Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin cơ bản Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vin-na và Quan hệ Việt Nam - Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vin-na


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ BÔ-XNI-A VÀ HÉC-DÊ-GÔ-VI-NA

VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM – BÔ-XNI-A VÀ HÉC-DÊ-GÔ-VI-NA

 

 

I/ Thông tin cơ bản

-   Tên nước: Bô-xnia và Héc-dê-gô-vi-na (Bosnia and Herzegovina)

-   Thủ đô: Xa-rai-ê-vô (Sarajevo; có khoảng 0,45 triệu dân).

-   Quốc khánh: 01/03/1992 (ngày trưng cầu dân ý về nền độc lập).

-   Vị trí địa lý: Ở Đông Nam Âu, trên bán đảo Ban-căng; giáp Crô-a-ti-a ở phía Tây, Bắc và Nam (956 km); giáp Xéc-bi-a ở phía Đông (345 km), giáp Môn-tê-nê-grô (242 km) và biển A-đri-a-tích (26 km bờ biển) ở phía Nam.

-   Diện tích: 51.197 km2

-   Khí hậu: Tuy nằm gần Địa Trung Hải nhưng bị dãy núi Anpo chắn nên có khí hậu lục địa ôn hòa, mùa đông tương đối lạnh.

-   Dân số: 3,862 triệu người; 49% sống ở thành thị. Tỷ lệ tăng dân số: -0,14%. Tuổi thọ trung bình: 76,7 tuổi. Phân bố lao động: nông nghiệp chiếm 20,5%, công nghiệp 32,6%, dịch vụ 47%.

-   Dân tộc: Người Bô-xni-ắc (người Xéc-bi hoặc người Crô-át theo Hồi giáo từ thời kỳ bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ) chiếm 50,1%; người Xéc-bi chiếm 30,8%; người Crô-át chiếm 15,4%.

-   Ngôn ngữ: Tiếng Bô-xni-a (52,9%), tiếng Xéc-bi (30,8%), tiếng Crô-át (14,6%).

-   Tôn giáo: Đạo Hồi (người Bô-xni-ắc) chiếm 50,7% dân số, Cơ đốc giáo chính thống (người Xéc-bi) chiếm 30,7%, đạo Thiên chúa (người Crô-át) 15,2%.

-   Cơ cấu hành chính: Trên cơ sở Hiệp định Đây-tơn, Bô-xni-a và Héc-dê-gô vi-na được chia thành 2 thực thể là Liên bang Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na (tập hợp chủ yếu là người Bô-xni-ắc và người Crô-át) và Cộng hòa Xơ-rơ-pơ-xka (Srpska[1]; chủ yếu là người Xéc-bi), mỗi thực thể có lãnh thổ chiếm khoảng ½ diện tích Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na.

-   Đơn vị tiền tệ: Mác chuyển đổi – BAM (01 USD = 1,81 BAM)

-   GDP: 16,53 tỷ USD, trong đó nông nghiệp chiếm 7,8%, công nghiệp 26,8%, dịch vụ chiếm 65,4%.

-   GDP/đầu người: 11,000 USD.

-   Lãnh đạo chủ chốt:

o       Hội đồng Tổng thống (Council of the Presidency): nhiệm kỳ 4 năm, chức Chủ tịch Hội đồng Tổng thống sẽ luân phiên 8 tháng/lần.

§        Mờ-la-đen I-va-ních (Mladen Ivanic; người Xéc-bi): Chủ tịch Hội đồng Tổng thống – Chairman of the Presidency từ 17/11/2016. Thành viên của Hội đồng Tổng thống từ 17/11/2014.

§        Đờ-ra-gan Cô-vích (Dragan Covic; người Crô-át); thành viên của Hội đồng Tổng thống từ 17/11/2014

§        Ba-kia-rơ I-dét-bê-gô-vích (Bakir Izetbegovic; người Bô-xni-ắc): thành viên Hội đồng Tổng thống từ 10/11/2010).

o       Chủ tịch Thượng viện (Chairman of the House of People): Ô-gơ-ni-en Ta-đích (Ognjen Tadic, từ 15/1/2015).

o       Chủ tịch Hạ viện (Chairman of the House of Representatives): Xê-phíc Dza-phê-rô-víc (Šefik Džaferović, từ 9/12/2016).

o       Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng): Đê-ni-xơ Dờ-vi-dờ-đích (Denis Zvizdic; người Bô-xni-ắc; từ 11/02/2015).

o       Bộ trưởng Ngoại giao: I-go Crơ-na-đắc (Igor Crnadak; từ 31/3/2015).

 

II/ Khái quát lịch sử

Các bộ tộc người Xla-vơ đã di cư từ U-crai-na tới lãnh thổ Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na ngày nay từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX sau Công nguyên (trước đó, lãnh thổ này thuộc đế chế Đông La Mã - Byzantine). Vào đầu thế kỷ XII, Nhà nước sơ khai đầu tiên của Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na được thành lập. Từ giữa thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19, Vương quốc Bô-xni-a bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ. Trong thời kỳ này đã diễn ra quá trình Hồi giáo hóa người Xéc-bi và người Crô-át tại Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na, tạo nên người Bô-xni-ắc (Bosniak). Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1918, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na bị đế quốc Áo-Hung đô hộ. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na nằm trong “Vương quốc của người Xéc-bi, người Crô-át và người Xlô-ven” được thành lập năm 1918 (năm 1929 đổi thành Vương quốc Nam Tư)[2]. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na trở thành một trong 6 nước cộng hòa của Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư[3]. Trong các ngày 18 và 25/11/1990, cuộc bầu cử Quốc hội đa đảng đầu tiên diễn ra tại Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na, Liên minh các đảng của 3 sắc tộc Bô-xni-ắc, Xéc-bi và Crô-át đã thay thế lực lượng Cộng sản lên cầm quyền. Ngày 05/10/1991, Cộng hòa Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na (do người Hồi giáo lãnh đạo) tuyên bố độc lập. Ngày 24/10/1991, các nghị sỹ người Xéc-bi đã bỏ Quốc hội trung tâm tại Xa-rai-ê-vô để lập “Quốc hội của Dân tộc Xéc-bi” khiến Liên minh cầm quyền tan rã. Ngày 09/01/1992, Quốc hội này đã lập ra Cộng hòa Xơ-rơ-pơ-xka nằm trong Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na. Trong các ngày 29/02 và 01/03/1992, các cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Nam Tư đã được tổ chức tại Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na (bị người Xéc-bi tẩy chay). Ngày 03/03/1992, nước này tuyên bố tách khỏi Nam Tư. Mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo sâu sắc giữa cộng đồng người Xéc-bi (Chính thống giáo), người Crô-át (Thiên chúa giáo) và người Bô-xni-ắc (Hồi giáo), cộng với sự hậu thuẫn của Cộng hòa Liên bang Nam Tư[4] dành cho người Xéc-bi và của Cộng hòa Crô-a-ti-a dành cho người Crô-át đã đẩy Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na vào một cuộc nội chiến đẫm máu (1992-1995). Ngày 14/12/1995, Hiệp định hòa bình Đây-tơn được ký kết chính thức tại Ohio (Mỹ) đã chấm dứt chiến tranh và một lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ được đưa vào để duy trì quá trình tái thiết nước này. Tháng 12/2004, EU chính thức thay thế NATO gìn giữ hòa bình tại Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na (EU đang triển khai lực lượng EUFOR gồm 600 cảnh sát tại nước này). Hiện Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na vẫn tiềm ẩn vấn đề sắc tộc và tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ.

 

III/ Thể chế chính trị

1. Hội đồng Tổng thống (Council of the Presidency):

Gồm 3 thành viên, đại diện cho 3 cộng đồng người Bô-xni-ắc, người Crô-át và người Xéc-bi; được từng cộng đồng bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm (không được quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp); chức Chủ tịch Hội đồng Tổng thống được thực hiện theo cơ chế luân phiên 8 tháng/lần.

2. Quốc hội lưỡng viện:

Thượng viện (House of People – Dom Naroda) gồm 15 ghế, mỗi cộng đồng 5 ghế, nhiệm kỳ 4 năm, được bầu từ Hạ viện của Liên bang Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na và Quốc hội của Cộng hoà Xơ-rơ-pơ-xka. Lần bầu cử gần đây nhất là ngày 09/06/2011.

Hạ viện (House of Representatives – Predstavnicki Dom) gồm 42 ghế, được bầu theo danh sách đảng, nhiệm kỳ 4 năm, trong đó Liên bang Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na được 28 ghế, Cộng hoà Xơ-rơ-pơ-xka được 14 ghế. Lần bầu cử gần đây nhất là vào ngày 03/10/2010.

3. Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ): Do Chủ tịch Hội đồng Tổng thống chỉ định và phải được Hạ viện thông qua. Hiệp ước Đây-tơn quy định rằng Chính phủ Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na chỉ có thẩm quyền trong chính sách đối ngoại, ngoại giao và thuế quan, các thẩm quyền còn lại do Chính phủ Liên bang Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na và Chính phủ Cộng hòa Xơ-rơ-pơ-xka nắm giữ. Chính phủ Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na hiện nay là Chính phủ liên minh, được lập ra từ tháng 2/2012, sau khi các đảng phái đạt được thỏa thuận sau khủng hoảng chính trị kéo dài (kể từ cuộc bầu cử ngày 03/10/2010).

4. Văn phòng Đại diện cấp cao: Hiệp ước Đây-tơn còn thiết lập Văn phòng Đại diện cấp cao (Office of High Representative - OHR) để giám sát việc thực thi các khía cạnh dân sự của Hiệp định. OHR có thẩm quyền áp đặt luật pháp và cách chức các quan chức của Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na.

5. Liên bang Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na có Tổng thống, 02 Phó Tổng thống, Quốc hội lưỡng viện và Chính phủ riêng. Thượng viện (House of People) gồm 58 ghế (17 ghế cho người Bô-xni-ắc, 17 ghế cho người Crô-át, 17 ghế cho người Xéc-bi và 7 ghế cho các dân tộc khác); có nhiệm kỳ 4 năm; lần bầu cử gần đây nhất là vào tháng 5/2011. Hạ viện (House of Representatives) gồm 98 ghế; được bầu theo phổ thông đầu phiếu trực tiếp; nhiệm kỳ 4 năm; lần bầu cử gần đây nhất là vào ngày 03/10/2010.

6. Cộng hòa Xơ-rơ-pơ-xka có Tổng thống, Quốc hội một viện (National Assembly) và Chính phủ riêng. Quốc hội gồm 83 ghế, được bầu bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm, lần bầu cử gần đây nhất là vào ngày 03/10/2010. Theo kết quả cải cách Hiến pháp năm 2002, Hội đồng các Dân tộc (COP) gồm 28 thành viên đã được lập ra trong Quốc hội Cộng hòa Xơ-rơ-pơ-xka, trong đó có 8 người Crô-át, 8 người Bô-xni-ắc, 8 người Xéc-bi và 4 người thuộc các dân tộc khác.

 

 

 

IV/ Kinh tế:

Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na là nước chậm phát triển trong Liên bang Nam Tư trước đây. Cuộc chiến tranh Nam Tư đầu những năm 1990 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na (GDP bị giảm 75%, hệ thống hạ tầng cơ sở bị tàn phá). Việc phi tập trung hóa quyền lực về tay chính quyền các thực thể đã làm cho quá trình cải cách và điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trung ương gặp nhiều khó khăn. Thị trường bị chia cắt và sự quan liêu của chính quyền các thực thể cũng làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tư nhân hóa ở đây diễn ra chậm, nhất là tại Liên bang Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na (do sự chia rẽ chính trị giữa các đảng phái sắc tộc), nền kinh tế ngầm chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Bên cạnh đó, do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na luôn phải nhập khẩu lương thực. Trong giai đoạn 1996-2002, nền kinh đã dần phục hồi và giai đoạn 2003-2008 đã tăng trưởng tốt, trung bình 5%/năm (chủ yếu nhờ viện trợ của nước ngoài và sự phát triển của khu vực sở hữu tư nhân). Tháng 9/2007, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na đã tham gia Hiệp định tự do thương mại khu vực Trung Âu. Hệ thống ngân hàng của nước này hiện đa phần do các ngân hàng của Áo và I-ta-li-a kiểm soát. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na sụt giảm 3%, nước này đã nhận được một gói tín dụng hỗ trợ từ IMF nhưng năm 2011, việc giải ngân bị đình chỉ do khủng hoảng chính trị trong nước kéo dài (không có Chính phủ trung ương trong hơn 1 năm). Tháng 10/2012, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na đã ký mới một thỏa thuận tín dụng hỗ trợ với IMF và đã giải ngân được 2 đợt đầu tiên vào các tháng 11 và 12/2012. Hiện nay, kinh tế Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na vẫn còn trì trệ và phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp cao, nhập siêu lớn.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na gồm: lúa mì, ngô, hoa quả, rau, gia súc. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu gồm: thép, than, quặng sắt, kẽm, măng-gan, bô-xít, nhôm, lắp ráp phương tiện vận tải, dệt may, thuốc lá, đồ gỗ, lọc dầu, đồ gia dụng.

Một số số liệu kinh tế năm 2016

-         Tăng trưởng GDP: 3%

-         Lạm phát: 0,2%

-         Thất nghiệp: 28%

-         Thâm hụt ngân sách: 1,8% GDP

-         Nợ công: 46,5% GDP

-         Nợ nước ngoài: 9,77 tỷ USD

-         Dự trữ ngoại tệ và vàng: 4,8 tỷ USD

-         FDI lũy kế: 7,92 tỷ USD

-         Xuất khẩu đạt 3,93 tỷ USD (gồm các mặt hàng như: kim loại, hàng may mặc, đồ gỗ…; các đối tác xuất khẩu chủ yếu là: Xlô-vê-ni-a: 16,6%, I-ta-li-a: 16%, Đức: 12,2%, Crô-a-ti-a: 11,6%, Áo: 11,2%, Thổ Nhĩ kỳ: 5,3% ).

-         Nhập khẩu đạt 7,66 tỷ USD (gồm các mặt hàng như: máy móc thiết bị, hóa chất, nhiên liệu, lương thực thực phẩm…; các đối tác nhập khẩu chủ yếu là: Crô-a-ti-a: 19,3%, Đức: 13,9%, Xlô-vê-ni-a: 13,8%, I-ta-li-a: 10,9%, Áo: 5,7%, Thổ Nhĩ kỳ: 4,5%.  

 

 

 

V/ Quan hệ đối ngoại

Những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na hiện nay là: Duy trì và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Thực hiện đầy đủ Hiệp ước hòa bình Đây-tơn; Hội nhập EU (EU vừa phê chuẩn Hiệp định Ổn định và liên kết SAA đã ký với Bosnia ngày 21/4/2015); Tham gia vào các hoạt động quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Hội đồng Châu Âu, OSCE…

Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na là thành viên của các tổ chức quốc tế: FAO, IAEA, ICAO, ILO, IOC, Interpol, IMF, IPU, ISO, ITU, Phong trào Không liên kết (quan sát viên); Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF (quan sát viên), OSCE, Liên hợp quốc, Hội đồng Châu Âu, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, WHO, WTO (quan sát viên)…

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - BÔ-XNI-A VÀ HÉC-DÊ-GÔ-VI-NA

 

Ngày 26/01/1996, Việt Nam công nhận và lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na. Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na cử Đại sứ thường trú tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Hung-ga-ri kiêm nhiệm Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp bên lề Phiên họp cấp cao Khóa 22 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Thụy Sỹ (2/2013) với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Bạn, đồng thời mời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bạn thăm Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ ta đã đồng ý). Hai bên mong muốn ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (ta đã chuyển dự thảo Hiệp định cho Bạn tháng 6/2012). Cho đến nay, quan hệ chính trị, kinh tế giữa ta và Bạn chưa có gì đáng kể[5]./.

 

                                                                                                                                                                Tháng 7 năm 2017



[1]  Tức là Xéc-bi-a, theo tiếng Xéc-bi.

[2] Liên bang Nam Tư lần thứ nhất.

[3] Liên bang Nam Tư lần thứ hai (đến năm 1963, đổi tên thành CHXHCN Liên bang Nam Tư).

[4] Thành lập tháng 4/1992 (gồm Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô), do Tổng thống Xlô-bô-đan Mi-lô-sê-vích (Slobodan Milosevic) lãnh đạo (Liên bang Nam Tư lần thứ ba).

[5] Trên cơ sở Hiệp định hỗ trợ lãnh sự giữa Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na với Xéc-bi-a. Cộng hòa Xéc-bi-a đã đề nghị ta chấp thuận để Đại sứ quán Xéc-bi-a tại In-đô-nê-xi-a đại diện quyền lợi lãnh sự của các công dân Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na có mặt tại Việt Nam.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer