Thông cáo báo chí công bố báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương năm 2010

HÀ NỘI, ngày 25 tháng 3 năm 2011 – Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (NCIEC) tổ chức buổi Hội thảo công bố Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế (HNKTQT) cấp địa phương năm 2010. Đây là kết quả dự án nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế do Cơ quan phát triển quốc tế Ôxtrâylia (AusAID) và Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ thông qua Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật hậu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (BWTO

Mục tiêu chính mà Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế HNKTQT cấp địa phương hướng tới là cố gắng đưa ra một công cụ nhằm xác định được mức độ HNKTQT của mỗi địa phương trong tổng thể nền kinh tế hội nhập đang ngày một sâu rộng hiện nay của nước ta, cụ thể hơn đó là những tác động của hội nhập đến việc tăng trưởng phúc lợi cho người dân, xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại để chỉ ra các điều chỉnh cần thiết cho việc thu hút nguồn lực cho hội nhập và phát triển bền vững.

Theo NCIEC, đây là một báo cáo khoa học về một vấn đề mới với sự nghiên cứu nghiêm túc và công phu nhằm cung cấp một cách nhìn rõ ràng và toàn diện về vấn đề hội nhập của địa phương và đi đến một thống nhất chung cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với các điều kiện hội nhập đặc thù của mỗi địa phương. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu độc lập và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Các chuyên gia đã tập trung phân tích các chỉ số thương hiệu thành phố, chỉ số hội nhập kinh tế tổng hợp của khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ số Hội nhập nền kinh tế Bắc Mỹ, chỉ số Hội nhập Wantanabe Kanji, chỉ số phát triển kinh tế bền vững,… Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình liên quan, các chuyên gia xây dựng một mô hình chỉ số riêng phục vụ cho công tác đánh giá năng lực hội nhập kinh tế của các địa phương. Trên thế giới chưa từng có mô hình tương tự.

Các thông số hay trụ cột chính để các địa phương hội nhập và phát triển thành công mà báo cáo này đưa ra gồm 8 nhóm tiêu chí gọi là 8 trụ cột, bao gồm: (1) Thể chế, (2) Cơ sở hạ tầng, (3) Văn hóa, (4) Đặc điểm tự nhiên địa phương, (5) Con người, (6) Thương mại, (7) Đầu tư, (8) Du lịch. Trong đó, mỗi trụ cột gồm một số tiêu chí nhất định phản ánh bản chất, mức độ và quá trình phát triển của trụ cột đó. Mức độ hội nhập đơn giản được đo lường dựa trên cách tiếp cận về dịch chuyển nguồn lực giữa các địa điểm về mặt số lượng, chất lượng, cường độ để thấy được mức độ mạnh hay yếu của việc hội nhập kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, các kết quả nghiên cứu và thông tin mà báo cáo của NCIEC đưa ra lần này là bước tiến quan trọng và tích cực của Việt Nam trong việc xác lập một hệ thống các chỉ số đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các địa phương trong cả nước. Sau 16 năm kể từ ngày Việt Nam bắt đầu hội nhập vào tổ chức khu vực đầu tiên là ASEAN, sau hơn 4 năm Việt Nam gia nhập WTO và triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 của Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khóa X về “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO, đây là thời điểm Chính phủ và các Bộ, ngành và địa phương cần đánh giá lại hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và kết quả của việc xây dựng và triển khai các Chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ, ngành và của các địa phương. Do đó, kết quả của báo cáo có thể là nguồn tham khảo tốt cho các địa phương trong việc đưa ra các lựa chọn chính sách hội nhập và phát triển cho mình trên cơ sở năng lực hiện có. Hơn thế nữa, kết quả nghiên cứu này còn giúp NCIEC có những đánh giá khách quan về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của các địa phương để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và hỗ trợ các địa phương triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh việc xúc tiến thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương, Chương trình BWTO giai đoạn II với sự tài trợ của AusAID và DFID đang hỗ trợ các dự án hội nhập khác của Việt Nam trong các lĩnh vực hội nhập khác như xây dựng thể chế kinh tế thị trường, nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn và xây dựng năng lực điều phối của các cơ quan hoạch định chính sách…./.

Theo NCIEC

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn