Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

CỘNG HOÀ ĐÔNG U-RU-GOAY VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


I. KHÁI QUÁT:
 - Tên nước: Cộng hoà Đông U-ru-goay
 - Thủ đô: Môn-tê-vi-đê-ô
- Vị trí địa lý: nằm ở vùng Đông Nam Nam Mỹ, phía Bắc và Đông Bắc giáp Bra-xin, Nam giáp sông Bạc (River Plate), Đông và Đông Nam giáp Đại Tây Dương và Tây giáp Ác-hen-ti-na. Địa hình bằng phẳng với nhiều vùng cao nguyên rộng lớn nằm ở độ cao từ 200 m đến 500 m so với mực nước biển.
- Diện tích: 176.220 km2
- Khí hậu: ôn đới, nhiệt độ trung bình từ 12oC đến 25oC.
- Dân số: 3. 431.932 (7/2006)
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (65%),  không theo đạo (27%).
- Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha.
- Tiền tệ: Đồng Pê-xô U-ru-goay; 24,1 pê-xô=1 USD (2006).
- Quốc khánh: 25/8 (Ngày Độc lập: 25/8/1825).
- Tổng thống: Ta-ba-rê Vát-xkết Rô-xát (nhậm chức 01/3/2005).
- Ngoại trưởng: Rây-nan-đô Ga-rơ-ga-nô Ô-xtu-ni (từ 3/2005).

II. LỊCH SỬ:
 Trước khi người Châu Âu xâm chiếm, U-ru-goay là nơi sinh sống của người thổ dân Cha-ru-a.
- Năm 1516, Hoan Đi-at đê Xô-lit (người Tây Ban Nha) phát hiện ra vùng lãnh thổ U-ru-goay hiện nay.
- Năm 1516-1821, U-ru-goay trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha.
- Năm 1821, U-ru-goay bị Bồ Đào Nha sáp nhập vào Bra-xin.
- Sau các cuộc khởi nghĩa 1821, 1823 và 1825, ngày 25/8/1825 U-ru-goay tuyên bố độc lập và liên hiệp với Ác-hen-ti-na. Sau 3 năm chiến tranh với Bra-xin, bằng việc ký Hiệp ước Môn-tê-vi-đê-ô (1828), U-ru-goay trở thành một quốc gia độc lập. Hiến pháp đầu tiên được thông qua năm 1830.
- Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, phong trào vũ trang cánh tả Tu-pa-ma-rôt (Tupamaros) phát triển .
- Năm 1973, giới quân sự thiết lập chế độ độc tài.
- 11/1980, sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, giới quân sự buộc phải để đất nước trở lại chế độ dân sự.
- Năm 1984, tổng tuyển cử được tổ chức, Quốc hội được lập lại, các đảng phái chính trị trở lại hoạt động hợp pháp.
- Năm 1985-1990, Lãnh tụ của Đảng Mầu Hu-li-ô M. San-ghi-ne-ti thắng cử và nhậm chức Tổng thống, tiến hành cải cách kinh tế và củng cố chế độ dân sự ở U-ru-goay.
- Năm 1990-1995, Chính phủ của Tổng thống Lu-it A. La-ca-giê (Đảng Dân tộc) đã tiến hành cải cách mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và tự do hoá thương mại.
- Năm 1991, U-ru-goay đã cùng với Bra-xin, Ac-hen-ti-na và Pa-ra-goay lập Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
- Tại vòng hai cuộc Tổng tuyển cử tháng 10/1999, ứng cử viên Hoóc-hê Bát-giê (Jorge Batlle) của Đảng Mầu liên minh với Đảng Dân tộc, đã giành thắng lợi và nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2000-2005. Chính phủ Hoóc-hê Bát-giê đặt ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường trao đổi thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết các vấn đề liên quan đến những người bị thủ tiêu, mất tích dưới chế độ độc tài quân sự trước đây. đồng thời thông qua một số luật cho phép phi độc quyền hoá các công ty viễn thông và năng lượng quốc gia.
- Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004, ứng cử viên Ta-ba-rê Vát-xkết thuộc Liên minh Mặt trận rộng rãi đã giành đa số phiếu, đắc cử Tổng thống, nhiệm kỳ 2005-2010, chấm dứt 170 năm nắm quyền kiểm soát chính trị của các Đảng Màu và Trắng. 

III. CHÍNH TRỊ:
 Hệ thống chính trị: chế độ Cộng hoà. Tổng thống được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ. Tổng thống chỉ định các thành viên Nội các.
Hệ thống lập pháp: Quốc hội bao gồm 2 viện: Thượng viện có 31 thượng nghị sĩ và Hạ viện có 99 hạ nghị sĩ, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Phó Tổng thống đồng thời là Chủ tịch Quốc hội.
Hệ thống tư pháp: Tòa án Tối cao có 5 thẩm phán. Chính quyền địa phương được bầu trực tiếp.
Các đảng phái chính trị: Đảng Mầu (PC), Đảng Dân tộc(PN), Liên minh Mặt trận rộng rãi-Gặp gỡ tiến bộ (FA-EP), Đảng Xã hội U-ru-goa.

IV. KINH TẾ:
Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 9% GDP, nhưng nông phẩm chiếm hơn 50% hàng xuất khẩu. U-ru-goay đứng đầu Mỹ La tinh và thứ 6 thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Công nghiệp chủ yếu là chế biến nông sản (thịt, sản phẩm da thuộc, len…). Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, U-ru-goay theo mô hình kinh tế tự do mới, giảm được lạm phát và thâm hụt ngân sách, cân đối xuất nhập khẩu. U-ru-goay là một trong những nước có điều kiện và chính sách lao động tự do nhất ở châu Mỹ.
Từ năm 1999, kinh tế U-ru-goay suy thoái, một nguyên nhân lớn là do tác động của việc phá giá tiền tệ của Bra-xin làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá U-ru-goay và ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Ác-hen-ti-na. Tháng 6/2002, chính phủ quyết định thả nổi đồng pê-xô, đồng đô la Mỹ tăng giá 60% so với nội tệ, giúp cho hàng hoá xuất khẩu của U-ru-goay tăng sức cạnh tranh nhưng cũng gây ra đổ vỡ tín dụng, khủng hoảng hệ thống ngân hàng, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và tăng lạm phát từ 4% (2001) lên tới 26% (2002).
U-ru-goay có môi trường đầu tư tốt, hệ thống pháp lý mạnh và thị trường tài chính mở cửa. Chiến lược của chính phủ hiện nay là kích thích tăng trưởng dựa trên việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước bạn hàng truyền thống trong khối MERCOSUR, EU và Bắc Mỹ. Với Châu Á, U-ru-goay có quan hệ thương mại với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a... U-ru-goay xuất hàng truyền thống như thịt bò, lúa gạo, len, cá, da thuộc và đồ da; nhập khẩu máy móc, hoá chất, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, quần áo...

Một số số liệu chính:

                                      2003     2004     2005     2006
Tăng trưởng GDP %         2,2       12,3       6,0       5,0
Lạm phát %                      19        6,5
Dự trữ ngoại tệ (tỷ USD)    5,5
Nợ nước ngoài (tỷ USD)   11,0      11,6      11,2     11,4
FDI (tỷ USD)                     0,4        0,3        0,3 
Xuất khẩu (tỷ  USD)          2,3        3,0         3,5       4,0
Nhập khẩu (tỷ  USD)         2,1        3,0         3,6       4,5
Thất nghiệp  %                16,9       13,1       12,1     10,8
 
- Bạn hàng xuất khẩu chính: Bra-xin 13,5%, Mỹ 23.2%, Ác-hen-ti-na 7,8%, (2005); mặt hàng chính: thịt , len, da, cá, lúa gạo, lông thú.
- Bạn hàng nhập khẩu chính: Ác-hen-ti-na 20,3%, Bra-xin 21,3%, Nga 8%, Mỹ 6,7% (2005); mặt hàng chính: hoá chất, máy móc, nhiên liệu, phương tiện giao thông.
- Các ngành công nghiệp quan trọng nhất: chế biến thịt, len, hàng dệt, thuộc da, đồ uống, thuốc lá, hoá chất, xi măng và lọc dầu.
- Hàng nông nghiệp chính: thịt bò, len, lúa gạo, lúa mì, lúa mạch, ngô.
- Thành viên các thể chế hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế: Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Tổ chức Nông Lương (FAO), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA).

V. ĐỐI NGOẠI:
 U-ru-goay ưu tiên quan hệ với các nước trong khu vực lòng chảo sông La Pla-ta bao gồm Ác-hen-ti-na và Bra-xin, tăng cường khối liên kết Mercosur và đẩy mạnh hợp tác với các nước Mỹ Latinh và các nước đang phát triển. 

VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Việt Nam và U-ru-goay thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 11/08/1993. Đại sứ quán Việt Nam tại Ac-hen-ti-na kiêm nhiệm U-ru-goay và Đại sứ quán U-ru-goay tại Ma-lay-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam.  Đại sứ U-ru-goay tại Ma-lay-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam Pa-blô Xa-đê trình Quốc thư tháng 8/2007.
Chính giới và nhân dân U-ru-goay có cảm tình và ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây cũng như thành tựu xây dựng đất nước hiện nay của Việt Nam. Cuối năm 2005, Việt Nam và U-ru-goay kết thúc đàm phán về việc VN gia nhập WTO. Năm 2007, U-ru-goay ủng hộ ta ứng cử Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2008-2009. Tổng thống U-ru-goay dự kiến thăm chính thức Việt Nam trong tháng 11/2007; hai nước đang trao đổi đi đến ký kết nhân dịp chuyến thăm Hiệp định Hợp tác khung cấp Chính phủ, Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ, Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham khảo giữa hai Bộ Ngoại giao. 
Quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước hầu như chưa có gì, nhưng hai bên có nhiều tiềm năng có thể khai thác, nhất là trong các lĩnh vực mỏ, xây dựng, công nghiệp chế biến nông-thủy sản, xi măng, giấy... Việt Nam có thể xuất khẩu sang U-ru-goay những sản phẩm công nghiệp nhẹ, đồ điện, điện tử gia dụng.
Tháng 9/2007

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer