Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 15 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản về nước Cộng hòa Ghi-nê (Ghi-nê Cô-na-cơ-ri) và quan hệ với Việt Nam


TÀI LIỆU CƠ BẢN
VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GHI-NÊ (GHI-NÊ CÔ-NA-CƠ-RI)
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
 

1. Khái quát

•    Tên nước : Cộng hòa Ghi-nê (Republic of Guinea)
•    Thủ đô: Cô-na-cơ-ri (Conakry)
•    Vị trí địa lý : Cộng hoà Ghi-nê nằm ở Tây Phi trên bờ Đại Tây Dương, có biên giới chung với Ghi-nê Bít-xao (Guinea Bissau) , Xê-nê-gan (Senegal), Ma-li (Mali), Xi-ê-ra Lê-ôn (Sierra Leone), Bờ Biển Ngà (Ivory Coast) và Li-bê-ri-a (Liberia).
•    Diện tích: 245.857 km2
•    Dân số: 11,1 triệu người (2012)
•    Tôn giáo: Hồi giáo 85%, còn lại theo đạo cổ truyền và Cơ Đốc giáo.
•    Ngôn ngữ: Tiếng Pháp
•    Đơn vị tiền tệ: France Guinée.
•    Quốc khánh: 2/10/1958
•    Tổng thống: An-pha Côn-đê (Anpha Conde) (từ 12/2010)
•    Thủ tướng: Mô-ha-mét Phô-phan (Mohamed Said Fofana) (từ 12/2010)
•    Bộ trưởng Hợp tác quốc tế: Cu-tu-bu Mút-xta-pha Xa-nô (Koutoubou Moustapha Sano)

2. Lịch sử

- Từ đầu thế kỷ 19 trở về trước, Ghi-nê là 1 bộ phận của một quốc gia rộng lớn bao gồm cả 1 phần Ma-li và Bờ Biển Ngà hiện nay. Năm 1886 Pháp bắt đầu đánh chiếm Ghi-nê. Nhân dân Ghi-nê dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Samori Touré đã chiến đấu chống lại thực dân Pháp trong nhiều năm. Năm 1898 thủ lĩnh Samori Touré bị bắt và tới năm 1905 Pháp chiếm hoàn toàn Ghi-nê và đặt Ghi-nê trong khối Tây Phi thuộc Pháp. Sau khi Pháp chiếm Ghi-nê, nhân dân Ghi-nê đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống ách thống trị của Pháp. Nổi bật nhất là các cuộc khởi nghĩa của nhân dân vùng Fouta.

- Năm 1947, Đảng Dân chủ Ghi-nê (PDG) được thành lập do Sékou Touré lãnh đạo. Đảng Dân chủ Ghi-nê nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị quan trọng chống lại chế độ thực dân Pháp. Nhằm giữ thuộc địa sau thất bại ở Đông dương, chính quyền Pháp chủ trương thành lập "Cộng đồng Pháp" ở châu Phi. Ngày 28/9/1958, dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Ghi-nê, nhân dân Ghi-nê đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch lập Cộng đồng Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Ghi-nê do chính quyền Pháp tổ chức.

- Ngày 2/10/1958, Ghi-nê tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hoà Ghi-nê do Sékou Touré làm Tổng thống. Chính quyền của Tổng thống Sékou Touré theo đuổi chính sách độc lập dân tộc, ủng hộ các phong trào giải phóng châu Phi.

- Từ năm 1978, Cộng hoà Ghi-nê đổi tên thành Cộng hoà Nhân dân Cách mạng Ghi-nê. Năm 1982, Ghi-nê bình thường hoá quan hệ với Pháp, bắt đầu hợp tác kinh tế và dần dần có quan hệ gắn bó với Mỹ và phương Tây.

- Tháng 4/1984, sau khi Tổng thống Sékou Touré chết, lực lượng quân sự do Đại tá Lansana Conté đứng đầu  tiến hành đảo chính và lên cầm quyền, đổi tên nước thành Cộng hoà Ghi-nê. Tổng thống Lansana Conté đứng đầu đã tuyên bố thực hiện đường lối phát triển đất nước theo hướng tự do hoá kinh tế (1985), đa dạng hoá quan hệ với các nước, xây dựng hiến pháp mới theo chế độ đa đảng (1990).

- Tổng thống Lasana Conte tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống các năm 1993, 1998 và 2003.

- Năm 2006 và đầu năm 2007, tình hình kinh tế chính trị Ghi-nê bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các cuộc tổng đình công của các nghiệp đoàn phản đối Chính phủ quản lý yếu kém, đòi Tổng thống Lansana Conté phải từ chức (do vấn đề sức khỏe) và bổ nhiệm một vị Thủ tướng.

- Ngày 22/12/2008, Tổng thống La-sa-na Côn-tê qua đời. Một nhóm lực lượng quân đội đã tiến hành đảo chính giành chính quyền. Lãnh đạo nhóm đảo chính là Đại tá Moussa Dadis Camara tuyên bố là Tổng thống mới của Ghi-nê và thành lập chính phủ mới.

- Ngày 15/02/2010, chính phủ chuyển tiếp được thành lập trong đó chính trị gia đối lập kỳ cựu Jean-Marie Dore giữ chức Thủ tướng. Ghi-nê đã tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 27/6/2010 nhằm thay thế chính quyền quân sự.

- Ngày 03/12/2010, ông An-pha Côn-đê của đảng Tập hợp Nhân dân (RPG) đắc cử Tổng thống, trở thành Tổng thống thứ 5 của Ghi-nê. Tháng 7/2011, một nhóm quân nhân nổi loạn tiến hành ám sát Tổng thống nhưng bất thành. Tháng 10/2012, Tổng thống An-pha Côn-đê cải tổ nội các, lần đầu tiên CH Ghi-nê có một chính phủ hoàn toàn dân sự.

- Tháng 1/2014, Tổng thống An-pha Côn-đê cải tổ nội các, bổ nhiệm 34 thành viên nội các mới.
   
3. Chính trị

a) Đối nội

- Ghi-nê theo thể chế Cộng hòa Tổng thống

- Tổng thống được tranh cử nhiều lần. Kể từ năm 2003, nhiệm kỳ của Tổng thống kéo dài 7 năm.

- Năm 1992, Ghi-nê thực hiện chế độ đa đảng. Hiện nay ở Ghi-nê có hơn 40 đảng phái, trong đó có các đảng chính:

Đảng Tập hợp Nhân dân (RPG)
Đảng Thống nhất và Tiến bộ (PUP)
Liên minh Tiến bộ và Đổi mới (UPR)
Liên minh vì tiến bộ của Guinée (UPR)
Liên minh vì Nhân dân của Guinée (UPG)
Đảng Nhân dân Guinée (PPG)

b) Đối ngoại
- Trong những năm 60, 70 Ghi-nê là một trong những nước cách mạng tiến bộ nhất châu Phi. Chính quyền của Tổng thống Sékou Touré thực hiện chính sách đối ngoại tích cực chống thực dân, đế quốc, quan hệ hữu nghị với các nước châu Phi tiến bộ và xã hội chủ nghĩa nên Ghi-nê có uy tín lớn ở châu Phi và trên thế giới. Những năm 80, do khó khăn về kinh tế, phải dựa vào viện trợ của phương Tây, Mỹ và các nước A-rập thân Mỹ, chính quyền Sékou Touré ngày càng có chiều hướng ngả sang Mỹ và phương Tây. Sau khi Tổng thống Lassana Conté lên cầm quyền, Ghi-nê tuyên bố tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại Không liên kết nhưng thực chất thân phương Tây và đối với các vấn đề quốc tế lớn Ghi-nê thường tránh bày tỏ lập trường.

- Ghi-nê là thành viên của KLK, UN, AU, Francophonie, IMF, WB...

4. Kinh tế

- Năm 1985, Ghi-nê thực hiện cải cách kinh tế theo hướng đẩy mạnh quá trình tư nhân hoá và chuyển sang cơ cấu kinh tế thị trường, nhà nước chỉ quản lý các ngành kinh tế lớn như năng lượng, viễn thông, khai khoáng.

- Hiện Ghi-nê đang cố gắng kêu gọi hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và các nước tài trợ...

- Nông nghiệp: Ghi-nê có khoảng 9 triệu ha đất trồng trọt ít chịu ảnh hưởng của sa mạc hoá, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Sản phẩm chính có cà phê, chuối, lúa, ngô, dứa... Do chính sách nông nghiệp không kích thích được sản xuất, nên sản xuất nông nghiệp của Guinée kém phát triển. Hàng năm Ghi-nê phải nhập khẩu từ 150.000 đến 200.000 tấn gạo/năm.

- Công nghiệp: Ghi-nê là nước giàu tài nguyên khoáng sản. Ghi-nê có trữ lượng bauxite 18 tỉ tấn (chiếm 1/2 trữ lượng thế giới, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất bauxite), sắt 13 tỉ tấn, kim cương 5 triệu carats ... Khai thác bô xít là ngành công nghiệp chính của Ghi-nê, sản xuất 12 triệu tấn/năm, ngoài ra còn khai thác vàng, kim cương. Ngành khai thác mỏ chiếm 70% giá trị xuất khẩu của Ghi-nê.

- GDP: 5,6 tỷ USD (2012)
- GDP bình quân (tính theo sức mua): 1.100 USD (2012)
- Tăng trưởng GDP: 3,9 % (2012)
- Xuất khẩu: 1,4 tỷ USD (2012), chủ yếu là vàng, kim cương, bô-xít, cà phê
- Nhập khẩu: 2,6 tỷ USD (2012), chủ yếu là thiết bị, máy móc, thực phẩm, dầu lửa.
- Nợ nước ngoài: 2,5 tỷ USD (2012)
- Lạm phát: 15,2 % (2012)
- Thâm hụt ngân sách: 2% GDP (2012)
(Theo CIA.gov)

5. Quan hệ Việt Nam – Ghi-nê

- Ghi-nê là nước dân tộc chủ nghĩa đầu tiên ở châu Phi có quan hệ ngoại giao với VN (9/10/1958), tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta. Ta lập ĐSQ thường trú ở Côn-na-cri năm 1960, đến tháng 12/1986 do khó khăn về tài chính nên ta rút ĐSQ. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Marốc kiêm nhiệm CH Ghi-nê; Đại sứ quán Ghi-nê tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.

- Ghi-nê rất quan tâm đến mô hình hợp tác ba bên với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục. Ta đã cử nhiều chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp sang giúp Ghi-nê trước năm 1970. Giai đoạn 1 dự án 3 bên về hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Ghi-nê – Nam Phi được các bên liên quan đánh giá cao (2009-2011). Hiện nay ta có 14 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp đang làm việc tại Ghi-nê theo giai đoạn 2 dự án này (2012 - 2014).

- Tháng 5/2012, Tổng thống CH Ghi-nê dự định trên đường về nước sau chuyến thăm Hàn quốc và Campuchia sẽ dừng chân tại Tp. Hồ Chí Minh và mong muốn gặp gỡ một số doanh nghiệp Việt Nam tại đây. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng ý cử Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức đón và chiêu đãi đoàn, một lãnh đạo Bộ Ngoại giao chào Tổng thống CH Ghi-nê. Tuy nhiên, sau đó do bạn thay đổi đường bay, chuyến ghé thăm này không thực hiện được.

- Ghi-nê có nhu cầu lớn nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam như gạo, vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch lát, xi măng, máy nông nghiệp. Kim ngạch thương mại hai nước 3 năm gần đây tăng mạnh: 42,22 triệu USD (2009); 54,8 triệu USD (2010); 108 triệu USD (2011); 56 triệu USD (2012). Ta xuất chủ yếu là gạo, giày dép các loại, mỳ ăn liền, sản phẩm dệt may, mây tre, cói và thảm, sản phẩm gốm sứ, nguyên phụ liệu thuốc lá, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp và phụ tùng... và nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, các sản phẩm hóa chất.

Các đoàn thăm song phương: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1994); Tổng thống Sekou Toure (1960); Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ (2006), Bộ trưởng Công thương (4/2013).

Các văn bản đã ký kết: Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại, thoả thuận thành lập Uỷ ban về hợp tác giữa hai nước (1978), MOU về thương mại gạo (2013).

6. Cơ quan đại diện ngoại giao kiêm nhiệm mỗi nước

Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc (kiêm nhiệm Guinea)
Địa chỉ: Số 27 Phố Mezzouda, Souissi – Rabat, Vương quốc Ma rốc
Điện thoạii: + (212) 537 65 92 56
Email : vnambassade@yahoo.com.vn

Đại sứ quán Guinea tại Bắc Kinh (kiêm nhiệm Việt Nam)
Địa chỉ: No 2 Xi Liu Jie, San Li Tun
Điện thoại: +86 10 65323649/65325876
Fax: + 86 10 65324957


                                             Tháng 4/2014






 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer