Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 15 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ GA-NA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM



BỘ NGOẠI GIAO


---o0o---


 


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GA-NA


VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


-----



 


  1. Khái quát:

    - Tên nước: Cộng hòa Ga-na (Republic of Ghana)

    - Thủ đô: A-cra (Accra)

    - Vị trí địa lý: ở Tây Phi, giáp Buốc-ki-na Pha-xô (Burkina Faso) về phía Bắc, Tô-gô (Togo) về phía Đông, Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) về phía Tây và Vịnh Ghi-nê (Guinea) về phía Nam.

    - Diện tích: 239.000 km2.

    - Dân số: 27,4 triệu (2017).

    - Tôn giáo: Thiên Chúa giáo (gần 68%), Hồi giáo (16%), Cổ truyền (16%).

    - Ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh

    - Khí hậu: Nhiệt đới 

    - Đơn vị tiền: Đồng Cedi (1 USD = 4,02 GHS)

    - Ngày quốc khánh: 6/3/1957 

    - Tổng thống: Na-na A-ku-phô A-đô (Nana Akufo Addo, từ 1/2017)

    - Phó Tổng thống: Ma-ha-mu-đu Ba-u-mi-a (Mahamudu Bawumia, từ 1/2017)

    - Bộ trưởng NG và Hội nhập khu vực: Xơ-li Bốt-uây (Shirley Botchway, từ 1/2017)

  2. Lịch sử: 

    - Ga-na là một nước có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ thứ 4, đã ra đời Vương quốc Xa-ra-cô-lơ (Sarakolle) rộng lớn, chạy dài từ bờ biển Đại Tây Dương đến sông Ni-giê (Niger).

    - Năm 1471, thực dân Bồ Đào Nha xâm chiếm và đặt tên là "Bờ Biển Vàng". Năm 1740, Hà Lan thay thế Bồ Đào Nha. Năm 1874, Anh chiếm đóng Bờ Biển Vàng và đến năm 1919 Bờ Biển Vàng chính thức trở thành thuộc địa của Anh.

    - Tháng 2/1957, Anh buộc phải tuyên bố cho Bờ Biển Vàng độc lập trong khối Liên hiệp Anh. Ngày 6/3/1957, Bờ Biển Vàng tuyên bố độc lập và đổi tên là Ga-na. Đây là nước đầu tiên ở Tây Phi (trừ Li-bê-ri-a) trong khối thuộc địa Anh ở châu Phi được độc lập.

    - Ngày 1/7/1960, nước Cộng hoà Ga-na được thành lập do ông Qua-mơ En-cru-ma (Kwame Nkrumah) làm Tổng thống.

    - Giai đoạn trước 1981, Ga-na trải qua nhiều cuộc đảo chính trước khi Trung uý Gie-ri Ro-linh (Jerry Rawlings) lên nắm quyền và cấm các đảng phái chính trị hoạt động.

    - 1992: Hiến pháp mới được thông qua và thiết lập lại chế độ đa đảng. Gie-ri Ro-linh đắc cử Tổng thống hai nhiệm kỳ 1992 và 1996. Sau đó, Giôn Cu-phua (John Kufuor) đắc cử Tổng thống hai nhiệm kỳ 2000 và 2004. Giôn Át-ta Mi-lơ (John Atta Mills) đắc cử Tổng thống vào 2008, đến tháng 7/2012 ông từ trần. Phó Tổng thống Giôn Đra-ma-ni Ma-ha-ma (John Dramani Mahama) lên thay theo Hiến pháp và ông chính thức được bầu làm Tổng thống từ 12/2012. Tại cuộc bầu cử diễn ra cuối năm 2016, cựu BTNG Na-na A-đô (Nana Addo) trúng cử trở thành Tổng thống thứ 15 của Ga-na kể từ  năm 1957.

  3. Chính trị:

    1. Đối nội

      - Ga-na được đánh giá là một trong số ít  nước ở châu Phi tổ chức bầu cử minh bạch và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có nền chính trị ổn định. Tổng thống hiện nay, Giôn Đra-ma-ni Ma-ha-ma, nắm quyền từ tháng 7/2012 sau khi cố Tổng thống Giôn Át-la Mi-lơ (John Atla Mills) qua đời và đắc cử Tổng thống tháng 12/2012.

      - Thể chế: Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm.

      - Đảng phái chính trị lớn: Đảng Nhân dân Truyền thống (CPP), Đảng Quốc hội Dân tộc Dân chủ (NDC), Đảng Người yêu nước mới (NPP).

    2. Đối ngoại

      - Ga-na thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, coi trọng quan hệ với Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản để tranh thủ vốn, kỹ thuật. Ga-na nhận được sự trợ giúp của Mỹ trong khuôn khổ chương trình “đào tạo các chuyên gia quân sự nước ngoài” (IMET), chương trình “trợ giúp trong việc huấn luyện tiến hành các hoạt động chống khủng bố tại châu Phi” (ACOTA).

      - Nhiều nhà ngoại giao và chính trị của Ga-na đã từng giữ những vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế: Cựu Tổng thống Gie-ri Ro-linh (Jerry Rawlings) - Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) (1994 –1996), ông Cô-phi An-nan (Kofi Annan) - Tổng thư ký Liên hợp Quốc (1997-2006) và bà A-qua Cu-ê-ni-e-hia (Akua Kuenyehia) - thẩm phán Tòa án Hình sự Quốc tế (từ 2003).

      - Ga-na hiện là thành viên tích cực của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Phong trào Không liên kết (NAM), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

  4. Kinh tế:

    - Ga-na là nền kinh tế khá phát triển tại khu vực Tây Phi nhờ quản lý nhà nước tốt, môi trường kinh doanh lành mạnh và được đánh giá là nước có quá trình giảm nghèo ổn định. Kinh tế Ga-na phát triển dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm: vàng, gỗ, kim cương, bô-xít, măng-gan, cao su, dầu mỏ, khí đốt. Ngành sản xuất vàng và ca-cao cùng với kiều hối là những ngành mang lại nguồn ngoại hối lớn cho đất nước. Từ giữa tháng 12/2010, ngành sản xuất dầu khí tại Ga-na đã bắt đầu hoạt động và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (mỏ dầu ngoài khơi Jubilee có trữ lượng lên tới 3 tỷ thùng, được kỳ vọng sẽ giúp tăng gấp đôi sản lượng dầu của Ga-na giai đoạn 2014-2017).

    - Ga-na được Liên hợp quốc đánh giá là một trong số nước châu Phi Nam Xa-ha-ra đầu tiên đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo.

    Một số thông tin kinh tế cơ bản (2017) :


  • GDP (PPP): 130,2 tỷ USD

  • Tăng trưởng GDP thực tế: 5,9 %

  • GDP bình quân: 4.600 USD/người


  1. Quan hệ Việt Nam - Ga-na:

    - Quan hệ chính trị: Việt Nam và Ga-na lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1965. Ta mở ĐSQ ở A-cra ngày 5/11/1965 và đóng cửa Sứ quán tháng 6/1966 sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống En-cru-ma. Ga-na mở ĐSQ ở Hà Nội ngày 11/11/1965 và đóng cửa Sứ quán tháng 6/1966 cũng sau sự kiện trên. 

    + Ta và Ga-na có quan hệ tốt. Ga-na ủng hộ ta vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc ECOSOC (1996), Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc khóa 2008-2009, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.


+ Trao đổi đoàn: Bạn thăm ta: Tổng thống Qua-mơ En-cru-ma (Kwame Nkrumah 1966); Bộ trưởng Nghề cá I-sma-en A-si-ti (Ishmael Ashitey 2002); Bộ trưởng Giáo dục trong chương trình thăm quan học tập do Ngân hàng Thế giới tài trợ (2006). Ta thăm bạn: Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ (2008).


- Các văn bản đã ký kết: Bản Ghi nhớ về Hợp tác song phương trong lĩnh vực Nghề cá và Phát triển Lúa gạo (2002).


- Quan hệ kinh tế: Năm 2017, kim ngạch song phương đạt 589 triệu USD, trong đó ta xuất 268,3 triệu USD chủ yếu là gạo (203 triệu USD), sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhập 320,7 triệu USD chủ yếu là hạt điều (271 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép phế liệu.  


+ 6/2014: Dự án nuôi tôm thương mại do Công ty TNHH Ghavie (doanh nghiệp tư nhân do một số người Ga-na và Việt Nam thành lập từ 8/2013) thực hiện. Dự án đã nuôi thành công 200.000 tôm sú và 500.000 tôm thẻ chân trắng địa phương và có khả năng sản xuất 15 triệu tôm non/tháng khi hoạt động đủ công suất. Dự và phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng thống Ghana Giôn Ma-ha-ma cho biết Ga-na mong muốn hợp tác với Việt Nam nhằm phát triển ngành thuỷ sản.


Hiện nay, có khoảng 50 người Việt Nam đang sống và làm việc tại Ga-na, chủ yếu làm ảnh, buôn bán (gạo, gỗ, nông sản…), dự án nuôi tôm Ghavie...


Tháng 12/2018


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer