Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

10 năm Việt Nam gia nhập APEC

Vị thế của Việt Nam không ngừng được củng cố và nâng cao, có nhiều đóng góp chung cho sự phát triển thịnh vượng của toàn khu vực.

Tháng 11/1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong quá trình hợp tác với các thành viên APEC thông qua việc đưa ra các sáng kiến mới thuộc ba trụ cột chính của APEC về tự do hoá thương mại, đầu tư; thuận lợi hoá thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã và đang cùng APEC thảo luận, hợp tác nhằm tìm ra những phương hướng giải quyết một cách tối ưu các vấn đề về kinh tế, chính trị nổi cộm của khu vực và thế giới như: đẩy mạnh vòng đàm phán Doha; giải quyết khủng hoảng tài chính khu vực; đối phó với sự leo thang của giá lương thực; chống khủng bố…

Nhìn lại 10 năm qua, chúng ta thấy quyết định tham gia APEC là sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. APEC đã trở thành diễn đàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế. Việc tổ chức thành công APEC năm 2006 là đỉnh cao, làm cho Việt Nam được nhìn nhận không chỉ ở tầm khu vực, mà đã chủ trì những sự kiện, giải quyết những vấn đề ở tầm liên khu vực với quy mô và tính chất phức tạp hơn nhiều. Cùng với việc trở thành thành viên của WTO, được bầu làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế được đẩy lên tầm cao mới. APEC cũng là nơi để ta đạt được nhiều thoả thuận quan trọng trong quan hệ song phương, đặc biệt với các cường quốc thế giới như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật.

Hiện, Việt Nam đã tham gia khoảng 70 thể chế đa phương ở các cấp độ khác nhau, từ toàn cầu, liên khu vực đến khu vực và tiểu khu vực. Trong số các thể chế đa phương liên khu vực, APEC cần được xác định là diễn đàn quan trọng, là nơi Việt Nam có thể phát huy vai trò, từ đó nâng cao vị thế và uy tín, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác lớn. 

 ** Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: APEC góp phần củng cố hình ảnh và vị thế mới của Việt Nam

Tham gia APEC góp phần củng cố hình ảnh và vị thế mới của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. APEC còn là một kênh quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương với các nền kinh tế trong khu vực. Các hội nghị do APEC tổ chức hàng năm là dịp để Việt Nam tiến hành tiếp xúc song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu.
Sự phối hợp, chia sẻ quan điểm trong APEC cũng là một nhân tố thúc đẩy sự hiểu biết, tạo dựng niềm tin và thiện cảm giữa các nền kinh tế với nhau.

Tham gia hợp tác trong APEC trong 10 năm qua là một con đường hai chiều. Bên cạnh lợi ích đạt được, chúng ta còn chủ động và tích cực gánh vác trách nhiệm của một thành viên, đóng góp vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC thông qua các sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển; củng cố hệ thống thương mại đa phương; đối phó với các nguy cơ khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi; cải cách APEC hiệu quả và năng động phù hợp với những phát triển mới của tình hình khu vực và thế giới.

** Ông Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: 5 đề xuất thực hiện trong thời gian tới

Một là, xác định APEC là bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đang có cơ hội thuận lợi để đóng vai trò tích cực và chủ động hơn trong APEC phục vụ mục tiêu phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Hai là, nguyên tắc trong tham gia APEC là giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm lợi ích tối đa của Việt Nam; kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của chung của APEC; giữa lợi ích của Việt Nam trong APEC với lợi ích trong các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

Ba là, cần chủ động và tích cực tham gia các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và lợi ích, trong đó, cần tính đến việc đảm nhận những vị trí chủ tịch/phó chủ tịch các nhóm công tác, các nhóm đặc trách, đặc biệt trong lĩnh vực nước ta có nhu cầu và có thế mạnh như năng lượng, biến đổi khí hậu, giáo dục… và tham gia Ban thứ ký APEC, đồng thời tranh thủ tối đa các dự án hợp tác và kinh nghiệm phát triển kinh tế của APEC để thúc đẩy quá trình phát triển đất nước.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả hoạt động đa phương, song phương, tận dụng sự hợp tác đa phương trong APEC để thúc đẩy quan hệ song phương của Việt Nam với các nền kinh tế trong và ngoài APEC.

Năm là, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành để đảm bảo hiệu quả và sự nhất quán trong các hoạt động APEC.

Thành lập năm 1989, đến nay APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, với hơn 59% dân số, 52% diện tích lãnh thổ, gần 60% GDP, 50% thương mại và 70% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

** Ông Đỗ Thanh Hồng, Trưởng nhóm các quan chức cao cấp (SOM) Việt Nam: Tham gia APEC, nền kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc ấn tượng

Tham gia APEC trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có sự khởi sắc ấn tượng trên cơ sở ổn định, bền vững. Điều này được thể hiện qua mức vốn FDI rót vào đạt kỷ lục theo từng năm, đặc biệt, 11 tháng năm 2008, FDI đạt kỷ lục 61 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với năm 2007, trong đó khoảng 75% đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Đối với hoạt động xuất khẩu, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã và đang đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 sang thị trường khu vực này đạt khoảng 33,5 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

** Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ các chương trình hợp tác của APEC

Gia nhập APEC, các DN của Việt Nam được hưởng lợi từ các chương trình hợp tác của APEC, vì một trong những ưu điểm hàng đầu của các nhà lãnh đạo APEC là tạo thuận lợi cho cộng đồng DN trong quá trình mở rộng thị trường kinh doanh, tìm hiểu đối tác và tăng cường sức cạnh tranh của các DN trong khu vực. DN Việt Nam đang nỗ lực hội nhập và đã thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ, năng động của mình.

Một số sản phẩm của Việt Nam đã có vị trí ảnh hưởng tới thị trường quốc tế. Với chính sách chủ động và tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, Việt Nam vẫn đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình hội nhập, tức là mở rộng thị trường và tư do hoá thương mại và đầu tư cũng đem lại nhiều thách thức cho DN. Vì vậy, các DN cần tích cực, chủ động và liên kết, ngoài việc phục vụ cho các hoạt động của DN, hiệp hội, DN cũng cần tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng DN khu vực, qua đó nắm bắt được tình hình chung, tạo dựng tiếng nói trong khu vực. Các DN phải cùng nỗ lực nhằm quảng bá, kêu gọi hợp tác với Việt Nam cũng như bảo vệ quyền lợi của DN Việt Nam.

** Ông Phạm Tất Thắng, Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương: Việt Nam luôn hướng tới thị trường của các thành viên APEC

Việt Nam luôn hướng tới những thị trường truyền thống, thị trường lớn, thị trường mới của các thành viên APEC. Là một nước đang phát triển, Việt Nam ý thức rất rõ cơ hội do APEC đem lại và đang làm hết sức mình để tận dụng cơ hội trong khuôn khổ hợp tác của APEC.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đói gió mùa, thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam sự đa dạng sinh học hiếm có, có thể sản xuất được những mặt hàng nông sản quý giá. Chính vì vậy, với những sản phẩm này, Việt Nam có thể góp phần thỏa mãn nhu cầu đa dạng về lương thực thực phẩm của vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Vấn đề là làm sao để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường lớn của APEC, đồng thời Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, hệ thống phân phối của các nước APEC. Điều này chỉ có thể thực hiện được với sự tư vấn hỗ trợ, giúp đỡ của APEC./.

Các thành viên của APEC chiếm 75% vốn FDI, 50% nguồn viện trợ phát triển (ODA), 73% xuất khẩu và 79% nhập khẩu của Việt Nam.

(VOV)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer