Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ năm, ngày 16 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HOÀ GHI-NÊ BÍT-XAO VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


TÀI LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HOÀ GHI-NÊ BÍT-XAO
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
-------------

       
1. Khái quát:
       - Tên nước: Cộng hòa Ghi-nê Bít-xao (Republica de Guinea Bissau)
       - Thủ đô: Bít-xao (Bissau)
       - Vị trí địa lý: Cộng hoà Ghi-nê Bít-xao là một nước nhỏ ở Tây Phi, nằm trên bờ Đại Tây Dương, có biên giới chung với Xê-nê-gan và Ghi-nê xích đạo.
       - Diện tích: 36.120 km2  
       - Dân số: 1,533,964 người 07/2009)
       - Tôn giáo: Hồi giáo (50%), Tín ngưỡng cổ truyền (45%), Thiên chúa giáo (5%)
       - Ngôn ngữ: tiếng Bồ Đào Nha
       - Tiền tệ: Đồng franc CFA
      - Quốc khánh (ngày độc lập): 24/9/1973
       - Tổng thống: Ma-lam Ba-cai Xan-nha (Malam Bacai Sanha) (từ 7/2009)
       - Thủ tướng: Các-lốt Gô-mét Giu-ni-ô (Carlos Gomes Junior) (từ 25/12/2008)
       - Chủ tịch Quốc hội: Ma-nu-en Sê-ri-phô Nha-ma-đi-ô (Manuel Serifo Nhamadjo) (từ 3/2009)
       - Bộ trưởng Ngoại giao, HTQT và Hải ngoại: A-đê-li-nô Ma-nô Kê-ta (Adelino Mano Queta) (từ 2009)

II. Lịch sử:
       - Trước đây Ghi-nê Bít-xao thực hiện chế độ độc đảng (Đảng người Phi vì Độc lập của Ghi-nê Bít-xao và Cáp-ve - PAIGC) chủ trương xây dựng một đất nước trên nền dân chủ dân tộc cách mạng.
       - Tháng 1/1991, PAIGC họp Đại hội bất thường, chủ trương thực hiện chế độ đa đảng. Tháng 5/1991 Quốc hội thông qua luật đa đảng. Năm 1994 ông Vieira giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên của Ghi-nê Bít-xao. Năm 1999, Tướng Ansumane Mane làm đảo chính quân sự lật Vieira và đất nước rơi vào nội chiến. Năm 2000, Koumba Yala giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tuy nhiên sau đó đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào tháng 9/2003. Ngay sau đó, các lực lượng quân sự và lãnh đạo chính trị đã ký kết thoả thuận thành lập một chính phủ dân sự lâm thời và sau đó tiến hành bầu cử quốc hội và bầu tổng thống mới. Tháng 7/2005, cựu tổng thống Vieira đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử trước cựu tổng thống Malam Bacai Sanha tại vòng hai.
       - Mặc dù việc chuyển tiếp chính phủ diễn ra hoà bình nhưng tình hình chính trị ở Ghi-nê Bít-xao vẫn phức tạp. Ông Malam Bacai Sanha phản đối kết quả bầu cử. Ngày 9/4/2007, Tổng thống Vieira bổ nhiệm ông Martinho N’Data Cabi làm thủ tướng và nội các mới được thành lập bao gồm liên minh các đảng phái chính trị.
- Ngày 16/11/2008 dưới sự tài trợ của quốc tế (chủ yếu là EU), Ghi-nê Bít-xao đã tiến hành cuộc bầu cử quốc hội. Cuộc bầu cử đã diễn ra hoà bình và công bằng, Đảng cầm quyền PAIGC thắng cử, với 67/100 ghế tại quốc hội, tăng thêm 22 ghế.
          - Ngày 2/3/2009, Tổng thống Vieira và Tổng Tư lệnh quân đội Na Wai bị ám sát, Chủ tịch Quốc hội Ghi-nê Bít-xao nhậm chức quyền Tổng thống.
          - Tháng 07/2009, Ghi-nê Bít-xao tổ chức bầu cử tổng thống với thắng lợi thuộc về cựu Tổng thống Malam Bacai Sanha thuộc Đảng cầm quyền Người Phi vì Độc lập của Ghi-nê Bít-xao và Cáp-ve (PAIGC) với 63% số phiếu ủng hộ.
   
III. Chính trị:
   1. Đối nội:
          - Thể chế: đa đảng
          - Hình thái: Cộng hòa Tổng thống
         - Các Đảng chính:
             + Đảng người Phi vì Độc lập của Ghi-nê Bít-xao và Cáp-ve (PAIGC – Đảng cầm quyền).
             + Đảng cải cách xã hội (PRS).
   2. Đối ngoại:   
          - Ghi-nê Bít-xao thực hiện chính sách đối ngoại không liên kết, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhiều nước và tổ chức quốc tế như: Pháp, Tây Ban Nha, Angola...
- Ghi-nê Bít-xao là thành viên LHQ, phong trào KLK, khối Pháp ngữ, AU, ECOWAS, WTO, FAO, G-77, Interpol, UNCTAD, UNESCO, WHO…

IV. Kinh tế:
       - Ghi-nê Bít-xao là một nước nghèo. Tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là bô-xít, phốt phát, sắt, gỗ, hải sản. Ghi-nê Bít-xao đã phát hiện ra dầu lửa ở thềm lục địa nhưng chưa khai thác.
       - Ghi-nê Bít-xao là nước sớm thực hiện cải cách kinh tế bằng kế hoạch 3 năm (1983-1985) về chuyển nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Năm 1986, Đại hội 4 của Đảng cầm quyền đã ra nghị quyết về đẩy nhanh quá trình cải cách kinh tế, chuyển mạnh quá trình tư nhân hoá, kể cả về ngoại thương. Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng giá cho những người sản xuất nông nghiệp và tiến hành tự do thương mại. Hiện nay nhà nước chỉ quản lý về mặt luật pháp và thuế.    
       - Xuất khẩu chủ yếu là hạt điều (sản xuất điều đứng thứ 6 thế giới), cá, hải sản, lạc, gỗ. Bạn hàng chủ yếu là: Ấn Độ, Nigeria, Hàn Quốc.
       - Nhập khẩu chủ yếu là thực phẩm, thiết bị máy móc và vận tải, sản phẩm dầu lửa. Bạn hàng chính là Bồ đào nha, Xê-nê-gan, Pháp, Pa-kít-xtăng.
    
 GDP thực tế:                   825 triệu USD (2010)
         GDP đầu người thực tế: 518 USD (2010)
         Tỷ lệ tăng trưởng GDP:  1,8% (2010)
                            (Theo CIA)
        
V. Quan hệ với Việt Nam:
   1. Quan hệ chính trị, kinh tế:   
      -  Hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1973.
      - Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước năm 2010 đạt 7,5 triệu USD trong đó chủ yếu là ta nhập: hạt điều, sắt thép phế liệu.
   2. Trao đổi đoàn:
      + Các đoàn Việt Nam: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (9/1978);  Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (4/1994), hai bên ra thông cáo chung, ký Hiệp định hợp tác văn hoá, kinh tế, khoa học kỹ thuật và thương mại; thoả thuận thành lập Uỷ ban về hợp tác.
      + Các đoàn Ghi-nê Bít-xao: ông V. Cabral, Uỷ viên Ban chấp hành PAIGC, Bộ trưởng Phối hợp và Kế hoạch (1/9/1979).
   3. Các văn bản ký kết: đầu năm 2009, phía Ghi-nê Bít-xao đề nghị đàm phán Hiệp định Thương mại song phương với ta và dự kiến sẽ sớm cử đoàn sang để ký Hiệp định.
   4. Thông tin cơ quan đại diện: ĐSQ VN tại Angola kiêm nhiệm Ghi-nê Bít-xao. ĐSQ Ghi-nê Bít-xao tại Bắc Kinh kiêm nhiệm VN.


                          

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer