Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 20 tháng 04 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Đại hội đồng IPU lần thứ 132 về tổng quan chính sách đối ngoại Việt Nam


(Nguồn: MOFA)

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Thưa Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU,
Thưa Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU,
Thưa toàn thể Quý vị,

Trước tiên, tôi xin gửi lời chào trân trọng tới các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, các vị Trưởng Đoàn đại biểu nghị viện các quốc gia thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và toàn thể Quý vị đại biểu.

Sự có mặt của trên 170 đoàn với gần 2.000 đại biểu từ các quốc gia thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới và các tổ chức quan sát viên khẳng định sức mạnh, tinh thần đoàn kết và vai trò to lớn của IPU sau 126 năm hình thành và phát triển.

Thưa Quý vị,

Ngay từ khi thành lập, IPU đã xác định gìn giữ hòa bình và giải quyết xung đột là sứ mệnh của Liên minh. Hơn một thế kỷ sau, sứ mệnh này vẫn còn nguyên giá trị.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đang không ngừng thay đổi. Quá trình toàn cầu hóa và xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế đang xóa nhòa ranh giới và khoảng cách giữa các quốc gia. Những thành tựu khoa học công nghệ khiến thế giới ngày càng “phẳng” hơn. Hơn bao giờ hết, nhân loại có cơ hội được sống trong một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, bất ổn và nguy cơ xung đột vẫn tiềm ẩn. Các cuộc khủng hoảng, xung đột hiện nay tại Trung Đông, tại một số nước châu Phi đang gây ra những tổn thất lớn về người và vật chất, đồng thời đe dọa hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế. Những căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ, các hành động đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế đã và đang đe dọa hòa bình, ổn định, kéo lùi những thành quả phát triển mà chúng ta đã đạt được.

Bên cạnh đó, các thách thức toàn cầu, đặc biệt là khủng bố quốc tế, nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, an ninh, an toàn hạt nhân, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt các nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… tiếp tục là các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi phải tăng cường các nỗ lực chung để ứng phó.

Thưa Quý vị,

Hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Vì vậy, xây dựng một nền hòa bình bền vững dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của tất cả các dân tộc.

Là đất nước đã trải qua nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, Việt Nam luôn trân trọng và khao khát hòa bình.

Chính vì vậy, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Hơn lúc nào hết, các quốc gia thành viên, không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ.

Bên cạnh đó, chúng ta đang chia sẻ nhiều lợi ích chung to lớn, là tái cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng, đồng đều và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định tạo thuận lợi cho phát triển. 

Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta hiện nay là tiếp tục hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ, xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 nhằm tạo xung lực cho phát triển bền vững của từng quốc gia và liên kết kinh tế quốc tế.

Trong quá trình này, Việt Nam cho rằng các nước cần tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, hỗ trợ mạnh mẽ hơn các chương trình về kết nối, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy kinh tế xanh, để tạo cơ sở lâu dài, bền vững cho hòa bình, an ninh và phát triển.

Thưa Quý vị,

Mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam là hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì phồn vinh của mỗi dân tộc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chúng tôi luôn coi trọng quan hệ hòa hiếu, hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực và trên thế giới, kiên trì phấn đấu cùng các nước trong cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Việt Nam luôn coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, diễn đàn đa phương đối với các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới.

Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quan trọng ở khu vực và trên thế giới như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM). Với chủ trương đó, việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 thể hiện mong muốn và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp thực chất và hiệu quả cho công việc của Liên minh. 

Cùng với tiến trình Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các dân tộc, qua đó khẳng định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. 

Bạn bè quốc tế đã chứng kiến Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, và hiện đang tích cực đóng góp vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

Từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm thành công trong xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được Việt Nam chia sẻ với nhiều bạn bè quốc tế từ Châu Á đến Châu Phi.

Những đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển bền vững, bình đẳng giới đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ở khu vực, cùng các nước ASEAN, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác đối thoại nhằm xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững dựa trên các luật lệ và chuẩn mực chung, trong đó ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm. ASEAN đang chứng minh rằng tương lai khu vực có thể được định hình bằng hợp tác, chứ không phải cạnh tranh hay đối đầu.

Năm 2015, với việc hình thành Cộng đồng có dân số 600 triệu người và GDP 2.500 tỷ đô-la, ASEAN sẽ trở thành một thực thể có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực. Việt Nam cam kết tiếp tục cùng các nước thành viên  ASEAN tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác đối thoại, trong cũng như ngoài khu vực, nhằm biến Châu Á - Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi cho rằng tất cả các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp lâu dài, thỏa đáng cho các thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Đặc biệt, các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước vừa và nhỏ, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực.

Về phần mình, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương  giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực.

Thưa Quý vị,

Quan điểm và lợi ích của các quốc gia có thể khác nhau, nhưng điều gắn kết tất cả chúng ta là có chung nguyện vọng xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Là cơ quan lập pháp có quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị của các nước, Nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đó.

Suốt lịch sử 126 năm qua, IPU đã chứng tỏ sức sống và vai trò quan trọng hàng đầu của mình với tư cách là diễn đàn thường trực đầu tiên về đàm phán chính trị đa phương và trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Nghị viện và nhân dân các quốc gia thành viên IPU, và đóng góp ngày càng tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu cao cả mà tất cả các quốc gia thành viên IPU cùng chia sẻ.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer