Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ năm, ngày 16 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GA-BÔNG VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GA-BÔNG
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Ga-bông (Gabonese Republic)                              
Thủ đô: Li-brơ-vin (Libreville)                              
Quốc khánh: 17/8/1960                              
Vị trí địa lý: Nằm ở phía Tây trung Phi, Bắc giáp Ghi-nê Xích đạo, Tây và Nam giáp với Cộng hòa Công-gô.                              
Diện tích: 267.667 km2                              
Khí hậu: Nhiệt đới, nóng ẩm.                              
Dân số: 1,28 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới) 
Dân tộc: Bộ tộc Ban-tu, người châu Phi và người châu Âu.                           
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp                              
Đơn vị tiền tệ: Franc CFA Trung Phi (1 USD = 630 XAF)                              
GDP: 18,26 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
GDP/đầu người: 6.759 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
Tôn giáo: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo                              
Cơ cấu hành chính: 09 tỉnh, thành phố.                           
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: A-li Bông-gô Ôn-đim-ba (Ali Bongo Ondimba) (từ tháng 10/2009);
+ Thủ tướng: Rô-dơ Cơ-rít-ti-an U-xu-ca Ra-pon-da (Rose Christiane Oussouka Raponda) (từ tháng 7/2020);
+ Chủ tịch Thượng viện: Lu-xi Mi-le-bô Au-bu-sông (Lucie Milebou Aubusson) (từ tháng 02/2015);
+ Chủ tịch Quốc hội: Phau-xtin Bô-kô-bi (Faustin Boukoubi) (từ tháng 01/2019);
+ Bộ trưởng Ngoại giao: Mi-xa-en Mút-xa A-đa-mô (Michael Moussa Adamo) (từ tháng 3/2022).                              
II. Khái quát lịch sử
Cuối thế kỷ 15, những thương nhân và thám hiểm người Bồ Đào Nha là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến đất Vương quốc Lô-an-gô (Loango), đặt tên cho khu vực này là Ga-bao (Gabão). Đến năm 1883, Vương quốc Lô-an-gô sụp đổ. Năm 1885, Pháp hoàn thành việc chiếm đóng Ga-bông, dưới sự cai quản của Toàn quyền Nô-en Êu-giên Ba-li (Noel Eugène Bally), và năm 1910 sáp nhập
Ga-bông vào khu vực châu Phi Xích đạo.
Ngày 17/8/1960, trong khuôn khổ các nước thuộc Pháp, Ga-bông được Pháp trao trả độc lập và bầu ông Lê-ông Em-ba (Léon Mba), Đảng Khối Dân chủ Ga-bông làm Tổng thống đầu tiên, thành lập Chính phủ gồm Đảng Thống nhất Dân tộc Ga-bông và Liên minh Dân chủ và Xã hội Ga-bông. Do tranh giành quyền lực, ông Lê-ông Em-ba đã loại thành phần các đảng đối lập ra khỏi Chính phủ. Tháng 2/1964, lực lượng cảnh sát tiến hành đảo chính, đưa người của Liên minh Dân chủ và Xã hội lên nắm quyền. Pháp can thiệp, đưa ông Lê-ông Em-ba trở lại nắm chính quyền. Năm 1967, Lê-ông Em-ba qua đời, ông Ô-ma Bông-gô (Omar Bongo), Phó Tổng thống lên thay theo quy định của Hiến pháp.
Trong giai đoạn 1968-1990, Đảng Đảng Dân chủ Ga-bông (PDG) là đảng chính trị duy nhất tại Ga-bông. Từ năm 1991, Ga-bông chuyển sang chế độ đa đảng.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ga-bông theo thể chế cộng hòa tổng thống. Tổng thống là người dứng đầu Nhà nước và Chính phủ, có nhiệm kỳ 7 năm.
- Cơ cấu nghị viện: Ga-bông theo cơ cấu lưỡng viện gồm: Thượng viện với 102 nghị sỹ, nhiệm kỳ 6 năm; Quốc hội với 143 nghị sỹ, nhiệm kỳ 5 năm. Đảng PDG nắm đa số tại Thượng viện và Quốc hội.
- Đảng phái chính trị: Hiện có khoảng 25 đảng phái đang hoạt động, trong đó nổi bật là:
+ Đảng Dân chủ Ga-bông (PDG): thành lập năm 1953, là Đảng cầm quyền, hiện được lãnh đạo bởi Tổng thống A-li Bông-gô Ôn-đim-ba.
+ Đảng Dân chủ (LD): thành lập tháng 3/2017, hiện được lãnh đạo bởi cựu Chủ tịch Quốc hội Ghi En-dô-ba En-đa-ma (Guy Nzouba Ndama).
+ Đảng Dân chủ Xã hội (PSD): thành lập năm 1991, hiện được lãnh đạo bởi ông Pi-e Cla-vê Ma-gan-ga Mô-xa-vô (Pierre-Claver Maganga Moussavou).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Thời gian qua, tình hình chính trị - an ninh tại Ga-bông cơ bản ổn định, không xảy ra xung đột nội bộ. Đảng Dân chủ Ga-bông liên tục giành thắng lợi tại các kỳ bầu cử tổng thống và lập pháp, nắm quyền điều hành đất nước từ 1961 đến nay. Tổng thống A-li Bông-gô Ôn-đim-ba đắc cử và nắm quyền tháng 10/2009, tái đắc cử tháng 8/2016.
2. Kinh tế - Xã hội
- Ga-bông là nước giàu có ở châu Phi. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 540 USD (1973) lên 4.400 USD (1990), 21.700 USD (2015) và hiện đạt 6.759 USD (2021). Thu nhập của người dân Ga-bông gấp 4 lần thu nhập của người dân hầu hết các nước phía Nam Xa-ha-ra.
Trước đây nền kinh tế Ga-bông phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu cao su và ma-giê. Từ những năm 1970, việc tìm ra dầu lửa đã tạo ra bước nhảy vọt về kinh tế của Ga-bông. Năm 2019, dầu lửa chiếm 45% GPD và 74% thu nhập từ xuất khẩu. Ga-bông là nước lớn thứ 5 tại châu Phi Nam Xa-ha-ra về sản lượng dầu mỏ với trữ lượng 2 tỷ thùng, sản xuất 201.000 thùng/ngày năm 2019 (giảm hơn một phần ba kể từ mức đỉnh điểm là 370.000 thùng/ngày vào năm 1997). Hầu hết sản lượng dầu thô của Ga-bông được xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng từ 15% năm 2015 lên 74% năm 2019. Ga-bông cũng có ngành sản xuất khí đốt rất phát triển, lên tới khoảng 13 tỷ mét khối vào năm 2018. Ga-bông là thành viên của OPEC giai đoạn 1975-1995 nhưng rời tổ chức do vấn đề niêm liễn cao, và mới trở lại tổ chức này vào năm 2016.
Ga-bông có ngành công nghiệp khai khoáng, hoá dầu, điện lực tương đối phát triển, đủ cung cấp cho nhu cầu năng lượng trong nước.
Tại thủ đô Li-brơ-vin có 01 đặc khu kinh tế mang tên Nkok được xây dựng từ năm 2010 với hơn 141 nhà đầu tư đến từ 18 quốc gia khác nhau, hiện đang nhanh chóng nổi lên như một trung tâm sản xuất của Tây Trung Phi.
+ Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 5%, công nghiệp 44.7%, dịch vụ 50.4%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: dầu thô, ma-giê, gỗ, uranium;
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: máy móc, thiết bị công nghiệp, vật liệu xây dựng, dược phẩm, lương thực thực phẩm…
+ Các đối tác thương mại chính: Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Bỉ, Hồng Kông, Hà Lan, In-đô-nê-xi-a…
- Ga-bông xếp hạng 119/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Hệ thống giáo dục ở Ga-bông áp dụng theo mô hình hệ thống giáo dục của Pháp. Giáo dục công miễn phí và bắt buộc cho trẻ dưới 16 tuổi. Ga-bông là một trong những quốc gia có tỷ lệ người biết chữ cao nhất khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra với 84,67% dân số trên 15 tuổi biết chữ.
V. Chính sách đối ngoại
Ga-bông có vai trò tích cực tại châu Phi. Ga-bông là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) và Cộng đồng các Quốc gia Trung Phi (CEA)...
Ga-bông có ảnh hưởng tích cực tại tiểu khu vực và nhiều lần đảm nhận vai trò trung gian giải quyết một số cuộc khủng hoảng như tại Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Công-gô, Sát, Xu-đăng. Trước khi rút quân tháng 9/2021, Ga-bông từng cử 450 quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) và hỗ trợ tài chính cho MINUSCA thông qua nhóm CEMAC.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - GA-BÔNG
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ga-bông lập quan hệ ngoại giao ngày 09/01/1975.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Ga-bông. Đại sứ quán Ga-bông tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. 
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ga-bông: Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thăm Ga-bông (1996).
+ Đoàn Ga-bông thăm Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Thương mại, Doanh nghiệp vừa và nhỏ I-vê Phéc-nan Man-phô-um-bi (Yves Fernand Manfoumbi) và Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực Sác-lơ Em-vê Ê-la (Charles Mve Ella) trong khuôn khổ Đoàn Kinh tế và Thương mại Pháp ngữ do Tổng Thư ký Pháp ngữ dẫn đầu sang Việt Nam từ ngày 20-26/3/2022.
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước đạt 63,5 triệu USD trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 17,6 triệu USD và nhập khẩu đạt 45,9 triệu USD. Về cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Ga-bông chủ yếu các mặt hàng gạo, sản phẩm chất dẻo, hàng hải sản, hàng rau quả… và nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 52,09 triệu USD, năm 2019 đạt 72,02 triệu USD. 
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Ga-bông ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học kỹ thuật (1996); Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển ngành Cà phê (2022); Ý định thư về hợp tác kinh tế và thương mại (2022).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Ga-bông.
Địa chỉ: No.27 rue de Mezzouda, Souissi, Rabat, Maroc
ĐT: +212 5 37659256  
Fax: +212 5 3765 9210
Email: vnambassade@yahoo.com

Đại sứ quán Ga-bông tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.
Địa chỉ : No.36 Guang Hua Lu, Chaoyang, Beijing, 100600
Đt : +86 10 65322810/3580   
Fax : +86 10 6532 2621
Email : afgemb.beijing@gmail.com
Tháng 8/2022

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer