Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 20 tháng 04 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HOÀ CÔNG-GÔ (CÔNG-GÔ-B) VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM



BỘ NGOẠI GIAO


         ---oOo---


 


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA CÔNG-GÔ


VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


/www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/graphics/maps/cf-map.gif


-----------


I. Khái quát


  • Tên nước: Cộng hòa Công-gô (République du Congo)

  • Thủ đô: Bra-gia-vin (Brazzaville)

  • Vị trí địa lý: Cộng hòa Công-gô (hay còn gọi là Công-gô Bra-gia-vin, Công-gô B) nằm phía Tây châu Phi, trên bờ Đại Tây dương, ở giữa Ga-bông và Ăng-gô-la

  • Diện tích: 342.000 km2

  • Dân số: 4,9 triệu người (7/2017)

  • Tôn giáo: Thiên Chúa giáo

  • Ngôn ngữ: tiếng Pháp

  • Đơn vị tiền tệ: Franc CFA (XAF)

  • Quốc khánh: 15/8/1960

  • Tổng thống: Đê-nít Sa-su En-gết-sô (Denis Sassou-N’guesso) (từ 1997), Tổng thống cũng là người đứng đầu Chính phủ

  • Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế: Giăng Cờ-lốt Ga-cô-xô (Jean Claude Gakosso) (từ 8/2015)


II. Lịch sử


Từ năm 1883, Pháp xâm chiếm và cai trị Công-gô Bra-gia-vin. Ngày 15/8/1960 Pháp trao trả độc lập.


Tháng 6/1991, Công-gô Bra-gia-vin thông qua hiến pháp mới, thực hiện chế độ đa đảng, tam quyền phân lập.


III. Chính trị


1. Đối nội


Tháng 5/1997, nội chiến xảy ra giữa lực lượng dân quân của cựu Tổng thống Đê-nít Sa-su N-ghê-su và lực lượng của Tổng thống Lít-su-ba, kết thúc vào tháng 10/1997 với thắng lợi của Đê-nít Sa-su N-ghê-su được quân đội Ăng-gô-la ủng hộ. Tình hình Công-gô Bra-gia-vin từ sau Hiệp định hòa bình 2003 đến nay tương đối ổn định.


Các đảng phái chính trị chính tại Công-gô Bra-gia-vin


  • Đảng Lao động (PCT)

  • Đảng Phong trào vì Dân chủ và Phát triển Toàn vẹn của Công-gô (MDDIC)

  • Đảng Liên minh Châu Phi vì Dân chủ - Xã hội (UPD)

  • Đảng Vận động vì Dân chủ và Tiến bộ xã hội (RDPS)


Trong những năm qua, tình hình an ninh – chính trị Cộng hòa Công-gô tiếp tục ổn định. Đảng Lao động (PCT) cầm quyền tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo sau thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 8/2012 với 89/136 ghế. Tổng thống đương nhiệm của Công-gô Nơ-gết-sô là người có tư tưởng tiến bộ và rất có cảm tình với Việt Nam.


2. Đối ngoại


Công-gô Bra-gia-vin triển khai đường lối đối ngoại mở cửa, tranh thủ vốn và kỹ thuật của Mỹ, phương Tây (chủ yếu là Pháp) và các tổ chức quốc tế (như WB và FMI) nhằm khôi phục hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.


Hiện nay, CH Công-gô chú trọng quan hệ với Trung Quốc để tận dụng nguồn đầu tư từ nước này, chủ yếu trong xây dựng cơ sở hạ tầng.


Công-gô Bra-gia-vin là thành viên của LHQ, Francophonie, Phong trào KLK, AU, CEMAC, IMF, WTO,...


IV. Kinh tế


Cuối những năm 1970, Công-gô Bra-gia-vin tìm ra dầu lửa. Năm 2001 khai thác 6,3 triệu tấn, chiếm 60% thu nhập quốc dân và hơn 85% thu nhập xuất khẩu.


Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 5,6%, công nghiệp 57,1%, dịch vụ 37,3%. Công-gô Bra-gia-vin phải nhập phần lớn lương thực. Sau một giai đoạn suy thoái do nội chiến, hiện kinh tế Công-gô Bra-gia-vin đang phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Dầu lửa là nguồn tài nguyên đem lại nguồn thu lớn nhất cho đất nước. Trong hơn 10 năm gần đây, nhờ ổn định chính trị và tăng cường các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, Công-gô Bra-gia-vin đã trở thành nước xuất khẩu dầu đứng thứ 5 tại châu Phi với sản lượng khai thác đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, đảm bảo sự ổn định tương đối cho nền kinh tế vĩ mô.


GDP 2017 (theo sức mua): 29,16 tỷ USD; bình quân: 6.700 USD/người; tăng trưởng: -3,6%.


Sản phẩm nông nghiệp: sắn, đường, gạo, ngô, lạc, rau quả, cà phê, ca cao.


Sản phẩm công nghiệp: hóa dầu, xi măng, đồ uống, đường, dầu cọ, xà phòng, thuốc lá.


Nhập khẩu: lương thực, máy móc và vật liệu xây dựng.


Xuất khẩu: sản phẩm hóa dầu, gỗ sơ chế, đường, ca cao, cà phê, kim cương.


V. Quan hệ Việt Nam – Công-gô Bra-gia-vin


1. Chính trị - ngoại giao:


- Việt Nam và Công-gô Bra-gia-vin thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16/7/1964. Việt Nam và CH Công-gô có quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Bạn tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của nhân dân ta. Năm 1964, ta mở ĐSQ tại Bra-gia-vin và đóng cửa cuối năm 1972 do khó khăn tài chính; sau đó, mở lại vào tháng 1/1980 nhưng do quan hệ còn hạn chế và khó khăn kinh tế, năm 1992 ta đóng cửa ĐSQ.


CH Công-gô ủng hộ ta vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.


Hai nước đã họp UBLCP lần đầu năm 2003 nhưng cho đến nay chưa họp lần thứ hai.


2. Trao đổi đoàn:


          Đoàn ta thăm CH Công-gô: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1980), Phó Chủ tịch nước Huỳnh Tấn Phát (1983), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (2002);


Đoàn CH Công-gô thăm VN: Tổng thống Ma-ri-en N-goa-bi (1973), Tổng thống Đê-nít Sa-su N-ghê-su tham dự HNCC Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997 và thăm chính thức Việt Nam 4/2000; Bộ trưởng Năng lượng và Thủy điện (5/2011); Bộ trưởng Kinh tế rừng, Phát triển bền vững và Môi trường (4/2012).


3. Hợp tác chuyên gia:


- Trong thập kỷ 80, ta đã cử nhiều lượt chuyên gia giáo dục, y tế sang Công-gô Bra-gia-vin (với số lượng gần 100 chuyên gia y tế và 300 chuyên gia giáo dục). Từ năm 1989, do khó khăn về kinh tế, bạn buộc phải ngừng hợp đồng thuê chuyên gia ta.


          - Từ 2002 đến 2005, ta đã cử 54 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang giúp Công-gô Bra-gia-vin trồng lúa nước thực hiện chương trình đặc biệt về an ninh lương thực theo Thoả thuận hợp tác ba bên Việt Nam-FAO- Công-gô Bra-gia-vin.


4. Thương mại:


- Kim ngạch thương mại song phương: năm 2017 đạt trên 221 triệu USD trong đó ta xuất siêu chủ yếu là: sản phẩm dệt may, gạo, xi măng, clanhke... Ta nhập chủ yếu là: đồng, sắt thép phế liệu, gỗ và các sản phẩm của gỗ.


          5. Hiệp định đã ký:


  1. Hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (2000),

  2. Thoả thuận Hợp tác 3 bên Việt Nam-FAO-Công-gô Bra-gia-vin về an ninh lương thực (2001),

  3. Hiệp định Thương mại (2002)

  4. Nghị định thư hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao (2002)

  5. Nghị định thư hợp tác về giáo dục (2002)

  6. Nghị định thư hợp tác về công nghiệp và thoả thuận hợp tác giữa 2 phòng Công nghiệp của 2 nước (2002).


- Hai nước họp Uỷ ban Liên Chính phủ lần thứ nhất về hợp tác kinh tế-thương mại, văn hoá, KHKT tại Hà Nội (10/2003). Bạn đề nghị ta giúp đỡ sang một số lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, đào tạo nghề. Chủ tịch phân ban phía Việt Nam là Bộ Y tế, phía CH Công-gô là Bộ Ngoại giao, Hợp tác và Pháp ngữ.


Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Công-gô Bra-gia-vin. Đại sứ quán Công-gô Bra-gia-vin tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam./.


 


Tháng 12/2018


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer