Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bản tin số 45


BỘ NGOẠI GIAO
CỤC NGOẠI VỤ 
                                                                                             Ngày 28  tháng 02  năm 2014


                                                      BẢN TIN NGOẠI VỤ SỐ 45

1. Hoạt động chính trị, đối ngoại

- Đàm phán Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ
Trong 2 ngày 19 - 20/02/2014 tại Hà Nội đã diễn ra đàm phán vòng V cấp chuyên viên Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng V Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Tại đàm phán, hai bên khẳng định thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước về việc vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tổ chuyên gia kỹ thuật về khảo sát chung hai Bên tiến hành trao đổi về một số nội dung cụ thể phục vụ hai mục tiêu phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này.
Tại đàm phán vòng V Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, hai bên đã trao đổi và thống nhất kế hoạch triển khai cụ thể hai Thỏa thuận hợp tác liên quan đến dự án “Hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc” và dự án “Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Hô-lô-xen khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”. Đồng thời, tiếp tục trao đổi dự thảo Thỏa thuận “Hợp tác tìm cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc” để có thể sớm ký kết và triển khai trong năm 2014.
Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong không khí hữu nghị, thẳng thắn và xây dựng. Hai bên nhất trí tiến hành đàm phán vòng VI cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào nửa cuối năm 2014 và vòng VI về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển vào tháng 5 năm 2014 tại Trung Quốc.

- Lãnh đạo thành phố Cần Thơ tiếp Đại sứ Nhật Bản
Ngày 19/02/2014, đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã tiếp và làm việc với Ngài Hiroshi Fukada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hùng Dũng đã giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, vị thế và cơ hội đầu tư tại TP Cần Thơ…; mong muốn Ngài Đại sứ Hiroshi Fukada giúp đỡ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào TP Cần Thơ; đề nghị giới thiệu một tỉnh, thành phố của Nhật Bản kết nghĩa với TP Cần Thơ nhằm tăng cường các mối quan hệ, thắt chặt hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam, trong đó có TP Cần Thơ.
Đại sứ Hiroshi Fukada cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang có dự án hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ. Khi dự án hợp tác này được triển khai sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào TP Cần Thơ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh. Đề nghị thành phố quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hình ảnh để thu hút du khách Nhật Bản đến tham quan, giao lưu văn hóa.
Cùng ngày, Đại sứ Hiroshi Fukada đã đến tham quan Trường Đại học Cần Thơ, tìm hiểu một số lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy mà thời gian qua Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho Trường.

- Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp Tham tán Văn hoá và hợp tác - Đại sứ quán Pháp
Ngày 19/02/2014, đồng chí Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã tiếp và làm việc với bà Eva Nguyễn Bình, tham tán Văn hoá và hợp tác - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, đồng chí Ngô Hòa đã cám ơn sự quan tâm đặc biệt của Đại sứ quán Pháp đối với tỉnh Thừa Thiên Huế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt với vai trò đối tác chính đã hỗ trợ tỉnh tổ chức thành công các kỳ Festival Huế trong hơn 10 năm qua. Festival Huế 2014 năm nay cũng đánh đấu 115 năm tồn tại chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền; 120 năm hình thành cơ sở y tế đầu tiên nay là bệnh viện Trung ương Huế, một dấu ấn của Pháp tại Huế. Phó Chủ tịch Ngô Hòa mong rằng, bà Eva Nguyễn Bình với cương vị của mình sẽ quan tâm, có những hoạt động cụ thể giúp Thừa Thiên Huế nhiều chương trình hợp tác và dự án trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế…, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
Bà Eva Nguyễn Bình cho biết đây là lần đầu tiên đến Huế và bà mong muốn sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ và sự hợp tác tốt đẹp với tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong chuyến thăm này, bà Eva Nguyễn Bình cũng có các buổi làm việc với Giám đốc Viện Pháp tại Huế, một số ngành hữu quan của tỉnh trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật; gặp mặt giáo viên, sinh viên một số trường Đại học, với thầy cô giáo dạy tiếng Pháp tại trường chuyên Quốc học Huế và trường THCS Nguyễn Tri Phương.

- Lãnh đạo Đà Nẵng tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam
Ngày 20/02/2014, đồng chí Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đã tiếp ông David Devine, Đại sứ Canada tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, đồng chí Văn Hữu Chiến cho biết, Đà Nẵng rất quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các chương trình đầu tư( ), hợp tác, hỗ trợ về giáo dục với Canada. Đồng chí Chủ tịch đề nghị Chính phủ Canada và Đại sứ quán xem xét tài trợ các dự án của thành phố liên quan đến lĩnh vực hạ tầng và môi trường như: xây dựng cảng biển, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp, hệ thống thoát nước, bảo tồn thiên nhiên từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và theo cơ chế hợp tác công tư; tạo điều kiện thường xuyên cung cấp thông tin về nhu cầu nhập khẩu, tiêu chuẩn đối với hàng hóa khi vào thị trường Canada và giới thiệu các cơ hội giao thương như tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ đối tác.. tại Canada hoặc Việt Nam.
Đại sứ David Devine cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Đà Nẵng và ông rất ấn tượng về sự phát triển của thành phố. Ông cũng khẳng định sẽ làm cầu nối để phát triển hơn nữa các chương trình hỗ trợ giáo dục, đào tạo giữa Đà Nẵng và Canada; tăng cường hợp tác công tư (PPP) giữa các doanh nghiệp trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ y tế, công nghệ cao, du lịch, đầu tư, thương mại, nông nghiệp và thiết lập mối quan hệ hợp tác với các địa phương của Canada.

- Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp Đoàn Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam 
Ngày 24/02/2014, Đoàn Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam do ông Prapansak Bhatayanond, Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn cùng 45 doanh nghiệp của Thái Lan đã sang tìm hiểu môi trường, hợp tác đầu tư tại Hà Tĩnh.
Trong buổi làm việc với đoàn, đồng chí Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã thông tin về tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách thu hút đầu tư của Hà Tĩnh, đặc biệt là các khu kinh tế, các dự án trọng điểm đang xây dựng và các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Hà Tĩnh; bày tỏ mong muốn ông Prapansak Bhatayanond giúp đỡ và là cầu nối để các doanh nghiệp Thái Lan đến tìm hiểu, hợp tác, đầu tư vào Hà Tĩnh.
Ông Prapansak Bhatayanond hứa sẽ truyền đạt lại thông tin về những thế mạnh, tiềm năng của Hà Tĩnh đến các doanh nghiệp khác của Thái Lan để kêu gọi nhiều doanh nghiệp Thái Lan sang thăm và tìm hiểu đầu tư vào Hà Tĩnh.

- Đoàn Thủ hiến vùng Bắc Úc thăm làm việc Việt Nam
+ Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngày 25/02/2014, đồng chí Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã tiếp ông Adam Graham Giles, Thủ hiến Vùng Bắc Úc, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Vùng lãnh thổ Bắc Úc đến thăm. Đồng chí Hồ Văn Niên cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu và Chính quyền Bắc Úc đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và phát triển kinh tế từ tháng 9/2007, nhưng các quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư thời gian qua còn ít ỏi, trao đổi thương mại hầu như chưa có; đề nghị hai bên xem xét điều chỉnh một số chi tiết trong Bản ghi nhớ cho phù hợp với điều kiện hiện nay và cần có những hành động cụ thể, chọn lĩnh vực ưu tiên, là thế mạnh để hợp tác, như du lịch, chế biến hải sản, công nghiệp, đào tạo lao động tay nghề cao…
Thủ hiến Adam Graham Giles nhất trí với về việc hai bên cần điều chỉnh Bản ghi nhớ năm 2007 để hợp tác cùng phát triển trong tương lai, đồng thời cho rằng hai địa phương có nhiều điểm tương đồng để phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, giáo dục, nông nghiệp. Nhân dịp này, đoàn đại biểu Vùng lãnh thổ Bắc Úc đã đi thăm cảng Cái Mép, Trường Cao đẳng nghề Hồng Lam, cụm công nghiệp khí tháp áp Long Hương và TP. Vũng Tàu.
+ Tại Hải Phòng: Trong buổi tiếp Ngài Adam Giles và đoàn ngày 27/02/2014, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đã giới thiệu một số nét chính về thành phố Cảng với nhiều tiềm năng, lợi thế; nhấn mạnh Hải Phòng rất sẵn sàng hợp tác với vùng lãnh thổ Bắc Úc trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Ngài Thủ hiến vùng Bắc Úc cho biết, vùng lãnh thổ Bắc Úc có diện tích rộng lớn 130.000km2, dân số chỉ 200.000 người; đang tích cực phát triển hạ tầng, giao thông đường bộ, hải cảng; là vùng đất có lượng nước mưa lớn, nguồn nước ngầm phong phú, có thế mạnh về khai thác khoáng sản, trồng trọt, chăn nuôi gia súc. Hy vọng hai bên sẽ có quan hệ hợp tác tốt trong tương lai với lĩnh vực thương mại, giáo dục đào tạo…
Cùng ngày, đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, và ngài Adam Giles đã ký Biên bản ghi nhớ giữa UBND thành phố Hải Phòng và chính quyền vùng lãnh thổ Bắc Úc với bảy nội dung lớn, như cùng nhau thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nền tảng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, phù hợp với chính sách và pháp luật của hai nước; khuyến khích trao đổi các phái đoàn chính quyền và doanh nghiệp hai bên; tham gia vào các hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại quan trọng của nhau.

2. Hợp tác kinh tế, văn hóa

- Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh  tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản
Ngày 18/02/2014, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đã tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do ông Yoshinori Yasumi, Chủ tịch Tập đoàn Unika (Nhật Bản) đến trao đổi về dự định đầu tư vào Khu kỹ nghệ Việt - Nhật (Vie-Pan Techno Park) tại huyện Nhà Bè, TPHCM.
Đánh giá cao năng lực của các doanh nghiệp Nhật trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có diện tích tới 3.000 hecta nên tiềm năng hợp tác cho các doanh nghiệp còn rất lớn. Chỉ sau hơn 4 tháng cấp giấy phép đầu tư tại Khu kỹ nghệ Việt - Nhật đã có 25 doanh nghiệp Nhật tham gia giai đoạn 1 trên diện tích 15 hecta; mong muốn các doanh nghiệp Nhật tiếp tục đồng hành cùng Thành phố đầu tư thành công dự án này.
Ông Yoshinori Yasumi bày tỏ cám ơn chính quyền TPHCM đã thường xuyên quan tâm, ủng hộ cho doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh triển khai tiến độ dự án, đồng thời cho biết sau hoàn thành dự án giai đoạn 1 sẽ đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2, nâng tổng diện tích đầu tư tại Khu kỹ nghệ Việt - Nhật lên 100 héc ta; mong muốn chính quyền Thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện dự án.

- Lãnh đạo Thành phố Hà Nội gặp gỡ Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam
Ngày 20/02/2014 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã gặp gỡ và làm việc với  Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham). Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cảm ơn, đánh giá cao sự hợp tác, đồng hành và chung sức của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu đã quan tâm, đầu tư vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo cho biết ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế gây ra những khó khăn chung. Việc phục hồi nhất sản xuất kinh doanh đặc biệt là khu vực công nghiệp và thị trường xuất khẩu đang là một thách thức lớn đối với Thủ đô. Thêm vào đó là nguồn lực đầu tư cho hạ tầng hết sức khan hiếm, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong khi đó, Hà Nội vẫn đang trong quá trình cùng cả nước tái cơ cấu tiềm lực kinh tế theo hướng bền vững cả về chiều rộng và chiều sâu; đồng nghĩa với việc nâng cao năng xuất lao động thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải cách hành chính và chất lượng nguồn nhân lực…
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tập trung đầu tư nguồn lực tài chính và đặc biệt phát triển thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn và hướng tới phục hồi nền kinh tế. Để làm được điều này, đòi hỏi phải đổi mới công nghệ, đa dạng các sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn cần huy động nguồn vốn về đầu tư hạ tầng bởi đây là khâu đột phá, không chỉ phục vụ cho đời sống mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, thành phố chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng giao thông… Thành phố đang rà soát lại cơ chế thu hút đầu tư và cơ chế quản lý sau đầu tư nhằm cung cấp thông tin, điều chỉnh quản lý theo hướng một cửa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI… Thành phố mong muốn Eurocham sẽ chia sẻ những khó khăn khi đầu tư vào thị trường Hà Nội, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư Châu Âu tiếp tục đầu tư hơn nữa vào Việt Nam cũng như Hà Nội.

- Đoàn doanh nghiệp TP. Nagoya, Nhật Bản, đến tìm hiểu đầu tư tại Đà Nẵng
Ngày 18/02/2014, Đoàn doanh nghiệp thành phố Nagoya (Nhật Bản) do ông Shigeki Maruyama làm Trưởng đoàn đã thăm làm việc tại Đà Nẵng và có buổi gặp gỡ với đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Thay mặt Đoàn, ông Shigeki Maruyama cho biết, Đoàn mong muốn được tìm hiểu và có cơ hội hợp tác thương mại với thành phố Đà Nẵng, hy vọng trong tương lai có thể mở đường bay trực tiếp Nagoya - Đà Nẵng để tạo thuận tiện cho quá trình đầu tư hợp tác.
 Đồng chí Phùng Tấn Viết nhấn mạnh, Đà Nẵng có đầy đủ các yếu tố để đáp ứng yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi đầu tư…; mong Đoàn tìm hiểu kỹ về cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và kêu gọi thêm các doanh nghiệp khác đến với Đà Nẵng; khẳng định tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thuận lợi vào Đà Nẵng. Về việc mở đường bay trực tiếp Nagoya - Đà Nẵng, thành phố sẽ hỗ trợ tích cực về mặt thủ tục pháp lý, những nội dung cụ thể để các doanh nghiệp Nhật làm việc trực tiếp với các đơn vị du lịch, lữ hành Đà Nẵng đưa ra hướng phát triển.

- Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tiếp Đoàn công tác Công ty CP Công nghệ và Đầu tư Việt Nga và Công ty Rosnhepchegat (LB Nga)
Ngày 19/02/2014, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã tiếp Đoàn công tác Công ty CP Công nghệ và Đầu tư Việt Nga và Công ty Rosnhepchegat (LB Nga) tới tìm hiểu và khảo sát đầu tư tại tỉnh. 
 Tại buổi tiếp, Công ty VRG và Công ty Rosnhepchegat (LB Nga) cho biết muốn đầu tư dự án Nhà máy sản xuất xăng dầu từ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, dự kiến đặt tại TP Cẩm Phả. Đây là dự án có quy mô và tổng vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất hiện đại nhất thế giới, sử dụng nguyên liệu là than, mang lại lợi nhuận cao gấp và thân thiện với môi trường. Cùng với dự án sẽ có nhiều nhà máy chế tác sản phẩm hóa học khác phục vụ cho nhu cầu và tạo việc làm cho người dân tại địa phương. Nếu được triển khai, dự án sẽ góp phần thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Phía Công ty Rosnhepchegat quyết tâm và sẵn sàng triển khai dự án, đồng thời mong muốn tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành cho biết, trong định hướng phát triển, Quảng Ninh (tỉnh có trữ lượng than lớn nhất cả nước) sẽ giảm dần lượng than xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng từ than. Vì vậy, dự án sản xuất xăng dầu từ than với công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường là phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh. Cam kết Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư khảo sát địa điểm, trong đó TP Cẩm Phả là sự lựa chọn tốt nhất, đồng chí Phó Chủ tịch giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh là đầu mối giúp công ty hoàn chỉnh mọi thủ tục sớm nhất để trong quý II năm 2014 triển khai dự án.

3. Biên giới - lãnh thổ

- Hội nghị giữa Việt Nam và Lào về thúc đẩy triển khai mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”
Ngày 15/02/2014, tại Quảng Trị đã diễn ra Hội nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào về thúc đẩy triển khai mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”( ) tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) – Đen-sa-vẳn (tỉnh Sa-van-na-khét). Đồng chí Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và đồng chí Bun-kợt Sẳng-sổm-sắc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào đồng chủ trì Hội nghị.
Sau 2 ngày họp và khảo sát thực tế, Hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị triển khai mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tiến triển còn chậm, chưa đáp ứng mong muốn của hai nước, đồng thời khẳng định quyết tâm của hai bên tăng cường hợp tác, phối hợp để đẩy nhanh triển khai mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”; nhấn mạnh việc áp dụng mô hình sẽ góp phần quan trọng phát triển Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), tạo cơ hội nhân rộng mô hình kiểm tra này ra các cửa khẩu quốc tế khác giữa Việt Nam và Lào nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Hội nghị đã đề ra nhiều biện pháp với lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó kiến nghị Chính phủ mỗi nước chỉ đạo các Bộ, ngành và cơ quan chức năng hoàn thiện khung pháp lý, trao đổi và hoàn tất ký các thoả thuận giữa hai nước phục vụ cho việc kiểm tra “một cửa, một lần dừng” trong năm 2014 để chính thức triển khai đầy đủ từ ngày 01/01/2015. Hội nghị cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị và Sa-van-na-khét tổng hợp nhu cầu trước mắt về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cho vận hành kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại Lao Bảo – Đen-sa-vẳn báo cáo Chính phủ mỗi nước.

4. Tin khác

- Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại thực hành
Từ 17 - 28/02/2014, Cục Ngoại vụ và Học viện Ngoại giao đã phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ đối ngoại thực hành cho hơn 60 cán bộ, công chức công tác tại các Sở, Phòng Ngoại vụ thuộc 24 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Đặng Minh Khôi, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh, công tác ngoại vụ đang ngày càng trở nên quan trọng, có vai trò lớn đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Lớp bồi dưỡng được Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm hỗ trợ công tác ngoại vụ của các tỉnh, thành thành phố. Qua đó, làm tốt hơn công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở địa phương”.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại lần này kết hợp trao đổi lý thuyết cơ bản với các hoạt động kiến tập, thực hành nhiều nội dung về lễ tân ngoại giao, thông tin báo chí đối ngoại, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân… Ban Tổ chức đã thu xếp cho các học viên tham quan Phủ Chủ tịch, thăm trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, thăm các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Ngoại giao như Báo Thế giới & Việt Nam, Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài…

- Liên quan đến tình hình tại Ucraina
Trước tình hình diễn biến phức tạp tại Ucraina, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina hướng dẫn hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam có các biện pháp tự bảo vệ trong thời gian này.
Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina, tình hình các tỉnh miền đông và nam Ucraina đang diễn biến phức tạp, khó lường, một số nơi đã xảy ra xung đột. Đại sứ quán đã tăng cường phổ biến thông tin đến cộng đồng người Việt ở các thành phố thuộc những khu vực trên như Kharkov, Odessa và khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp an ninh. Nhìn chung, cộng đồng người Việt ở miền đông nói riêng và Ucraina vẫn an toàn. Trong trường hợp khẩn cấp, bà con có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina theo số điện thoại (trực 24/24): +380 503320535/+380 503359097; hoặc người thân tại Việt Nam có thể liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số điện thoại 0918 370 497 để được trợ giúp kịp thời.

- Hồ sơ xin cấp thị thực Schengen tại Đại sứ quán Đức
Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội có công hàm số 61/2014 thông báo một số vấn đề liên quan đến việc xin cấp thị thực Schengen tại Đại sứ quán như sau:
1. Hồ sơ xin cấp thị thực của người mang hộ chiếu công vụ cần có những giấy tờ sau:
 - Hộ chiếu công vụ của người xin cấp thị thực có chữ ký của người mang hộ chiếu.
 - Tờ khai xin cấp thị thực được kê khai đầy đủ và có chữ ký của người xin cấp thị thực.
 - Công hàm của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, trong đó nêu họ tên của những người đi công tác, thông tin về lịch trình và mục đích chuyến đi.
2. Việc nộp hồ sơ xin cấp thị thực phải thực hiện theo hẹn đăng ký trước qua trang chủ của Đại sứ quán Đức. Việc đăng ký thời gian hẹn nộp hồ sơ nên thực hiện sớm ngay cả khi chưa có đầy đủ các giấy tờ cần thiết vào thời điểm thực hiện đăng ký. Trường hợp lên đường gấp nhưng chưa đăng ký được lịch hẹn kịp thời do hệ thống không còn chỗ trống, có thể liên hệ với Đại sứ quán để đặt lịch hẹn qua địa chỉ email: rk-sl@hano.auswaertiges-amt.de.
Việc xem xét cấp thị thực Schengen cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng Đức và Châu Âu khác nên có thể kéo dài tới 10 ngày. Do đó, hồ sơ xin cấp thị thực cần được nộp ít nhất 14 ngày trước thời điểm thực hiện chuyến đi để đảm bảo lịch trình./.

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer