Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 15 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Ru-an-đa và Quan hệ với Việt Nam


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA RU-AN-ĐA
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Ru-an-đa (Republic of Rwanda)                              
Thủ đô: Ki-ga-li (Kigali)                              
Quốc khánh: 01/7/1962                               
Vị trí địa lý: nằm ở miền Trung châu Phi, Bắc giáp U-gan-đa, Đông giáp Tan-da-ni-a, Nam giáp Bu-run-đi, Tây giáp CHDC Công-gô.                                                             
Diện tích: 26.338 km2                              
Khí hậu: nóng, hai mùa mưa và khô                              
Dân số: 13,28 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                                
Dân tộc: Người Hutu (80%), Tutsi (19%) và Twa-Pygmoid (1%)
Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Kinyarwanda                              
Đơn vị tiền tệ: Rwanda Franc (1 USD = 1.015 RWF)                              
GDP: 11,07 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
GDP/đầu người: 902 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
Tôn giáo: Thiên chúa giáo 56.5%, Tin lành 26%, Adventist 11.1%, Hồi giáo 4.6%, Tín ngưỡng cổ truyền 0.1%, Không theo tôn giáo 1.7%.                              
Cơ cấu hành chính: 4 tỉnh và thủ đô Ki-ga-li.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Pôn Ka-ga-mê (Paul Kagamé) (từ tháng 3/2000);
+ Thủ tướng: Ê-đu-a Nơ-gi-răng-tơ (Edouard Ngirente) (từ tháng 8/2017);
+ Chủ tịch Thượng viện: I-a-mu-re-my Ô-guýt-xtanh (Iyamuremye Augustin) (từ tháng 10/2019);
+ Chủ tịch Hạ viện: Mu-ca-ba-li-xa Đô-na-tin (Mukabalisa Donatille) (từ tháng 10/2013);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác Quốc tế: Vanh-xăng Bi-ru-ta (Vincent Biruta) (từ tháng 11/2019).                               


II. Khái quát lịch sử
Vào thế kỷ XIII, người Tút-xi (Tutsi) bắt đầu di cư đến Ru-an-đa - nơi người Hu-tu (Hutu) và người Tê-goa (Twa) đã sinh sống ở đó. Cuối thế kỷ XVIII, Vua người Tút-xi Ki-gê-ri Ru-a-bu-gi-ri (Kigeri Rwabugiri) đã thiết lập một nhà nước quân chủ thống nhất.
Năm 1890, Ru-an-đa cùng với Bu-run-đi bị Đức xâm chiếm. Năm 1899, hai nước này bị Đức sát nhập thành thuộc địa Ru-an-đa - Bu-run-đi. Tháng 7/1922, Hội quốc liên đặt Ru-an-đa - Bu-run-đi dưới sự uỷ trị của Bỉ và năm 1946, Liên hợp quốc lại giao Ru-an-đa - Bu-run-đi cho Bỉ uỷ trị.
Trước cuộc đấu tranh của nhân dân, ngày 27/6/1962, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết trao trả độc lập cho Ru-an-đa - Bu-run-đi và tách thành hai nước như cũ. Ngày 1/7/1962, Ru-an-đa tuyên bố độc lập, lấy tên là nước Cộng hoà Ru-an-đa. Tổng thống đầu tiên là Grê-gói Cay-i-ban-đa (Grégoire Kayibanda).
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ru-an-đa theo thể chế cộng hoà tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, nhiệm kỳ 7 năm.
-  Cơ cấu nghị viện: Hiến pháp năm 2003 sửa đổi năm 2015 đã thiết lập chế độ lưỡng viện bao gồm Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện có 80 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm. Thượng viện gồm 26 thành viên, nhiệm kỳ 8 năm.
- Các đảng phái chính trị: Hiện có hơn 20 đảng phái nhưng chỉ 9 đảng trong số đó đang hoạt động, trong đó nổi bật là:
+ Mặt trận Yêu nước Ru-an-đa (FPR): thành lập tháng 12/1987, là Đảng cầm quyền, hiện được lãnh đạo bởi Tổng thống Pôn Ka-ga-mê (từ tháng 02/1998).
+ Đảng Dân chủ Xã hội (PSD): thành lập tháng 7/1991, hiện được lãnh đạo bởi Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác Quốc tế Vanh-xăng Bi-ru-ta.
+ Đảng Tự do (PL): thành lập năm 1991, hiện được lãnh đạo bởi ông Prót-pơ Hi-gi-rô (Prosper Higiro).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Sau nạn diệt chủng người Tutsi năm 1994, vào tháng 7/1994, một Chính phủ đoàn kết dân tộc và Quốc hội chuyển tiếp đã được thành lập gồm Đảng FPR và 7 đảng khác. Tháng 4/2000, Phó Tổng thống Pôn Ka-ga-mê được Quốc hội và Chính phủ cử làm Tổng thống sau khi Tổng thống Pát-tơ Bi-gi-mun-gu (Pasteur Bizimungu) từ chức. Tháng 8/2003 ông chính thức được bầu làm Tổng thống theo thể chế bầu cử đa đảng với số phiếu áp đảo và tái đắc cử năm 2010 và 2017.
Tình hình chính trị xã hội của Ru-an-đa vài năm trở lại đây tương đối ổn định. Chính quyền Tổng thống Pôn Ka-ga-mê quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi hậu quả của nạn diệt chủng, thực hiện hoà giải dân tộc, ổn định an ninh chính trị, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng và xoá đói giảm nghèo, bệnh tật.
2. Kinh tế - Xã hội
- Ru-an-đa từng là một nước nghèo, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chế biến thực phẩm và khai khoáng (thiếc, vàng…). Nạn diệt chủng năm 1994 càng làm suy yếu nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, thời gian gần đây Ru-an-đa đã có những nỗ lực cải cách để bình ổn và phát triển đất nước trong khuôn khổ chương trình “Tầm nhìn 2020” với mục tiêu chính là hiện đại hóa nền nông nghiệp, phát triển khu vực tư nhân và biến Ru-an-đa trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Vùng Hồ Lớn. Theo Ngân hàng Thế giới, Ru-an-đa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,5% giai đoạn 2010-2018, đứng thứ 1 trong bảng xếp hạng về cải cách chính sách và thể chế công tại châu Phi năm 2018. Ru-an-đa đang có tham vọng trở thành “Xinh-ga-po châu Phi” vào năm 2050 và trung tâm công nghệ số châu Phi.
+ Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 30.9%, công nghiệp 17.6%, dịch vụ 51.5%.
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Kê-ni-a, CHDC Công-gô, U-gan-đa, Tan-da-ni-a, UAE …
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Cà phê, chè, quặng thiếc, da…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: thực phẩm, dầu mỏ, máy móc và thiết bị, xi măng, vật liệu xây dựng....
- Xã hội: Ru-an-đa xếp hạng 160/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020, là một trong những quốc gia có thành tích hàng đầu về giáo dục ở khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra. 98% trẻ em đi học tiểu học. Khoảng 73,22% tổng dân số trên 15 tuổi biết chữ. Trong khoảng hơn 15 năm qua, Ru-an-đa đã xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe bao phủ hơn 90% dân số. Người dân nghèo tại Ru-an-đa được hưởng bao hiểm y tế miễn phí.            
3. An ninh-quốc phòng
Trong quan hệ giữa Ru-an-đa với một số quốc gia láng giềng vẫn tồn tại một số bất đồng và căng thẳng, chủ yếu do các cáo buộc ủng hộ các phe phái đối lập hoạt động tại lãnh thổ của nhau (CHDC Công-gô, U-gan-đa) hoặc do vấn đề sắc tộc giữa hai bộ tộc Hu-tu và Tút-xi (Bu-run-đi).
V. Chính sách đối ngoại
Ru-an-đa thực hiện chính sách đa dạng hoá quan hệ, trong đó ưu tiên quan hệ với các nước công nghiệp phát triển nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật.                      Ru-an-đa cũng tích cực tranh thủ các nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tích cực ủng hộ Chương trình Đối tác mới vì sự Phát triển Châu Phi (NEPAD).
Ru-an-đa là thành viên của Liên hợp quốc, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Khối Thịnh vượng chung, Phong trào Không liên kết, FAO, G77, ICAO, IDA, Interpol, UNCTAD, UNESCO, WTO, của Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế Đông Phi (EAC)...
Bà Lu-i Mu-si-goa-ki-bô (Louise Mushiwakibo), Tổng Thư ký Pháp ngữ từ tháng 3/2019 nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao Ru-an-đa.
Ru-an-đa chú trọng nâng cao vai trò và ảnh hưởng của mình, đặc biệt nhờ uy tín của Tổng thống Pôn Ka-ga-mê và tích cực tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình tại châu lục (đóng góp lớn thứ 4 với trên 5.000 binh sĩ, tập trung tại các phái bộ tại CH Trung Phi, Nam Xu-đăng, Xu-đăng).
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - RU-AN-ĐA
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao với: Việt Nam và Ru-an-đa lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1975.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm Ru-an-đa. Đại sứ quán Bạn tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ru-an-đa: Đoàn khảo sát cấp Cục, Vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (24/6/2009 - 5/7/2009).
+ Đoàn Ru-an-đa thăm Việt Nam: Bộ trưởng Ngoại giao An-đrây Bu-ma-ya (Andray Bumaya) (6/2002); Tổng thống Pôn Ka-ga-mê (5/2008), Đoàn Học viện Chỉ huy - Tham mưu Lực lượng Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Ru-an-đa (3/2015), Bộ trưởng Ngoại giao Bà Lu-i Mu-si-goa-ki-bô (8/2018) (và thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Thư ký Pháp ngữ tháng 12/2019 và tháng 3/2022).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước đạt 7,6 triệu USD. Việt Nam nhập chủ yếu quặng, khoáng sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu, xuất sang Ru-an-đa chủ yếu máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Kim ngạch song phương năm 2020 đạt trên 8,3 triệu USD, năm 2019 đạt 11,6 triệu USD.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương
Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Hai nước ủng hộ lẫn nhau cùng vào Hội đồng Kinh tế, Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; Việt Nam ủng hộ bà Lu-i Mu-si-goa-ki-bô, Bộ trưởng Ngoại giao Ru-an-đa làm Tổng thư ký Pháp ngữ tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 17 tại Ác-mê-ni-a, tháng 10/2018; Ru-an-đa ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

IV. Các Hiệp định/Thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung Hợp tác về Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ (6/2002); Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực y tế, Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học và Hiệp định về trao đổi và hợp tác nông nghiệp (5/2008); Hiệp định hợp tác nông nghiệp (2011).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm Ru-an-đa
Địa chỉ: Plot 15 Bongoyo Road, Oysterbay, PO box 9724 Dar es Salaam
ĐT: +255 222 664 535
Fax: +255 222 664 537
Email: vnemb.tz@mofa.gov.vn; vnemb.taz2009@yahoo.com.vn

Đại sứ quán Ru-an-đa tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: No. 30, Xiu Shui Bei Jie, Jian Guo Men Wai, Beijing, China
ĐT: +86 10 6532 2193
Email: ambabeijing@minaffet.gov.rw
Tháng 8/2022

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer