Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Hãng Truyền hình TVB (Hồng Kông) bên lề Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 13


Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Hãng Truyền hình TVB (Hồng Kông) bên lề Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 13 Thượng Hải, 20/10/2001

Câu hỏi 1: Xin Bộ trưởng cho biết những mong đợi của Bộ trưởng về Hội nghị APEC năm nay

Trả lời:

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại và phải đương đầu với những thách thức về kinh tế vĩ mô trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và kinh tế mới. Đặc biệt, sự kiện khủng bố tấn công vào Mỹ ngày 11/9 đã tác động mạnh đến tăng trưởng của kinh tế thế giới và ở nhiều nước. Do đó, Hội nghị lần này sẽ là dịp để các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC cùng nhau trao đổi những vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những ý tưởng mới nhằm tăng cường sự hợp tác vì sự thịnh vượng chung cho khu vực Châu á-Thái Bình Dương cũng như hướng tới thực hiện mục tiêu Bô-go của APEC. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng sẽ khẳng định tiếp tục thực hiện các thoả thuận tại Bru-nây năm ngoái về Chương trình Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật ECOTECH, trong đó chú trọng đến Phát triển Nguồn nhân lực (HRD), đào tạo và đào tạo lại, hỗ trợ kỹ thuật, kinh tế mới, thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số giữa các thành viên. Việt Nam cho rằng trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ thông tin viễn thông như hiện nay, những vấn đề nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong APEC và trong từng nền kinh tế, giúp APEC thực hiện được ý tưởng về chia sẻ lợi ích của toàn cầu hoá và công nghệ thông tin cho tất cả những người dân trong cộng đồng, không kể ở những nền kinh tế phát triển hay đang phát triển.

Câu hỏi 2: Hội nghị sẽ đạt được kết quả gì?

Trả lời:

Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố chung của các Nhà Lãnh đạo, trong đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của APEC đối với sự phát triển kinh tế- thương mại khu vực cũng như trên toàn thế giới, đồng thời xác định những biện pháp APEC sẽ thực hiện trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tự do hoá thương mại và đầu tư và chia sẻ lợi ích của toàn cầu hoá và kinh tế mới. Ngoài ra, Hội nghị năm nay sẽ thông qua Thoả thuận Thượng Hải (Shanghai Accord), coi đây là một văn bản quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư trong APEC, hướng tới thực hiện mục tiêu Bô-go như đã đề ra. Bên cạnh đó, các Nhà Lãnh đạo cũng sẽ xem xét một loạt các vấn đề do SOM trình lên và đã được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao -Kinh tế như vai trò và sự ủng hộ của APEC đối với Hệ thống Thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO, Chiến lược Phát triển Nguồn nhân lực APEC, Kế hoạch Hành động của APEC về ECOTECH, Xây dựng chiến lược phát triển và triển vọng của APEC trong tương lai, v.v. Có thể nói rằng, Hội nghị năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của APEC trong thập kỷ tồn tại thứ hai này. Chúng tôi tin tưởng rằng với nỗ lực của tất cả các thành viên, đặc biệt của nước chủ nhà Trung Quốc trong việc chuẩn bị nội dung và các tài liệu thảo luận, Hội nghị của chúng ta sẽ đạt được những kết qủa đáng kể và sẽ thành công tốt đẹp.

Câu hỏi 3: Hội nghị sẽ có tác động gì đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế thương mại khu vực và toàn cầu?

Trả lời:

Như tôi đã nêu ở trên, Hội nghị các Nhà Lãnh đạo APEC năm nay sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của APEC đối với sự phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Hội nghị sẽ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của APEC đối với việc phát động vòng đàm phán mới của WTO, thông qua và xác định các biện pháp thực hiện Kế hoạch Chiến lược của APEC về Trợ giúp các Thành viên đang phát triển Thực hiện các Thoả thuận của WTO, coi đây là một trong những đóng góp tích cực của APEC đối với sự phát triển của Hệ thống Thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO. Ngoài ra, bằng việc thông qua Bộ Nguyên tắc về Thuận lợi hoá Thương mại tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế APEC tổ chức vào tháng 6/2001 và Thoả thuận Thượng Hải tại Hội nghị lần này, APEC càng khẳng định rõ hơn quyết tâm thực hiên mục tiêu xây dựng khu vực tự do hoá thương mại và đầu tư trong APEC vào năm 2010 đối với các nền kinh tế thành viên phát triển và 2020 đối với các nền kinh tế thành viên đang phát triển.

Câu hỏi 4: Đánh giá tác động của việc Trung Quốc và Đài Loan sớm gia nhập WTO đối với các nước châu á-Thái Bình Dương?

Trả lời:

Trước tiên, tôi xin bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh việc Trung Quốc và Đài Loan đã cơ bản hoàn thành quá trình đàm phán và có thể gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất. Là một trong những nền kinh tế lớn nhất và là thị trường đông dân nhất thế giới, việc Trung Quốc gia nhập WTO có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế khu vực và thế giới. Đối với Trung Quốc, gia nhập WTO sẽ đem lại cơ hội phát triển mới, giúp cải thiện hệ thống pháp luật và môi trường sản xuất-kinh doanh trong nước, mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài hơn nữa... Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc và các nước trong khu vực tiếp tục mở rộng các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Mặc dù có nhiều ý kiến lo ngại rằng Trung Quốc gia nhập WTO sẽ làm chuyển hướng luồng FDI và tăng cạnh tranh trong xuất khẩu, nhưng tôi cho rằng thực tế này có thể được coi là cơ hội để các nước tiếp tục cải cách và đổi mới môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước để có thể đối phó kịp thời với các thách thức từ bên ngoài. Tôi tin tưởng rằng Trung Quốc gia nhập WTO sẽ góp phần quan trọng vào tiếng nói chung của các nước ĐPT trong WTO, đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước ĐPT và trong quá trình xây dựng các mối quan hệ kinh tế quốc tế, quy định và luật lệ buôn bán công bằng và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, tôi hy vọng rằng các kinh nghiệm đàm phán trong suốt hơn 15 năm qua của Trung Quốc sẽ là những bài học quý giá đối với các nước ĐPT đang đàm phán gia nhập WTO trong giai đoạn hiện nay.

Câu hỏi 5: Sau sự kiện ngày 11 tháng 9 xảy ra tại Mỹ, tinh thần chống khủng bố lan rộng ra khắp thế giới. Tổng thống Mỹ Goerge Bush sẽ tới dự Hội nghị cấp cao APEC. Ngài có nghĩ rằng các thành viên của APEC sẽ sử dụng cơ hội này để thảo luận các vấn đề chống khủng bố?

Trả lời:

Cộng đồng APEC nói riêng và nhân dân thế giới nói chung vô cùng sửng sốt trước thảm họa xảy ra ở Mỹ vào sáng ngày 11 tháng 9. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gửi tới Chính phủ và nhân dân Mỹ, đặc biệt là gia đình các nạn nhân, lời chia buồn và cảm thông sâu sắc. APEC là một diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực và theo thông lệ, Hội nghị sẽ thảo luận các biện pháp nhằm ổn định tình hình, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và ngăn ngừa cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định và lành mạnh cho cộng đồng APEC nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của sự kiện 11/9 và vấn đề chống khủng bố hiện nay, Hội nghị sẽ dành một khoảng thời gian nhất định để thảo luận vấn đề này.

Câu hỏi 6: Quan điểm của Ngài về vấn đề chống khủng bố?

Trả lời:

Trước sau như một, Việt Nam phản đối những hành động khủng bố, gây chết chóc đau thương cho dân thường và cho rằng thủ phạm gây ra những vụ khủng bố cần phải bị trừng trị. Những diễn biến gần đây tại áp-ga-nít-xtan đã làm cho chúng ta phải lo ngại. Cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác để chống khủng bố, đồng thời bảo đảm hòa bình, ổn định trên thế giới, tránh tấn công quân sự vào thường dân vô tội và cần ngăn ngừa nguy cơ của vòng xoáy của các cuộc chiến trả đũa lẫn nhau. Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống lại các hành động khủng bố trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì hòa bình, ổn định và an ninh trên thế giới.

Câu hỏi 7: Ngài có yêu cầu gì đối với thành phố chủ nhà APEC trong việc tăng cường các biện pháp an ninh?

Trả lời:

Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào sự thu xếp và các biện pháp bảo đảm an ninh của nước chủ nhà.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer