Một số nét kinh tế Việt Nam
Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng quan về kinh tế Việt Nam: Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới với ba trụ cột: (i) chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường; (ii) phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó khu vực dân doanh đóng vai trò ngày càng quan trọng; (iii) chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam (Luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992, 1996 và 2000). Năm 1990 Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty ra đời. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 nêu rõ đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường và khu vực đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đó là hàng loạt các đạo luật quan trọng của nền kinh tế thị trường như Luật đất đai, Luật thuế, Luật phá sản, Luật môi trường, Luật lao động và hàng trăm các văn bản pháp lệnh, nghị định của Chính phủ đã được ban hành nhằm cụ thể hóa việc thực hiện luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005 được coi là bước đột phá trong tư duy và cải cách hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã thay thế các quy định pháp luật trước đó về doanh nghiệp (bao gồm Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003) và áp dụng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, có tác dụng đẩy nhanh quá trình cải cách kinh tế. Cũng tương tự, Luật Đầu tư năm 2005 đã thay thế Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998 và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000, áp dụng thống nhất cho hoạt động đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo bước tiến dài trong việc điều chỉnh, cải tiến môi trường đầu tư của Việt Nam. Để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, Việt Nam đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) 2014, Luật Đầu tư (sửa đổi) 2014 và Luật Nhà ở (sửa đổi) 2014…
Hiến pháp 2013 (sửa đổi) khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Cùng với việc xây dựng luật, các thể chế thị trường ở Việt Nam đã từng bước được hình thành. Chính phủ đã chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, nhấn mạnh quan hệ hàng hóa - tiền tệ, tập trung vào các biện pháp quản lý kinh tế, thành lập hàng loạt các tổ chức tài chính, ngân hàng, hình thành các thị trường cơ bản như thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường hàng hóa, thị trường đất đai… Cải cách hành chính được thúc đẩy nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi và đầy đủ hơn cho hoạt động kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã thực hiện chiến lược cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 với trọng tâm sửa đổi các thủ tục hành chính, luật pháp, cơ chế quản lý kinh tế, tạo một thể chế năng động. Hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đang được triển khai nhằm phục vụ hiệu quả các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Những cải cách kinh tế mạnh mẽ trong gần ba thập kỷ đổi mới vừa qua đã mang lại cho Việt Nam những thành quả rất đáng phấn khởi. Việt Nam đã tạo được một môi trường kinh tế thị trường có tính cạnh tranh và năng động. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được khuyến khích phát triển, tạo tính hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Môi trường đầu tư trở nên thông thoáng hơn, thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu và phát triển thêm một số ngành nghề tạo ra nguồn thu ngoại tệ ngày càng lớn. Việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế thế giới, là cơ hội tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Kinh tế vĩ mô cả nước cơ bản duy trì ổn định. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trung bình trong giai đoạn 1991-2010 đạt khoảng 7,5%. Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 đạt trên 5,9%/năm; trong đó năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế liên tục tăng, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Lạm phát cơ bản được kiềm chế, thị trường tài chính-tiền tệ ổn định. Cùng với tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế trong nước của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể, tích cực. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,6% vào năm 2015; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống còn 17,4%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn 44,3% vào năm 2015.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng nhanh, có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Từ mức gần như con số không vào năm 1986, vốn đăng ký FDI đã tăng lên 64 tỷ USD năm 2008. Tính đến hết năm 2015, tổng số dự án FDI tại Việt Nam đã lên đến 19.929 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 300 tỷ USD. FDI đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam; bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế (chiếm 23,3% vốn đầu tư xã hội năm 2015), thúc đẩy xuất khẩu (chiếm 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015), đóng góp vào thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động. FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp và góp phần đưa Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, những chính sách và biện pháp điều chỉnh, sắp xếp lại các doanh nghiệp, đặc biệt là những biện pháp về quản lý tài chính của công ty nhà nước, quản lý các nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hay việc chuyển các công ty nhà nước thành công ty cổ phần theo tinh thần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước, ngày càng được coi trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả cho khu vực kinh tế quốc doanh.
Trong những năm qua, các thành tựu kinh tế của Việt Nam đã được sử dụng hiệu quả vào các mục tiêu phát triển xã hội như: gắn kết tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển y tế, giáo dục; nâng chỉ số phát triển con người HDI (chỉ số HDI của Việt Nam tăng liên tục hàng năm; năm 2015 Việt Nam được xếp thứ 116/188, tức là ở thứ hạng trên của nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình). Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững đạt kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo từ 58% trong đầu thập niên 1990 đã giảm xuống còn dưới 5% năm 2015. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển con người. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của đất nước ngày càng được cải thiện; tiềm lực khoa học-công nghệ tiếp tục được tăng cường; thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, nông nghiệp, y tế, công nghệ tế bào, tế bào gốc, vi sinh, ghép tim… được ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt, trong lĩnh vực thông tin, năm 2015, với trên 45 triệu người sử dụng internet (chiếm 52% dân số cả nước), Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á và thứ sáu ở Châu Á về số lượng người dùng internet.
Việt Nam chủ trương tham gia tích cực và chủ động vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục. Việt Nam hiện tham gia nhiều liên kết kinh tế ở cả ba cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, là thành viên của Liên hiệp quốc, của Tổ chức Thương mại Thế giới, ASEAN, ASEM, APEC, Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực khác. Hợp tác kinh tế của Việt Nam với các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… ngày càng được củng cố và mở rộng. Đến tháng 5/2016, Việt Nam đã ký kết 11 FTA song phương và đa phương (gồm Hiệp định TPP, AFTA và FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia/New Zealand và các FTA song phương với Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu); chuẩn bị tiến tới ký kết FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA); và tiến hành đàm phán đồng thời 4 FTA với các đối tác lớn gồm Khối Thương mại Tự do Châu Âu-EFTA (Thụy Sỹ, Na Uy, Leichtensten và Iceland), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hồng Công và Israel.
Với đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế.
Cập nhật 01-06-2016