Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 14 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA MÔ-DĂM-BÍCH VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA MÔ-DĂM-BÍCH

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

Text Box:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



I. Khái quát:

  • Tên nước: Cộng hòa Mô-dăm-bích (República de Moçambique).

  • Thủ đô: Ma-pu-tu (Maputo)

  • Vị trí địa lý: nằm ở phía Đông Nam châu Phi, phía Bắc giáp Tan-da-ni-a; Nam giáp Xoa-di-len và Nam Phi; Tây giáp Ma-la-uy, Dăm-bi-a và Zim-ba-bu-ê; Đông giáp Ấn độ Dương.

  • Diện tích: 799.380 km2

  • Dân số: 30 triệu người (2020)

  • Tôn giáo: đạo Thiên Chúa (28,4%), đạo Tin lành (27,7%), đạo Hồi (17,9%)...

  • Ngôn ngữ: tiếng Bồ Đào Nha

  • Đơn vị tiền tệ: Metical

  • Quốc khánh: 25/06/1975, từ Bồ Đào Nha

    II. Lịch sử:

    - Từ thế kỷ 15, Mô-dăm-bích là thuộc địa của Bồ Đào Nha.

    - Ngày 25/6/1962, Mặt trận Giải phóng Mô-dăm-bích (FRELIMO) ra đời, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng. Đảng FRELIMO đã lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Mô-dăm-bích chống thực dân Bồ, góp phần lật đổ chính quyền độc tài Bồ Đào Nha (25/4/1974).

    - Ngày 7/9/1974, Chính quyền mới Bồ Đào Nha ký hiệp định Lu-xa-ca công nhận quyền độc lập của Mô-dăm-bích. Ngày 25/6/1975, Chủ tịch FRELIMO, Xa-mo-ra Ma-sen tuyên bố thành lập nước CHND Mô-dăm-bích (nay là CH Mô-dăm-bích). Liên xô, các nước XHCN tích cực giúp Mô-dăm-bích về quân sự, chính trị và kinh tế. Mỹ, phương Tây, Nam Phi giúp đỡ, huấn luyện lực lượng đối địch RENAMO thành công cụ chống Chủ nghĩa Cộng sản ở Mô-dăm-bích, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, ngăn chặn sự  ủng hộ đối với ANC.

    - Ngày 4/10/1992, với sự chứng kiến của LHQ, Mỹ, Pháp, Bồ Đào Nha, Tổng thống Mô-dăm-bích Giô-a-kim Si-xa-nu và lãnh tụ RENAMO, A-phôn-xu Đờ-la-ca-ma đã ký Hiệp định hoà bình về Mô-dăm-bích quy định ngừng bắn.

    - Tháng 10/1994, Mô-dăm-bích tổ chức tổng tuyển cử đa đảng lần đầu tiên. Ông Giô-a-kim Si-xa-nu đắc cử Tổng thống, Đảng FRELIMO giành được 129/250 ghế đại biểu Quốc hội. Ngày 9/12/1994, Tổng thống Si-xa-nu tuyên thệ nhậm chức và thành lập Chính phủ đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

    - Tháng 10/2014, Mô-dăm-bích tổ chức Tổng tuyển cử. Ông Phi-líp Gia-xin-tu Ni-u-xi, đại diện đảng FRELIMO, Bộ trưởng Quốc phòng đã đắc cử và nhậm chức tháng 01/2015.

    - Ngày 06/8/2019, lãnh tụ 2 Đảng FRELIMO và RENAMO đã ký Hiệp định Hòa bình và Hòa giải Maputo, chấm dứt 44 năm đối đầu.

    III. Chính trị:

    1. Đối nội:  

    - Thế chế chính trị: Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, có nhiệm kỳ 5 năm, không quá 2 nhiệm kỳ. Tổng thống chỉ định Thủ tướng và nội các. Không có Phó Tổng thống và Phó Thủ tướng.

    - Ngày 15/10/2019, Mozambique đã tổ chức Tổng tuyển cử. Đảng FRELIMO và đương kim Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi đã giành thắng lợi với 73% số phiếu bầu cho nhiệm kỳ 2020-2025.

     

    Nội các:

  • Tổng thống: Phi-líp Gia-xin-tu Nhu-xi ( Filipe Jacinto Nyusi), thắng Tổng tuyển cử 10/2014, Tái đắc cử 15/10/2019

  • Thủ tướng: Các-lút A-gốt-xti-nhu đu Rô-da-ri-u (Carlos Agostinho Rosário, 1/2015, tái bổ nhiệm 17/01/2020)

  • Chủ tịch Quốc hội: Ét-xpe-ran-xa Bi-át-xơ (Esperança Bias, 17/01/2020)

  • Bộ trưởng Ngoại giao: Vê-rô-ni-ca Ma-ca-mu (Verónica Macamo, 17/01/2020)

    - Đảng cầm quyền: Mặt trận Giải phóng Mô-dăm-bích (FRELIMO)

    - Các đảng đối lập:      

    + Đảng Phong trào kháng chiến Mô-dăm-bích (RENAMO)

    + Đảng Phong trào dân chủ Mô-dăm-bích (MDM)

    2. Đối ngoại: 

      - Mô-dăm-bích tích cực tham gia giải quyết xung đột, tăng cường hợp tác đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước châu Phi và các nước đang phát triển. Mô-dăm-bích là thành viên tích cực của Liên minh châu Phi (AU), KLK, Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (PALOP), Khối liên hiệp Anh (Commonwealth), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC)... 

      - Gần đây, Mô-dăm-bích đang thực hiện chính sách hướng Đông: tăng cường hợp tác với các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ.

    IV. Kinh tế:

    - Cơ cấu kinh tế của Mô-dăm-bích: nông nghiệp 28,7%, chiếm 70% lao động, công nghiệp 26,9%, dịch vụ 44,7%. Nông sản chính là bông, hạt điều, ngũ cốc, cùi dừa, chè, sắn, mía, lạc... Nền kinh tế nước này còn dựa vào xuất khẩu điện (thủy điện), than đá, khí gas, nhôm, hải sản, cung cấp dịch vụ cảng, đường  giao thông quá cảnh cho các nước láng giềng.

    - Thời gian qua, Chính phủ Mô-dăm-bích tập trung xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy nội lực xây dựng đất nước. Nhờ đó, Mô-dăm-bích đã đạt nhiều thành công trong cải cách kinh tế.

    - Hiện nay, Chính phủ Mô-dăm-bích đang nỗ lực chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Các nguồn đầu tư hiện chủ yếu tập trung khai thác than, khí gas và xây dựng cơ sở hạ tầng.

    - GDP (IMF 2019 - PPP): 40,6 tỷ USD, bình quân 1.303 USD, tăng trưởng 2%.

    + Cơ cấu ngành: nông nghiệp 28,1%, công nghiệp 21,6%, dịch vụ 50,2%.

    + Xuất khẩu chính: nhôm, hạt điều, bông, đường, gỗ…

    + Nhập khẩu chính: chủ yếu là máy móc, phương tiện vận tải, nhiên liệu, hóa chất, lương thực, hàng may mặc.

    V. Quan hệ Việt Nam - Mô-dăm-bích:

    1. Quan hệ chính trị - ngoại giao:

    - Việt Nam và Mô-dăm-bích lập quan hệ ngoại giao 25/6/1975. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, đã từng ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế ở mỗi nước. Ta lập ĐSQ tại Mô-dăm-bích năm 1976 và tạm đóng cửa năm 1990 do khó khăn kinh tế. Tháng 5/2009, ta mở lại ĐSQ. Tháng 10/2007, Mô-dăm-bích lập Văn phòng Lãnh sự danh dự Mô-dăm-bích tại Hà Nội; tháng 8/2011 mở ĐSQ tại Hà Nội.

    - Trao đổi đoàn:

    + Các đoàn Việt Nam: Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1978); Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình dự Hội nghị KLK (1979), Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp (1980), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (3/1995), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (11/2003), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2008), đ/c Trương Tấn Sang UVBCT, Thường trực BBT (7/2009), Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh (6/2011); Thứ trưởng nông nghiệp Diệp Kỉnh Tần (11/2009, 9/2011 và 5/2012), Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Phước (3/2012), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình dự kỷ niệm 50 năm thành lập FRELIMO (6/2012), Phó Trưởng Ban Đối ngoại TW dự Đại hội lần thứ 10 Đại hội Đảng FRELIMO (9/2012), Chủ tịch UBND Tiền Giang thăm tỉnh Ma-pu-tu (11/2012), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (8/2013), Chủ tịch UBND Tiền Giang (6/2015), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tháng 7/2015); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (3/2016); UVBCT Nguyễn Văn Bình (12/2016); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (tháng 3/2017); UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang (tháng 9/2017), UVBCT-Thường trực BBT Trần Quốc Vượng (12/2018); BTr Công an Tô Lâm (12/2019).

    + Các đoàn Mô-dăm-bích: Tổng thống Xa-mo-ra Ma-sen (1984), Tổng Thư ký FRELIMO (7/1996), Bộ trưởng Khoa học công nghệ (9/2005), Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế (8/2006), Tổng thống Ác-man-đu Ghe-bu-da (1/2007), Bộ trưởng Nội vụ (4/2008), Thủ tướng Lu-i-da Đi-ô-gu (6/2008), Bộ trưởng Công thương (12/2008), Bộ trưởng Du lịch (12/2008), Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác (4/2009), Bộ trưởng Nông nghiệp (3/2010), Tổng Thư ký FRELIMO (6/2010), Thủ tướng Ai-rét A-li (9/2010), Bộ trưởng Quốc phòng (3/2011), Thứ trưởng Nội vụ (9/2011), Thứ trưởng Giáo duc – Giám đốc trường Đảng FRELIMO (10/2011); Thứ trưởng Tài chính (11/2011), Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông (102012), Bộ trưởng Nông nghiệp (3/2013), Bộ trưởng Nội vụ (5/2013), Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển (6/2013), Tổng Thư ký Đảng FRELIMO thăm Việt Nam 01-6/8/2013, UV BCT Cựu Bộ trưởng Quốc phòng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 10/2013, Thứ trưởng Ngoại giao Ba-xi-ao Cô-lô-ma (6/2014-họp UBHH 3), Bộ trưởng Giáo dục Giôn Au-gút-xtu (6/2014), Bộ trưởng GTVT (5/2016), Bộ trưởng Nội vụ (11/2016), Thủ tướng Mô-dăm-bích (tháng 7/2017), Tổng Chưởng lý (tháng 8/2018), cựu Tổng thống Armando Emilio Guebuza viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang (9/2018);

    - Thỏa thuận hợp tác đã kí:

    Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học công nghệ (2003); Hiệp định Thương mại (2003);  Nghị định thư về hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao (2003); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (1/2007); Hiệp định hợp tác nông nghiệp (2007); Hiệp định hợp tác y tế (2007); Hiệp định hợp tác Khoa học ký thuật  và kinh tế trong lĩnh vực Nông nghiệp (2007); Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản (2007); Hiệp định hợp tác giáo dục (2008); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (2008); Nghị định thư thành lập UBLCP về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghệ (2008); Nghị định thư về hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (2008); Biên bản kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Liên chính phủ (2009); Hiệp định tránh đánh thuế song trùng và gian lận thuế (2010); Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm (2011); Biên bản ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng (2011); Biên bản kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Liên chính phủ (2011), Hiệp định giữa 2 Chính phủ về hợp tác nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm tại Mô-dăm-bích giai đoạn 2013-2017 (3/2014); Bản ghi nhớ về Hợp tác ngân hàng (4/2014); Biên bản kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ (6/2014), Nghị định thư hợp tác giáo dục (6/2014) và phụ lục (3/2016); Bản ghi nhớ hợp tác giữa VCCI và Liên đoàn doanh nghiệp Mô-dăm-bích (3/2016); Bản ghi nhớ về hợp tác bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã; Hiệp định vận tải hàng không (ký tắt) (tháng 7/2017); Hiệp định dẫn độ (12/2019); Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù (12/2019).

    - Cơ chế hợp tác:

    + Ủy ban liên Chính phủ: Thành lập năm 2008, họp lần 1 tháng 3/2009 tại Hà Nội, đang chuẩn bị cho họp lần 4 tại Mô-dăm-bích nhưng bạn chưa thu xếp tổ chức được. Đồng chủ tịch phân ban phía Việt Nam do Bộ Nông nghiệp chủ trì và phía Mô-dăm-bích là Bộ Kế hoạch và Phát triển (lần 1) và Bộ Ngoại giao (lần 2-3).

    + Tham vấn chính trị giữa 2 Bộ Ngoại giao họp phiên đầu tiên tháng 7/2017 tại Hà Nội.

    2. Quan hệ kinh tế:

    - Thương mại: Từ năm 2006 đến năm 2010, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam – Mô-dăm-bích tăng hơn 3 lần (từ 13,83 lên 45,35 triệu USD). Trao đổi thương mại tăng đều, đến năm 2014 có dấu hiệu giảm sút do Mô-dăm-bích giảm nhập khẩu gạo, clanke, dây điện và dây cáp điện từ Việt Nam. Năm 2019, kinh ngạch thương mại hai chiều đạt 161,96 triệu USD trong đó ta xuất hơn 63 triệu USD  các mặt hàng gạo, dệt may, phương tiện vận tải... và nhập hơn 98 triệu USD chủ yếu là điều, than, thức ăn gia súc...

    - Đầu tư: Hiện Việt Nam có tập đoàn Viettel và Hapro đang đầu tư tại Mô-dăm bích.

    Công ty Movitel (liên doanh giữa Viettel và SPI với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong đó Viettel đóng góp 70%) khai trương mạng di động tháng 5/2012 đến nay đã trở thành mạng viễn thông có nhiều thuê bao và phủ sóng rộng nhất Mô-dăm-bích.

    3. Các lĩnh vực khác:

    Ngoài ra, Việt Nam và Mozambique có nhiều hợp tác trên các lĩnh vực: trao đổi chuyên gia giáo dục và y tế, nông nghiệp, giáo dục,an ninh, quốc phòng.

    4. Cộng đồng người Việt ở Mô-dăm-bích: Số lượng người Việt Nam tại Mô-dăm-bích tăng nhanh trong những năm qua từ 60 người (2009) lên 500 (2013) và hiện dao động trong khoảng 300 người phân bổ trên 11 tỉnh thành của Mô-dăm-bích.

    Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique

    1026-1048, Av. Francisco Orlando Magumbwe, Maputo

    Đt: +258 21 497 912   Fax: +258 21 491 992

    Mobile: +258 861 331 686 / 870 291 945

    Email: dsqvn@mofa.gov.vn

     

    Đại sứ quán Mozambique tại Hà Nội

    Tòa nhà D1, 298 Kim Mã Hà Nội

    Đt: +844 62684888 Fax: +844 62694999

     

     

    Tháng 8/2020

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer