Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN NƯỚC CỘNG HÒA DIM-BA-BU-Ê VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ DIM-BA-BU-Ê
Tên nước: Cộng hòa Dim-ba-bu-ê (Republic of Zimbabwe)                             
Thủ đô: Harare (Ha-ra-rê)                              
Quốc khánh: 18/04/1980                              
Vị trí địa lý: Dim-ba-bu-ê ở miền Nam châu Phi, phía Bắc giáp Dăm-bi-a (Zambia), phía Đông giáp Mô-dăm-bích (Mozambique), Tây giáp Bốt-xoa-na (Botswana) và Nam giáp Nam Phi.                              
Diện tích: 390.580 km2                              
Khí hậu: cận nhiệt đới, ôn hoà, ít mưa                               
Dân số: 15,3 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: Tiếng Anh                              
Đơn vị tiền tệ: Zimbabwe Bond Note (ZBN) (1 USD = 361.9 ZBN) (không phải tiền tệ mà là chứng chỉ do Ngân hàng Trung ương Dim-ba-bu-ê phát hành và đảm bảo, giá trị được gắn với đồng đô la Mỹ (USD)).
GDP:  18,05 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 1214.51 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên chúa (25%), đạo Cổ truyền (24%), pha trộn 2 tín ngưỡng này (50%).                               
Cơ cấu hành chính: 8 tỉnh và 2 thành phố.                        
Lãnh đạo chủ chốt:                
- Tổng thống: Em-mơ-xơn Mờ-nan-ga-goa (Emmerson Mnangagwa) (từ tháng 11/2017);
- Chủ tịch Quốc hội: Giây-cốp Ma-đen-da (Jacob Madenda) (từ tháng 9/2013, tái đắc cử nhiệm kỳ 2 tháng 7/2018);
- Chủ tịch Thượng viện: Mabel Chinomona (Ma-beo Chi-nô-mô-na) (từ tháng 9/2018);
- Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại quốc tế: Phê-đơ-ríc Sa-va (Frederick Shava) (từ tháng 7/2018).              
II. Khái quát lịch sử
Dim-ba-bu-ê có nghĩa là "toà nhà bằng đá", có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời ở châu Phi. Thế kỷ IV người Venda và các bộ tộc từ cao nguyên và Hồ Lớn đã đến sinh sống bằng nghề chăn nuôi. Thế kỷ VIII, Vương quốc Monomotapa được thành lập trên cơ sở bộ tộc Shona, với nền văn hoá nổi tiếng gồm di tích Đại Dim-ba-bu-ê, đền Ellipse, pháo đài Acroplo, Thác Victoria, đập Kariba. Năm 1895, thực dân Anh đến chiếm đóng và đổi tên vùng lãnh thổ Dim-ba-bu-ê ngày nay thành Rhodesie Nam.
 Năm 1957, ANC được thành lập do J. Nkoma lãnh đạo nhằm đấu tranh giành độc lập. Năm 1961, ANC bị cấm hoạt động và đổi thành ZAPU (Liên minh nhân dân Phi Dim-ba-bu-ê). Năm 1963, ZANU (Liên minh dân tộc Phi Dim-ba-bu-ê) ly khai từ ZAPU do Rô-bớt Mu-ga-bê (Robert Mugabe)  đứng đầu ra đời, chủ trương đấu tranh vũ trang giành độc lập dựa trên nguyên tắc Mác-xít Lê-nin và tư tưởng Mao Trạch Đông, phê phán đường lối của J. Nkomo và ZAPU là ôn hòa. Từ năm 1970, ZAPU tăng cường phát triển lực lượng vũ trang, được Liên Xô, Đông Âu, Cuba giúp đỡ, trang bị, huấn luyện và được Dăm-bi-a và Ăng-gô-la giúp đỡ về hậu cần; trong khi ZANU thiên về hợp tác với Trung Quốc, Triều Tiên và một phần với Cuba.
Năm 1976, ZANU và ZAPU hợp nhất thành Mặt trận Yêu nước Dim-ba-bu-ê và lực lượng ZIPA do một Bộ chỉ huy chung lãnh đạo, chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với bạo lực cách mạng. Tuy vậy, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Dim-ba-bu-ê trải qua nhiều khó khăn phức tạp do nội bộ các phong trào bị chia rẽ. Mỗi bên vẫn giữ quan điểm và lực lượng riêng và thường xảy ra các vụ xung đột.
Từ năm 1975, lần lượt chứng kiến thắng lợi của cách mạng Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích, giúp Dim-ba-bu-ê phá thế bị cô lập và tạo điều kiện cho cách mạng trong nước phát triển. Trước tình hình đó, các nước Mỹ, Anh quyết tâm ngăn chặn làn sóng cách mạng, thay đổi sách lược, chủ trương thành lập “chính quyền đa số người Phi”, chủ động đưa ra nhiều giải pháp thỏa hiệp nhằm duy trì chế độ thực dân mới, bảo vệ lợi ích đang bị uy hiếp. Ngày 21/12/1979, Anh, Mỹ, Dim-ba-bu-ê ký Hiệp định ngừng bắn (21/12/1979) tại London. Tổng tuyển cử đầu tiên tổ chức vào tháng 2/1980. Mặt trận yêu nước giành thắng lợi lớn, chiếm 77/100 ghế ở Quốc hội. Ngày 18/4/1980, Dim-ba-bu-ê tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hoà Dim-ba-bu-ê do Rô-bớt Mu-ga-bê, Chủ tịch đảng ZANU làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Canaan Banana làm Tổng thống. Tuy vậy, do tương quan lực lượng, thắng lợi của cách mạng Dim-ba-bu-ê chưa trọn vẹn. Anh, Mỹ vẫn nắm quyền lợi về kinh tế và vẫn có ảnh hưởng chi phối quyền lực chính trị khi đó. Hiến pháp độc lập của Dim-ba-bu-ê trên thực tế do Anh và Nữ hoàng Anh thông qua.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Dim-ba-bu-ê theo chế độ Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nhánh Hành pháp và là Tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang.
- Cơ cấu nghị viện: hệ thống lưỡng viện, gồm Thượng viện (80 ghế, 60 ghế dành cho 10 đơn vị hành chính, 2 ghế cho người khuyết tật và 18 ghế cho các thủ lĩnh bộ lạc) và Quốc hội (gồm 270 ghế, 210 ghế bầu trực tiếp, 60 ghế dành cho phụ nữ)
- Các Đảng phái chính trị: Có khoảng 16 đảng phái hoạt động tại Dim-ba-bu-ê, các đảng phái chính bao gồm:
+ Liên minh dân tộc Phi Dim-ba-bu-ê-Mặt trận yêu nước (ZANU-PF): Đảng cầm quyền kể từ khi Dim-ba-bu-ê giành độc lập, thành lập năm 1963. Lãnh đạo hiện tại là Tổng thống Emmerson Mnangagwa.
+ Phong trào vì thay đổi dân chủ (MDC) (Liên minh đối lập lớn nhất) do sự kết hợp của 7 đảng đối lập. Lãnh đạo hiện tại là ông Douglas Mwonzora.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Tháng 11/2017, sau một cuộc binh biến mang tính chất đảo chính, dưới sức ép của dân chúng, Đảng ZANU-PF và Quốc hội, Tổng thống Mugabe đã tuyên bố từ chức, chấm dứt 37 năm cầm quyền. Đảng ZANU-PF đã cử Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa vừa bị ông Mugabe sa thải lên làm Tổng thống để điều hành đất nước. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7/2018, ông Emmerson Mnangagwa chính thức được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ 6 năm từ 2018-2026.
2. Kinh tế - Xã hội
- Kinh tế Dim-ba-bu-ê dựa vào trụ cột chính là nông nghiệp (với môi trường khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp trồng nhiều giống cây trồng khác nhau); khai khoáng (Dim-ba-bu-ê có hơn 60 khoáng sản giao dịch trên thế giới như vàng, đồng, sắt, than đá, kim cương, bạch kim, lithium, crôm và nhiều khoáng sản khác); sản xuất chế biến (thực phẩm, đóng gói bao bì, kỹ thuật, đồ uống, xây dựng, nguyên liệu và dụng cụ nông nghiệp, dược phẩm, đồ nội thất, đồ điện, dệt may); du lịch.
+ Cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ 65,8%, Công nghiệp 22,2%, Nông nghiệp 12%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Platinum, vàng, sắt, bông, thuốc lá, hàng may mặc;
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: xăng dầu, máy móc, thực phẩm.
        +  Các đối tác thương mại chính: Nam Phi, Trung Quốc, Mỹ, các nước thuộc khối SADC, các nước thuộc EU, Nhật, Thái.
- Dim-ba-bu-ê xếp thứ 150/189 về chỉ số Phát triển con người (HDI). Tỷ lệ thất nghiệp 7,4% năm 2019. Tỷ lệ biết chữ đạt 89%. Tỷ lệ nhân viên y tế/10000 dân là 1,6.
V. Chính sách đối ngoại
- Dim-ba-bu-ê theo đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, không liên kết, coi trọng quan hệ với các nước khu vực, đặc biệt là các nước miền Nam châu Phi, cân bằng quan hệ với các nước lớn.
- Dim-ba-bu-ê là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, WTO, G77, G15, IMF, Khối Thịnh vượng chung , Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Cộng đồng Kinh tế, Tiền tệ Đông - Nam Phi (COMESA).
Trong khuôn khổ SADC, cùng với Angola, Namibia, Dim-ba-bu-ê tích cực giải quyết tình hình bất ổn tại CHDC Congo bắt nguồn từ xung đột giữa Chính phủ CHDC Congo và nhóm phiến quân M23 và căng thẳng giữa Chính phủ nước này với quốc gia láng giềng Rwanda do Chính phủ CHDC Congo cáo buộc Rwanda hậu thuẫn cho phiến quân M23.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - DIM-BA-BU-Ê
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Dim-ba-bu-ê thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/7/1981.
- Cơ quan đại diện: Việt Nam mở Đại sứ quán tại Harare tháng 3/1986 nhưng đóng cửa tháng 4/1990 do khó khăn kinh tế. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Dim-ba-bu-ê. Đại sứ quán Dim-ba-bu-ê tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Dim-ba-bu-ê: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Dim-ba-bu-ê (1995).
+ Đoàn Dim-ba-bu-ê thăm Việt Nam: Tổng thống R.Mugabe (2001).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
- Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 78,12 triệu USD (năm 2019 đạt 55,9 triệu USD). Ta xuất siêu chủ yếu là nhôm, đồng, gỗ, linh kiện ô tô.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác.
- Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Gần đây, Dim-ba-bu-ê đã ủng hộ ta làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định Thương mại, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học – kỹ thuật (2001- tháng 9/2021 hết hiệu lực).
V. Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Dim-ba-bu-ê
Địa chỉ: 87 Brooks Street, Brooklyn, Pretoria
Mã bưu chính: 13692 Hatfield 0028, South Africa
ÐT: +27 12 362 8119 /8
Fax: +27 12 362 8115
Email: embassy@vietnam.co.za
Đại sứ quán Cộng hòa Dim-ba-bu-ê tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 124, Jalan Sembilan, Taman Ampang Utama, 68000 Ampang, Selangor
ĐT: +60 3 42516779 / 6782
Fax: +60 3 4252 7252
Email:zimkualalumpur@zimfa.gov.zw hoặc zhck@streamxy.com

Tháng 8/2022


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer