật tự, có nề nếp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2013.

- Chính sách, pháp luật về nhà ở, đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam
Ngày 12/8/2013, Bộ Xây dựng ra văn bản số 1674/BXD-QLN về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở, đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, để  tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất cho cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
1. Về thủ tục công chứng, chứng thực các giao dịch về nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam
Khi thực hiện các giao dịch thì không yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú và chứng minh thư nhân dân mà chỉ cần có hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ chiếu nước ngoài kèm theo Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận gốc Việt Nam và các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo đúng quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP;
2. Về xác định điều kiện cư trú để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam
Khi làm thủ tục không bắt buộcngười Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đáp ứng điều kiện cư trú thực tế tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mà chỉ cần có các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên (được hiểu là 90 ngày) là đủ điều kiện được mua và sở hữu nhà ở theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
3. Về khu vực người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 66 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (không phân biệt trong dự án phát triển nhà ở hay tại các khu dân cư hiện hữu); được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại khu vực được phép chia lô bán nền để tự xây dựng nhà ở. Vì vậy, đề nghị các địa phương hướng dẫn người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện quyền sở hữu nhà ở và việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer