Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 9 năm 2021


I. THÔNG BÁO

+ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu P4G theo hình thức trực tuyến (31/05/2021)

Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In (Moon Jea In), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) do Hàn Quốc làm Chủ tịch được tổ chức vào ngày 31/5/2021 theo hình thức trực tuyến.

Với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon”, Hội nghị năm nay sẽ tập trung thảo luận các nội dung hợp tác quốc tế vì mục tiêu phục hồi xanh sau khủng hoảng Covid-19.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. CNA (Đài Loan): Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam gần đây đã gửi công văn cho cơ quan chức năng Việt Nam trình bày việc các doanh nhân Đài Loan mong muốn sau khi dịch bệnh được kiểm soát được giảm thời gian cách ly tập trung sau nhập cảnh xuống trở lại còn 14 ngày và áp dụng số ngày phù hợp đối với thời gian theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú; đồng thời trong điều kiện làm tốt công tác an toàn phòng dịch, cho phép họ đi làm trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú. Xin hỏi phía Việt Nam có đang nghiên cứu biện pháp nào liên quan vấn đề này không?

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam, các chính sách, các biện pháp theo dõi, cách ly y tế cho người nhập cảnh Việt Nam luôn được Chính phủ Việt Nam điều chỉnh một cách linh hoạt để đảm bảo ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời phục vụ cho mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid 19, các cơ quan liên quan đang phối hợp với Bộ Y tế để nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn về cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, trong đó cân nhắc các yếu tố như tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích nhập cảnh, diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế để có thể áp dụng biện pháp cách ly phù hợp nhất.

2. CNA (Đài Loan): Nhiều người Đài Loan ở Việt Nam cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam đưa họ vào diện được tiêm vaccine? Vậy phía Việt Nam có sắp xếp cho người nước ngoài ở Việt Nam được tiêm hay không và đối tượng ưu tiên như thế nào?

Như các bạn đã biết, Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng chống Covid-19 đã xác định 9 nhóm đối tượng được ưu tiên để được tiêm, trong đó chú trọng ưu tiên đến những đối tượng trong tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh và một số đối tượng khác như người cao tuổi,...

Chúng tôi cũng rất quan tâm đến cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam cũng đã đàm phán thành công với một số đối tác như AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, COVAX Facility để cung cấp vaccine cho Việt Nam. Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực trao đổi với các quốc gia và các đối tác khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp vaccine có thể sớm mở rộng tiến tới bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vaccine.

3. VnExpress: Giới chức Philippines thông báo đang chuẩn bị tiến hành dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng và cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vậy xin Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin này?

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền cũng như các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.

Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình; có đóng góp thiết thực, tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

4. Sputnik: Hải quân Trung Quốc hôm 24/5 thông báo gần đây họ đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, trong đó các máy bay chiến đấu dội hàng nghìn đạn dược vào các mục tiêu trên biển, xin Người Phát ngôn bình luận về việc này?

Duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong rằng các bên sẽ nỗ lực đóng góp một cách có trách nhiệm vào vấn đề này.

5. Sputnik: Hiện nay, các phóng viên Việt Nam đã bắt đầu được tiêm vaccine Covid-19. Xin Người Phát ngôn cho biết, nhân viên là công dân Việt Nam tại các văn phòng báo chí thường trú nước ngoài tại Việt Nam sẽ được tiêm vaccine COVID-19 theo diện ưu tiên hay không?

Như tôi đã nói ở phần trước, theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, hiện nay Việt Nam mới chỉ ưu tiên tiêm những trường hợp ở tuyến đầu. Việt Nam đang rất nỗ lực và tích cực trao đổi với các quốc gia để đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin trong thời gian tới nhằm bổ sung các đối tượng được tiêm khác.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao cũng đang trao đổi với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để triển khai trong thời gian sớm nhất việc tiêm chủng cho Đoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế và phóng viên báo chí nước ngoài thường trú tại Hà Nội.

6. Báo Lao Động: Xin Người Phát ngôn cho biết thông tin về việc Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết Bản ghi nhớ mới, trong đó có việc gia nhập thêm các công ước của ILO?

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng luôn nỗ lực để đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tham gia và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác quốc tế về lao động và nguồn nhân lực. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm bảy trong tổng số tám công ước cơ bản, trong đó có liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó bao gồm việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019.

Nhằm thúc đẩy việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy việc nghiên cứu gia nhập thêm 15 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có công ước cơ bản còn lại về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức như theo cam kết, và áp dụng phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, ngày 20/5/2021, Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm tới.

7. Báo Thế giới và Việt Nam: Vừa qua Tổng thống Joe Biden ký đạo luật cấm kỳ thị người Mỹ gốc Á, xin Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam về việc này?

Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng việc bảo đảm đời sống ổn định, an ninh, an toàn, và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành Đạo luật về các tội ác thù hận Covid-19 để ngăn chặn các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Việt Nam mong muốn cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng người gốc Á và kiều dân các nước tại Hoa Kỳ, được bảo đảm an toàn, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm để tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

8. AFP: Đề nghị Người Phát ngôn cho biết Việt Nam đã thực hiện việc sử dụng hộ chiếu vaccine cho khách nhập cảnh vào Việt nam hay chưa? Chính phủ Việt Nam đã bàn bạc đến việc cho phép mở các đường bay quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn trong bối cảnh có một số nước ở khu vực đã đạt đến mức miễn dịch cộng đồng?

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với người đã được tiêm phòng Covid-19.

Trong bối cảnh “hộ chiếu vaccine” đã bắt đầu được một số nước trên thế giới áp dụng, thì vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này.

Bộ Ngoại giao đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh cũng như mở cửa phù hợp, hướng tới việc thực hiện mục tiêu kép đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân, chống dịch một cách hiệu quả, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

9. Zing: Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) kêu gọi Việt Nam giảm thời gian cách ly với người nhập cảnh đã tiêm vaccine Covid-19. Xin Người Phát ngôn bình luận về lời kêu gọi này.

Như tôi đã phát biểu từ đầu buổi họp báo hôm nay, những chính sách và biện pháp cách ly đối với người nhập cảnh Việt Nam luôn được điều chỉnh một cách linh hoạt phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và đảm bảo mục tiêu cao nhất là ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh ở trong nước. Đồng thời, chúng tôi cũng rất quan tâm và nỗ lực để thúc đẩy mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Hiện nay, các cơ quan liên quan của Việt Nam cũng đang xây dựng Hướng dẫn về cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19, trong đó có tính đến các yếu tố như đã tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích nhập cảnh và căn cứ vào diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế để áp dụng biện pháp, chính sách cách ly hiệu quả và phù hợp nhất.

10. Zing: Cuộc họp Ngoại trưởng Hoa Kỳ - ASEAN hôm 25/5 bị dừng sau 15 phút vì trục trặc kỹ thuật. Xin Người Phát ngôn cho biết đã có lịch trình sắp xếp lại cuộc họp này hay chưa?

Hiện nay, Lào - nước điều phối quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ, đang tích cực trao đổi với Hoa Kỳ để thu xếp tổ chức lại Hội nghị này. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Lào và các nước ASEAN khác về vấn đề này.

11. Zing: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao “chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm nguồn vaccine Covid”. Xin Bộ cập nhật thêm về công tác này? Đã có thêm các nguồn vaccine nào chúng ta tiếp cận được?

Như tôi đã phát biểu, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán, tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang tích cực, nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty cung cấp và các nhà sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận thêm các nguồn vaccine, nhằm tăng độ bảo phủ tiêm chủng vaccine cho người dân Việt Nam, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

12. Phoenix TV: Được biết phía Trung Quốc đang tiến hành trao đổi với Việt Nam về kế hoạch tiêm vaccine Trung Quốc sản xuất cho công dân Trung Quốc tại Việt Nam. Xin hỏi người phát ngôn, quan điểm của Việt Nam như thế nào? Hai bên đã đàm phán đến đâu?

Tôi chưa có thông tin như phóng viên nêu.

Như tôi đã phát biểu, Việt Nam đang rất nỗ lực để tìm kiếm, đa dạng, bổ sung thêm các nguồn vaccine để có thể mở rộng các đối tượng được tiêm chủng không chỉ dành cho công dân Việt Nam không thuộc 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine mà còn tính đến cả những đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam.

13. Soha: Ngày 20/5/2021, Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Mỹ đã đi vào lãnh hải nước này ở Biển Đông và đã bị trục xuất. Tuyên bố được đưa ra sau khi tàu của Hoa Kỳ đã đi vào gần quần đảo Hoàng Sa trong ngày 20/5. Xin Người phát ngôn bình luận về việc này?

Một lần nữa tôi xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hoạt động của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần đóng góp tích cực cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự trên Biển Đông; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

14. Soha: theo dự kiến, cuối tháng 05/2021, Hoa Kỳ sẽ trao cho Việt Nam tàu tuần duyên thứ hai trong kế hoạch trao 3 tàu tuần duyên của Hoa Kỳ cho Việt Nam. Vậy xin Người phát ngôn cho biết khi nào tàu tuần duyên thứ ba sẽ được Hoa Kỳ trao cho Việt Nam?

Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh – quốc phòng. Trên cơ sở đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển theo tinh thần của các văn bản hai bên đã ký kết như Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011, Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015 và Kế hoạch hành động về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 2018 – 2020, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế.

15. Reuters: Liệu Việt Nam có nhập vaccine từ Trung Quốc hay không? Xin cho biết các chi tiết về việc Việt Nam đàm phán để nhập khẩu Sputnik V và đàm phán về việc sản xuất Sputnik V tại Việt Nam?

Như tôi đã phát biểu, cho đến nay Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác cung cấp vaccine cho Việt Nam và đã triển khai tiêm vaccine ở Việt Nam ví dụ như AstraZeneca; đàm phán với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility để cung cấp vaccine cho Việt Nam.

Như các bạn đã biết, số lượng vaccine mà Việt Nam đã nhập khẩu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước hiện nay. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế nỗ lực, tìm kiếm và đàm phán với các công ty và các đối tác, các nhà sản xuất/cung cấp vaccine trên thế giới để đa dạng hóa, tăng số lượng nhập khẩu vaccine ở Việt Nam.

Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Quỹ vaccine Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, các nguồn đóng góp, nguồn vốn để có thể mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine Covid-19 ở Việt Nam.

16. Tiền phong: Tổ chức Y tế thế giới đang chuẩn bị điều tra giai đoạn 2 để làm rõ nguồn gốc đại dịch Covid-19. Một số quốc gia kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19 ở nước này. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam?

Theo tôi được biết, các cơ quan y tế, các nhà khoa học, các chuyên gia y tế trên thế giới vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc và tính chất của virus SARS-COV-2.

Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay với các chủng, biến thể mới, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tập trung nguồn lực nghiên cứu để ngày càng có nhiều vaccine và phác đồ điều trị tốt nhất.

Với tinh thần trách nhiệm, Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng, chống, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

17. VnEconomy: Thời gian gần đây, trên mạng xã hội tại Việt Nam rộ lên nhiều quảng cáo của các công ty du lịch về chương trình trọn gói đi Hoa Kỳ để tiêm vaccine Covid-19. Xin hỏi người phát ngôn bình luận về việc này và đưa ra khuyến cáo nếu có với công dân Việt Nam đang có nhu cầu tiêm vaccine ở nước ngoài.

Tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay, các công dân cần thận trọng, tính toán thật kỹ trước khi tiến hành các chuyến đi ở nước ngoài vì chính sách xuất nhập cảnh xuất nhập cảnh ở nhiều quốc gia hiện nay vẫn đang thắt chặt do tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp.

Nếu có những thông tin, quảng cáo như vậy, công dân cũng cần kiểm tra với các cơ quan chức năng của các nước, có thể thông qua các cơ quan đại diện của các nước ở Việt Nam./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer