Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Năm APEC 2006 thể hiện những định hướng lớn trong hợp tác của APEC

Ngày 2-3, sau khi kết thúc Hội nghị quan chức cấp cao Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ nhất (SOM 1), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng, Trưởng Ban Thư ký APEC 2006 cho biết: Năm APEC 2006 thể hiện những định hướng lớn trong hợp tác của APEC.

- Xin Thứ trưởng cho biết nội dung cơ bản và ý nghĩa các ưu tiên của APEC 2006?

- Với chủ đề "Hướng tới một Cộng đồng năng động vì  phát triển bền vững và thịnh vượng", các hoạt động của Năm APEC 2006 được cụ thể hóa ở bốn tiểu chủ đề, thể hiện các định hướng lớn trong các lĩnh vực hợp tác của APEC: Tăng cường thương mại và đầu tư thông qua thực hiện Lộ trình Busan và thúc đẩy vòng đàm phán phát triển Ðô-ha; Tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật để thu hẹp khoảng cách và phát triển bền vững; Thúc đẩy một môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi; Tăng cường gắn kết cộng đồng.

Tại Hội nghị SOM 1, Việt Nam đã đưa ra các ưu tiên của Năm APEC 2006 và đã được nhất trí thông qua: Tăng cường và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, an ninh con người, phòng, chống dịch cúm gia cầm, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách APEC, chống tham nhũng và liên kết giữa các thành viên APEC thông qua du lịch và văn hóa. Có thể nói các ưu tiên hợp tác của APEC là trên nhiều lĩnh vực, thể hiện tôn chỉ mục đích của APEC là thúc đẩy thịnh vượng và phát triển trong khu vực, vì lợi ích và an ninh của người dân và doanh nghiệp.

Nội dung các ưu tiên trên bao hàm nhiều ý nghĩa, trước hết thể hiện sự tiếp nối ở mức cao hơn các nội dung hợp tác trong APEC. Thứ hai là, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra cho APEC và các nền kinh tế thành viên trước những chuyển biến sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực. Thứ ba là, phản ánh một cách cân bằng lợi ích của các nhóm thành viên phát triển và đang phát triển trong APEC.

Các ưu tiên hợp tác đã được thông qua cho Năm APEC 2006 là cơ sở quan trọng cho việc xác định các ưu tiên hoạt động của các ủy ban chuyên ngành của APEC, từ đó triển khai thành các dự án hợp tác cụ thể trong năm 2006.

- Ðề nghị Thứ trưởng đánh giá việc triển khai kết quả Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao APEC 2005 tại các nền kinh tế thành viên. Những kết quả nổi bật nhất là gì?

- Tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế lần thứ 17 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Hội nghị Cấp cao APEC) lần thứ 13 tại Busan, Hàn Quốc vào tháng 11-2005, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua "Báo cáo giữa kỳ về thực hiện mục tiêu Bogo" trong kế hoạch xây dựng một APEC tự do về đầu tư và thương mại đến năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Báo cáo đề ra "Lộ trình Busan" với các biện pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu Bogo như tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa biên; xây dựng các chương mẫu về Thỏa thuận khu vực thương mại tự do/Thỏa thuận thương mại khu vực; Nghị trình doanh nghiệp Busan nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp APEC kinh doanh, đầu tư; tiếp tục giảm thêm 5% chi phí giao dịch từ đây đến năm 2010... Về an ninh - chính trị, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và chỉ thị các quan chức cao cấp tiếp tục thúc đẩy an ninh con người trước nguy cơ khủng bố, phòng, chống đại dịch cúm gia cầm và thảm họa thiên nhiên.

Các nền kinh tế thành viên đã có những nỗ lực tích cực triển khai các quyết định nêu trên của các nhà lãnh đạo APEC. Ðến nay, các nền kinh tế đã trình lên các ủy ban chuyên ngành của APEC khoảng 30 dự án xin triển khai thực hiện trong năm 2006 như: thương mại điện tử, cải cách cơ cấu, thủ tục hải quan, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên lề SOM 1, đã diễn ra các hội nghị chuyên ngành như Hội nghị về các biện pháp chống tham nhũng vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội nghị sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội nghị lần thứ tư về thương mại an toàn trong khu vực APEC (STAR IV)... nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hành động triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC 13.

- Thứ trưởng có thể cho biết những sáng kiến mới của năm 2006 do các nền kinh tế thành viên đề xuất tập trung vào những lĩnh vực nào?

- Theo nghị trình làm việc của APEC, năm 2006 có bốn cuộc họp các quan chức cấp cao, trong đó phần lớn các sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị SOM 1.

Năm nay, các sáng kiến chủ yếu tập trung vào ba mảng chính là: Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; hợp tác kinh tế - kỹ thuật, và tăng cường thúc đẩy an ninh con người trong khu vực APEC. Các đề xuất hợp tác cụ thể được các ủy ban chuyên ngành của APEC đánh giá thông qua hoặc trình lên các quan chức cấp cao xem xét quyết định.

Ngoài ra, từ năm 2005, các thành viên đã có những sáng kiến tổ chức các Hội nghị cấp Bộ trưởng (không thường niên) trong năm 2006 như Hội nghị Bộ trưởng về phát triển bền vững ở Chi-lê; Hội nghị Bộ trưởng về cúm gia cầm và Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam; Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực ở Thái-lan. Nội dung chủ yếu của những Hội nghị này cũng nhằm cụ thể hóa và triển khai các ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2006.

- Theo Thứ trưởng, với tư cách nước chủ nhà APEC 2006, Việt Nam có những thuận lợi gì? Cho đến thời điểm này, sự chuẩn bị của chúng ta về tất cả các mặt ra sao? Nền kinh tế chủ nhà có những sáng kiến đề xuất gì để thực hiện chủ đề Hội nghị Cấp cao APEC 2006 "Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng"?

- Ðiều đáng nói là sau 20 năm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên quốc tế đã thay đổi sâu sắc. Cộng đồng quốc tế đều ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu nổi bật mà Ðảng và nhân dân ta đã giành được sau 20 năm đổi mới, đó là xã hội ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở. Ðây cũng chính là lý do quan trọng, Việt Nam được tín nhiệm chọn là chủ nhà của Năm APEC 2006. Mặt khác, cùng với quá trình tham gia vào hội nhập khu vực và thế giới, đặc biệt  sau 11 năm gia nhập ASEAN, bảy năm tham gia APEC, Việt Nam đã có những kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức các hội nghị các sự kiện quốc tế lớn, mà gần đây nhất là thành công của Hội nghị Cấp cao ASEM 5. Ðó là những thuận lợi cơ bản để chúng ta tự tin, đăng cai tổ chức Năm APEC 2006 mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Ngoài ra, là chủ nhà của Năm APEC 2006, Việt Nam còn có một số lợi thế như có thể chủ động đưa ra chủ đề, các tiểu chủ đề, các ưu tiên phù hợp lợi ích của ta, tất nhiên trong quá trình xây dựng chủ đề và các ưu tiên chúng ta cũng cần chú ý lợi ích chung của APEC các thành viên khác. Ðây cũng là cơ hội rất tốt để Việt Nam tăng cường hợp tác song phương, thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư với các nền kinh tế thành viên. Ngoài ra, đăng cai Năm APEC còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Với sự có mặt hàng chục nghìn đại biểu và khách quốc tế trong tuần lễ cấp cao, APEC 2006 còn là động lực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ như khách sạn, du lịch, quảng cáo, triển lãm, hội chợ...

Về các công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2006, có thể nói Ủy ban Quốc gia về APEC 2006 đã chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết và sâu sát; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các Tiểu ban và Ban Thư ký APEC khá nhịp nhàng; đến nay các công tác chuẩn bị về nội dung, lễ tân, vật chất - hậu cần, an ninh... cơ bản đúng tiến độ. Các đại biểu và bạn bè quốc tế dự Hội nghị SOM 1 đã có những ấn tượng tốt đẹp lòng hiếu khách, và sự chuẩn bị chu đáo của ta về mọi mặt. Tôi tin rằng, với kết quả đạt được tại Hội nghị SOM 1, vấn đề vật chất, hậu cần và an ninh cho Hội nghị Cấp cao nhất định sẽ được bảo đảm tốt.

Ðưa ra chủ đề "Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng", Việt Nam mong muốn Năm APEC 2006 là sự tiếp nối và phát huy những thành quả mà APEC đã đạt được; đồng thời cũng là mục tiêu APEC cần phấn đấu để tiếp tục phát huy vai trò là khu vực phát triển nhanh và năng động nhất thế giới. Với tinh thần đó, tại Hội nghị SOM 1, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, nêu ra một số sáng kiến, biện pháp và ưu tiên trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể và đạt được những kết quả đáng khích lệ sau: Hội nghị nhất trí với đề nghị của Việt Nam thành lập Nhóm Bạn của Chủ tịch SOM để thúc đẩy cải cách APEC hiệu quả và năng động hơn; Hội nghị đã thông qua các ưu tiên của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế kỹ thuật (Ecotech) trong năm 2006, trong đó trọng tâm là giảm khoảng cách phát triển, đẩy mạnh IT, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hội nghị đã tán thành về nguyên tắc đề xuất của Việt Nam về "tăng cường du lịch và văn hóa" và giao cho Nhóm công tác về du lịch xem xét, triển khai; Các nhóm công tác đã thông qua ba dự án của Việt Nam: Hội thảo về mua sắm chính phủ, Ðối thoại công - tư về chống tham nhũng và Giao dịch thương mại phi giấy tờ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer