Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Hội thảo “Hiệp định TTIP: cách tiếp cận khác nhau của mỗi nước”

Ngày 26/06/2014 tại Trụ sở Ủy ban Châu Âu đã diễn ra Hội thảo “Hiệp định Thương mại và Đầu tư Đối tác xuyên Đại Tây Dương EU – Mỹ (TTIP): cách tiếp cận khác nhau của mỗi nước”.

 

Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương EU – Mỹ (TTIP) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, việc làm và tăng trưởng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đang gặp nhiều chỉ trích từ Mỹ và EU. Mục đích của Hội thảo lần này là nêu bật tình hình đàm phán hiện tại từ các góc nhìn khác nhau của các nước Châu Âu; các vướng mắc gặp phải trong quá trình đàm phán; mối quan hệ giữa Đàm phán thương mại song phương và đa phương…

Quyền Trưởng phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Phần Lan bà Sari Arjoki và Đại sứ Crô-a-ti-a ông Kresimir Kopcic đã phát biểu khai mạc. Trong bài phát biểu, bà Sari Arjoki khẳng định TTIP rất quan trọng đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang sống trong thời khủng hoảng kinh tế trầm trọng, mặc dù đâu đó trên một số nước Châu Âu tốc độ tăng trưởng đang dần trở lại tuy nhiên vẫn ở mức chậm. Việc ký kết TTIP thành công sẽ đóng vai trò cú hích lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt đối với các công ty vừa và nhỏ. Tiến trình và kết quả đàm phán được đưa ra thảo luận công khai, phù hợp với các giá trị dân chủ. Cuối cùng, vận mệnh của TTIP nằm hoàn toàn trong tay lãnh đạo các nước thành viên EU, những người do dân bầu ra. Phía Đại sứ Crô-a-ti-a ông Kresimir Kopcic nêu đánh giá của phía doanh nghiệp cho rằng TTIP sẽ giúp tăng 120 tỷ Euro cho kinh tế Châu Âu và 90 tỷ Euro cho kinh tế Mỹ. Ngoài ra, diễn giả phát biểu tại Hội thảo có: Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Phần Lan Pertti Salolainen, Đại sứ I-ta-li-a, Ru-ma-ni, Mỹ, UK (Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len). Tựu chung, các ý kiến thảo luận nhấn mạnh một số điểm sau:

1.  Dư luận ở Mỹ cho rằng Tổng thống Obama khó có thể xin được thẩm quyền đẩy nhanh đàm phán TTIP trước bầu cử tháng 10/2014 và hạn cuối để kết thúc đàm phán TTIP là trước nhiệm kỳ Tổng thống của Obama kết thúc vào tháng 1/2017. Các liên đoàn thương mại và một số nghị sỹ Mỹ không hoàn toàn hài lòng với tiến trình đàm phán.

2.  Quan điểm của Phần Lan là TTIP phải đi xa hơn các thỏa thuận đạt được trong WTO. Đối với Phần Lan, điều khoản mua bán chính phủ là đặc biệt quan trọng nhưng phía Mỹ khó lòng thỏa hiệp; Phần Lan cũng muốn tất cả các hàng rào thuế quan phải được dỡ bỏ, trong một số các lĩnh vực nhạy cảm, thuế quan có thể được duy trì trong một hạn định thời gian nhất định. Nếu Châu Âu có thể đạt được đồng thuận với Mỹ về vấn đề này, một khuôn khổ chung sẽ được áp dụng với toàn thế giới và đây là một việc rất quan trọng để EU và Mỹ có thể cùng nhau cạnh tranh tốt hơn trên thế giới.

3.  Khẳng định TTIP quan trọng với Châu Âu vì nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến 60% đầu tư ở Châu Âu là từ Mỹ.

4.  I-ta-li-a kỳ vọng đàm phán TTIP sẽ đạt nhiều kết quả khả quan trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Châu Âu sắp tới của I-ta-li-a và có thể kết thúc trước cuối năm 2015.

5.  Ru-ma-ni đặc biệt quan tâm về việc thâm nhập thị trường Mỹ và hạ thấp hàng rào thuế quan, cho rằng chính sách thị trường tự do có lợi cho tất cả. Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, việc ký kết thành công TTIP có thể góp phần cải biến tình hình năng lượng ở Châu Âu, xuất khẩu năng lượng từ Mỹ sang Châu Âu, điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tình hình diễn ra tại Nga và U-crai-na.

6.  Anh đã có quan hệ đối tác thương mại mạnh mẽ đối với Mỹ và EU. Hàng rào thuế quan giữa Anh và Mỹ vốn đã rất thấp, tuy nhiên khối lượng giao thương hai nước lớn, do vậy việc loại bỏ hàng rào thuế quan sẽ mang lại lợi ích lớn. Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nhiều người cho rằng chính sách bảo hộ là khôn ngoan hơn cả. Tuy nhiên, Anh cho rằng đây là cách tiếp cận sai lầm, Châu Âu, Anh và Mỹ cần đóng vai trò lãnh đạo và thiết lập mức độ cho toàn thế giới noi theo.

7.  Mỹ khẳng định lãnh đạo hai phía EU và Mỹ đều có quyết tâm chính trị cao, phía Mỹ kỳ vọng việc ký kết Hiệp định TTIP thành công sẽ mang lại phục hưng xuyên đại tây dương cho hai khối. Để tiến trình đàm phán được thành công, cần phải đưa các chủ thể liên quan tham gia vào. Ở Châu Âu có khá nhiều thảo luận về TTIP, tuy nhiên ở Mỹ, việc này chưa được thực hiện tốt. Người dân còn chưa được biết nhiều thông tin và hoài nghi về lợi ích TTIP sẽ mang lại./.

          

Nguồn: Đại Sứ quán Việt Nam tại Phần Lan.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer