Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 4 năm 2022


I. THÔNG BÁO

1. Thủ tướng Malaysia Dato’ Sti Ismail Sabri bin Yaakob thăm chính thức Việt Nam (từ 20-21/3/2022)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob (Đa-tô Sờ-ri Ít-xờ-mai Sa-bờ-ri bin Gia-cốp) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-21/3/2022. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Malaysia.

Dự kiến, trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Malaysia sẽ hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đến chào Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại các cuộc gặp, Lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi phương hướng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Malaysia trong bối cảnh hai nước đanghướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 cũng như trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Ngay trước đó từ ngày 19-20/3, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Dato’ Sri Saifuddin Abdullah (Đa-tô Sờ-ri Sai-phu-đin Áp-đu-la) sẽ thăm làm việc tại Việt Nam và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn.

2. Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 16 – 17/3/2022)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud (Phây-xan bin Pha-han An Xa-út) thăm chính thức Việt Nam vào ngày hôm nay 17/3/2022.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ Trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út sẽ chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn để trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên cáclĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động...  trong thời gian tới cũng như phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương.

3.Tổng thư ký Pháp ngữ thăm Việt Nam (21-26/3/2022)

Theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Pháp ngữ sẽ thăm chính thức Việt Nam và dẫn đầu đoàn xúc tiến kinh tế thương mại Pháp ngữ tới Việt Nam từ ngày 21-26/3/2022. Chuyến thăm nhằm trao đổi về những biện pháp tăng cường quan hệ hơp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp Pháp ngữ đối với các đối tác Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo sẽ tới chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; cùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam – Pháp ngữ, trong đó có Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tham dự phát biểu chỉ đạo; tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ tại Thành phố Hồ Chí Minh; gặp gỡ Lãnh đạo các Bộ, ngành và có một số hoạt động quan trọng khác.

Đây là đoàn nước ngoài có số lượng doanh nghiệp lớn nhất với hơn 70 doanh nghiệp vào Việt Nam sau khi ta chuyển sang thích ứng an toàn với Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Thông tấn xã Việt Nam: Phản ứng trước việc Hoa Kỳ trao giải “Phụ nữ can đảm quốc tế 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang?

Xin khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền của con người trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng cho Phạm Thị Đoan Trang, một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị đưa ra xét xử và đang thi hành án phạt tù là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước.

2. Central News Agency: Đề nghị Bộ Ngoại giao giải thích rõ hơn về Kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế của Việt Nam, bao gồm các quy định về đối tượng nhập cảnh và cách ly kiểm dịch, có phải khách nhập cảnh sẽ được miễn cách ly và cũng không yêu cầu phải tiêm đủ liều vắc xin Covid-19?

Để triển khai chủ trương đón khách quốc tế đến Việt Nam của Chính phủ, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, ngày 15/3/2022, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 1265/BYT-DP về quy định nhập cảnh mới đối với khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo hướng dẫn này của Bộ Y tế, người nhập cảnh vào Việt Nam theo đường hàng không cần có xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh.

Với khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường sắt, đường biển có thể xét nghiệm trước khi xuất cảnh giống như trường hợp nhập cảnh đường hàng không nếu thời gian di chuyển ngắn; trường hợp chuyến đi kéo dài cần phải xét nghiệm COVID-19 tại cửa khẩu khi nhập cảnh. Trong trường hợp này, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, theo dõi sức khỏe và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo đúng quy định.

3. Central News Agency: Theo phản ánh của người dân Đài Loan, mặc dù chính phủ Việt Nam đã mở cửa hoạt động du lịch quốc tế, nhưng Văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc vẫn chưa bắt đầu tiếp nhận hồ sơ Xin cấp visa du lịch, nhiều người Đài Loan muốn đến Việt Nam bày tỏ thất vọng về điều này. Xin hỏi Bộ Ngoại giao khi nào mới thông báo hướng dẫn cho cơ quan đại diện ở nước ngoài tiếp nhận hô sơ xin cấp visa du lịch?

Chính phủ Việt Nam cóchủ trương mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, và để triển khai chủ trương này trong thời gian vừa qua, các Bộ, Ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã tích cực phối hợp, triển khai nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy trình nhập cảnh và đón khách quốc tế vào Việt Nam.

Ngày 15/03/2022, căn cứ vào đề nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã đồng ý khôi phục chính sách nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch Covid-19. Cùng ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành phương án mở cửa lại cáchoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, áp dụng với các đối tượng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch ra nước ngoài và khách du lịch nội địa thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã ban hành quy định hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh.

Phù hợp với quy định tại Điều 16.1 của Luật xuất nhập cảnh, người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch phải thông qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời bảo lãnh ở Việt Nam làm thủ tục xin duyệt nhân sự đối với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và hồ sơ của khách. Vì vậy, người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịchcó thể liên hệ với các công ty lữ hành quốc tế ở Việt Nam để cơ quan này đứng ra làm thủ tục với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và sau đó nhận thị  thực tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan được uỷ quyền cấp thị thực như Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc.

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan được uỷ quyền cấp thị thực phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan ở trong nước giải quyết các yêu cầu về thị thực của khách vào Việt Nam du lịch cũng như tìm hiểu thị trường kinh doanh và đầu tư.

4. VnExpress: Chính sách miễn visa cho người đến Việt Nam từ Đông Nam Á hiện nay như thế nào? Cụ thể là người từ Singapore và Thái Lan đã được đến Việt Nam chưa hay các sứ quán vẫn cần chờ công điện của Việt Nam? Hệ thống visa điện tử đã được khôi phục hay chưa?

Ngày 15/3/2022, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý khôi phục chính sách nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Việt Nam nối lại việc áp dụng quy trình, thủ tục cấp các loại thị thực và giấy miễn thị thực theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành (bao gồm việc cấp thị thực điện tử); nối lại việc miễn thị thực cho người nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại (bao gồm các hiệp định, thoả thuận miễn thị thực với các nước Đông Nam Á); nối lại chính sách miễn thị thực đơn phương với công dân 13 nước (Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa I-ta-li-a, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Bê-la-rút) với thời hạn cư trú tối đa 15 ngày, áp dụng đến ngày 14/3/2025.

Người nhập cảnh cần chấp hành các hướng dẫn y tế của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

5. AFP: Bao giờ Việt Nam mở cửa đăng ký cho sự kiện SEA Games sắp tới?

Như tôi đã thông tin ở cuộc họp báo lần trước, phóng viên của các nước ASEAN có thể đăng ký với các Uỷ ban Olympic Quốc gia của các nước đó. Còn các phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam có thể đăng ký trực tiếp với Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.

Dự kiến từ ngày 20/3, tức là trong vài ngày tới, Ban tổ chức SEA Games 31 của Việt Nam cũng sẽ công bố các thông tin cụ thể về việc đăng ký cũng như hướng dẫn tác nghiệp trên trang web của SEA Games 31.

6. Báo Thế giới và Việt Nam: Xin cho biết thông tin về việc 100 container hạt điều Việt Nam xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa? Bộ Ngoại giao đã triển khai những gì để hỗ trợ các doanh nghiệp?

Về việc này, theo tôi biết Bộ Công Thương cũng đã có thông tin cho báo chí. Mới đây nhất, ngày 14/3/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có các biện pháp xử lý, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia liên hệ với các chủ tàu, trực tiếp đến thành phố Genova, Napoli để xác minh thông tin; gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển Kinh tế, Cảnh sát Tài chính và các cơ quan chức năng của Italia đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Italia cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp và Vinacas, hướng dẫn cách giải quyết cụ thể, đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam yêu cần can thiệp, có ý kiến với các hãng tàu dừng giao hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, nhằm giảm tối đa tổn thất cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc giải quyết vụ việc này cũng như đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italia trong thời gian tới.

7. Zing: Đề nghị bình luận về bài báo của VOA cho rằng Việt Nam đã triển khai công tác bảo hộ công dân chậm cũng như có sự phân biệt đối xử, tiêu cực trong việc đưa công dân Việt Nam sơ tán khỏi Ukraine về nước?

Như đã nhiều lần khẳng định, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam tại Ukraine là mối quan tâm, làưu tiên cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.

Ngay khi xuất hiện những diễn biến căng thẳng xung quanh tình hình ở Ukraine, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 201/CĐ-TTg ngày 26/02/2022 về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình ởUkraine. Trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã liên tục có cáccuộc điện đàm với các Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Ukraine và Rumani, trao thư gửi đến Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, tiếp Đại sứ các nước có liên quan tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ bảo đảm tối đa an ninh, an toàn cho công dân Việt Nam và gia đình, cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt và gia đình sơ tán, và tạo điều kiện cho các chuyến bay sơ tán đưa bà con về nước.

Trong bối cảnh tình hình diễn biến hết sức nhanh và phức tạp, các Bộ, ngành và các cơ quan đại diện tại địa bàn đã hết sức nỗ lực, khẩn trương hỗ trợ, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc cho bà con, hoàn thành sớm nhất các thủ tục cần thiết để đưa bà con về nước, đảm bảo công khai, minh bạch, ưu tiên các đối tượng người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người bệnh, người khuyết tật.

Cho đến nay đã tổ chức được 05 chuyến bay đưa khoảng gần 1.400 người Việt Nam và gia đình của họ có nguyện vọng được về nước an toàn. Trên thực tế, trong quá trình triển khai đã nảy sinh các tình huống như bà con thay đổi quyết định, lựa chọn hướng di chuyển riêng hoặc có tâm lý chờ đợi quay lại Ukraine khi tình hình chiến sự chấm dứt; một số công dân không có đầy đủ giấy tờ, giấy tờ thất lạc hoặc đã hết hạn cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan đại diện. Các cơ quan đại diện Việt Nam đã phải hết sức nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, các hội đoàn người Việt tại địa phương khắc phục các khó khăn, liên tục cập nhật thông tin, nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh, tổ chức sơ tán bà con ra khỏi vùng chiến sự và đưa về nước an toàn.

Những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong nước cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của bà con ở nuớc ngoài cũng như nhân dân ở trong nước./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer