Đại diện UNHCR ghi nhận:Những người trở về không bị phân biệt đối xử
Hỏi: Xin ông cho biết mục đích và kết quả của chuyến thăm này?
Trả lời: Mục đích chuyến thăm tỉnh Gia Lai thuộc Tây Nguyên từ ngày 2 đến 4-8-2005 của tôi là nhằm tìm hiểu về cuộc sống của những người từ Campuchia trở về. Kể từ tháng 3-2005, đã có 131 người ra đi bất hợp pháp trở về tỉnh Gia Lai, trong đó có 90 người mới trở về cách đây hai tuần. Tổng số người trở về tính đến thời điểm này là 137. Phần lớn trong số họ đã được đại diện của UNHCR tại Việt Nam tới thăm, có một số người đã được thăm hỏi vài lần. Theo nội dung Bản ghi nhớ (MOU) mà Việt Nam, Campuchia và UNHCR đã ký ngày 25-1-2005, những người trở về sẽ không bị phân biệt đối xử hay trừng trị với lý do họ ra đi bất hợp pháp. Tôi đã gặp 21 người trở về ở hai huyện Grai và Chư Sê. Sức khỏe của những người này dường như rất tốt và họ không có điều gì băn khoăn lo lắng cả. Tôi rất hài lòng với kết quả chuyến thăm này. Tôi hy vọng sớm có dịp thăm thêm hai huyện nữa ở tỉnh Gia Lai nơi có người ra đi bất hợp pháp đã trở về. Hiểu biết về tình hình thực tế và điều kiện sống của những người trở về là rất quan trọng. Tôi đánh giá cao sự hợp tác của chính quyền tỉnh Gia Lai, không phải chỉ bởi vì tôi có thể đến thăm bất cứ ai mà tôi muốn khi tôi ở đây.
Hỏi: Ông có nhận xét gì về cuộc sống của những người trở về cũng như sự đối xử của chính quyền và nhân dân địa phương đối với họ?
Trả lời: Cuộc sống của những người trở về dường như đã trở lại bình thường. Ở cả hai huyện và đặc biệt là ở huyện Chư Sê, tôi rất có ấn tượng với thái độ xây dựng của các nhà chức trách địa phương. Họ đã và đang giúp đỡ những người trở về, như cung cấp gạo, muối, dầu đốt và hạt giống cũng như bố trí việc làm tại một trang trại của Nhà nước và ở nhà máy chế biến bông. Một số người trở về còn chưa quyết định nhận sự hỗ trợ về việc làm này và tôi đã thúc giục họ cần nhận ngay đi. Ở huyện Chư Sê, tôi đã đến thăm một trung tâm dạy nghề ở đó có tám người trở về đang theo học. Không khí lớp học thật dễ chịu và mọi người đều cảm thấy rất thoải mái. Những điều này rất hữu ích và nó giúp những người trở về sớm tạo dựng lại cuộc sống bình thường. Các nhà chức trách địa phương dường như rất chú ý đến những nhu cầu của người trở về và tìm mọi cách tốt nhất để giúp đỡ họ. Ở cấp xã, những người trở về cũng nhận được giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, những người cùng dân tộc với họ. Từ những quan hệ giao tiếp, giúp đỡ những người trở về đó, tôi nhận thấy rằng có một sự tin cậy nào đó đã được thiết lập ở đây.
Hỏi: Điều gì gây ấn tượng cho ông nhất trong thời gian ở thăm Tây Nguyên?
Trả lời: Điều gây ấn tượng cho tôi nhất chính là thái độ tích cực của các nhà chức trách địa phương ở tỉnh Gia Lai đối với những người trở về cũng như sự sẵn sàng giúp đỡ của các nhà chức trách để họ tái hòa nhập vào cộng đồng. Điều này dự báo trước một tương lai tốt đẹp. Một điều khác tôi nhận thấy rằng cần phải nâng cao trình độ học vấn của người dân tộc thiểu số. Ấn tượng sống động nhất của tôi chính là sự giải quyết các công việc của các nhà chức trách địa phương ở huyện Chư Sê thật tuyệt vời. Họ có một vị Chủ tịch đầy ấn tượng và ông đã quan tâm rất nhiều đến những người trở về. Huyện có một phương hướng đúng đắn và nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc làm thế nào để những người hồi hương cảm nhận thấy rằng họ luôn được hoan nghênh. Tôi cũng rất có ấn tượng về quyết định của lãnh đạo huyện về tạo việc làm cho người trở về. Họ muốn những người trở về hướng tới tương lai và luôn khuyến khích những người trở về đi theo hướng này.
Hỏi: Ông có dự định gì để hỗ trợ những người trở về sau chuyến đi thực tế này?
Trả lời: Sự trợ giúp của UNHCR ở Việt Nam từ trước tới nay vẫn dựa trên cơ sở cộng đồng và thông qua các dự án quy mô nhỏ. Những dự án này có tác động thực sự ở cấp cơ sở Trong thời gian qua, UNHCR đã thực hiện 700 dự án nhỏ tại một số tỉnh với chi phí ước khoảng 15 triệu USD. Thái độ của các nhà chức trách địa phương đối với những dự án này là rất tích cực. Song dường như những dự án quá nhỏ bé này đã bị lãng quên khá nhanh. Mặc dù vậy, trong hai huyện tôi tới thăm, các nhà chức trách địa phương còn nhớ rất rõ về những dự án nhỏ ở đây và họ bày tỏ mong muốn được hỗ trợ thêm những dự án mới. Tại Chư Sê, tôi đã thấy một trường học do UNHCR tài trợ trong khuôn khổ một dự án nhỏ. Các nhà chức trách địa phương và cộng đồng tài trợ đều ủng hộ các dự án này. Tôi đã thấy một cơ hội thực sự để làm tốt hơn nữa, đó là cần làm nhanh chóng hơn để đạt được kết quả rõ hơn. Nếu chúng tôi được các nhà chức trách bật đèn xanh thì thách thức còn lại sẽ chỉ là nhanh chóng khởi động những dự án quy mô nhỏ này. Mặt khác, kinh nghiệm của tôi về nguồn kinh phí cho thấy, để có được sự quan tâm của các nhà tài trợ là không dễ dàng gì. Bởi vậy chúng ta cần nắm bắt được động lực thuận lợi như bây giờ.
![]() ![]() ![]() ![]() |