Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 06 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phóng viên Việt Nam về kết quả chuyến thăm Băng-la-đét và Pa-kít-xtan của Chủ tịch nước Trần Đức Lương


BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO NGUYỄN DY NIÊN TRẢ LỜI NHÓM PHÓNG VIÊN VIỆT NAM THÁP TÙNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO VIỆT NAM DO CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG DẪN ĐẦU SANG THĂM HỮU NGHỊ CHÍNH THỨC NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN BĂNG-LA-ĐÉT VÀ NƯỚC CỘNG HOÀ HỒI GIÁO PA-KÍT-XTAN

Hỏi: Xin Bộ trưởng đánh giá về kết quả của chuyến thăm?

Trả lời:

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước ta thăm chính thức Bangladesh và Pakistan, hai nước có vị trí quan trọng tại khu vực Nam Á và có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước đều rất coi trọng chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, coi chuyến thăm là mốc quan trọng có ý nghĩa lịch sử, dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị với những tình cảm thắm thiết. Tổng thống và Thủ tướng Bangladesh cũng như Tổng thống và Thủ tướng Pakistan đều cùng tham dự Lễ đón Chủ tịch, một điều được nhiều nhà ngoại giao nhận xét là hiếm khi xảy ra trong thông lệ các hoạt động nghi lễ đối ngoại. Chủ tịch Trần Đức Lương đã có hai cuộc gặp riêng và hội đàm với các vị lãnh đạo của hai nước, tiếp các vị lãnh đạo Quốc hội và nhiều Bộ trưởng, lãnh đạo một số địa phương và đại diện các Phòng Thương mại - Công nghiệp đến chào... Ngoài ra, Chủ tịch cũng đã đi thăm nhiều cơ sở kinh tế, công nghiệp cũng như văn hóa. Tuy thời gian chuyến thăm khá ngắn nhưng đã có tới tám văn kiện quan trọng được ký kết giữa chúng ta và hai nước, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác trên các mặt tài chính, nông nghiệp, ngân hàng, khoa học, công nghệ, văn hóa, ngoại giao... Một trong những trọng tâm chính của chuyến đi là chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa ta và các nước này vì kim ngạch thương mại song phương hiện còn ở mức khiêm tốn, chưa ngang tầm quan hệ chính trị và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Tại Bangladesh, hai bên đã trao đổi nhiều về các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại cụ thể như dược phẩm, dệt-may, sản xuất da, hóa chất, thiết bị cơ khí..., về phạm vi và cơ hội liên doanh trong các lĩnh vực hai nước có nhiều tiềm năng như các ngành sản xuất nông - công nghiệp, sản xuất xe đạp hóa dầu, công nghệ tin học và truyền thông... Ta và Bangladesh cũng nhất trí khôi phục Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật. Tại Pakistan, lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ phấn đấu tăng kim ngạch thương mại song phương, trao đổi và ký kết các thỏa thuận hợp tác cùng có lợi, nhất là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin; khuyến khích tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân của hai nước, các chương trình hợp tác về văn hóa, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và du lịch. Bạn cũng đề nghị nâng cấp cuộc họp Ủy ban hỗn hợp kinh tế lên cấp Bộ trưởng để thúc đẩy quan hệ đi vào thực chất và cùng có lợi. Cả hai nước đều khẳng định ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tôi tin rằng cùng với những thỏa thuận ở cấp cao, các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa 40 nhà doanh nghiệp tháp tùng Đoàn với hàng trăm đối tác Bangladesh và Pakistan sẽ góp phần đưa quan hệ của Việt Nam và các nước này bước vào một giai đoạn mới, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn và đa dạng hơn. Theo tôi, chuyến thăm đã đưa quan hệ của ta với hai nước lên một tầm cao mới, cả về chính trị lẫn kinh tế - thương mại và trao đổi văn hóa.

Hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của chuyến đi đối với việc triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta tại khu vực?

Trả lời:

Trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập nền kinh tế thế giới, chúng ta đã mở rộng quan hệ ngoại giao và kinh tế với nhiều nước, phát triển quan hệ với nhiều tổ chức khu vực cũng như tổ chức tài chính - thương mại thế giới. Nam Á là một khu vực quan trọng có vị trí địa lý chiến lược, có nền văn hóa và lịch sử lâu đời. Cả hai nước Bangladesh và Pakistan đều đang thi hành chính sách "hướng đông", mong muốn đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chính vì thế, trong chuyến thăm này, ta và hai nước đều nhất trí cần gia tăng hợp tác và tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác giữa Đông-Nam Á và Nam Á. Tôi cho rằng chuyến đi đã đưa quan hệ của Việt Nam với Bangladesh và với Pakistan vào một giai đoạn phát triển mới, là một đóng góp quan trọng vào việc triển khai chính sách đối ngoại của chúng ta ở khu vực này.

Hỏi: Xin Bộ trưởng nhận xét về triển vọng quan hệ giữa Việt Nam và hai nước mà Đoàn ta đã đến thăm?

Trả lời:

Tôi lạc quan về triển vọng quan hệ giữa chúng ta và hai nước. Với những gì chúng ta đạt được trong chuyến thăm này và với quyết tâm của cả Việt Nam cùng hai nước Bangladesh và Pakistan, tôi tin tưởng và mong muốn thực sự là mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa chúng ta và các bạn Bangladesh và Pakistan sẽ phát triển theo hướng ổn định, lâu dài và cùng có lợi.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer