Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Dấu mốc lịch sử của quá trình phát triển ASEAN


Chiều 22/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13; các Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; các Hội nghị Cấp cao ASEAN +1 với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 3 (EAS), Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN về Kinh doanh và Đầu tư (ASEAN - BIS).  

Với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối thông qua việc thúc đẩy mục tiêu xây dựng Cộng đồng và Hiến chương ASEAN, chủ đề chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN 13 lần này là “Một ASEAN ở trái tim của châu Á năng động”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng thúc đẩy triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ các chương trình, kế hoạch hành động hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội, đảm bảo mục tiêu hoàn thành Cộng đồng vào năm 2015.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực chung của ASEAN trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu đang nổi lên như biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và đời sống của người dân các nước.

Thông qua Hiến chương ASEAN: Thành công nổi bật nhất của ASEAN 13

Thành công nổi bật nhất của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 là việc thông qua Hiến chương ASEAN, để các nước thành viên ASEAN sớm tiến hành các thủ tục cần thiết phê chuẩn Hiến chương.

Có thể nói, xây dựng và ký thông qua Hiến chương ASEAN là một nhu cầu tất yếu khách quan của ASEAN sau 40 năm tồn tại và phát triển. Đến nay, ASEAN đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công; là một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương.

Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “Đây là sự kiện đặc biệt, một mốc lịch sử trong quá trình phát triển của Hiệp hội, góp phần đưa ASEAN trở thành một tổ chức liên chính phủ ở khu vực, có tư cách pháp nhân, hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết, thống nhất hơn, tạo ra khuôn khổ pháp lý và thể chế cho hợp tác ASEAN trong tương lai, qua đó hỗ trợ thiết thực không chỉ cho quá trình hướng tới Cộng đồng ASEAN mà còn nâng cao vị thế của Hiệp hội với các đối tác và các tiến trình khác ở khu vực hiện nay, cũng như còn cho cả thời gian dài sau này”.

Hiến chương khẳng định lại các mục đích và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, đặc biệt là mục đích hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác khu vực cũng như nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hiến chương cũng bổ sung thêm một số mục đích, nguyên tắc mới cho phù hợp với tình hình, trong đó có quy định về việc các nước không tham gia và không cho phép bất kỳ quốc gia, đối tượng nào được sử dụng lãnh thổ của một nước thành viên để chống lại một nước thành viên khác. Về kinh tế, Hiến chương nêu rõ mục tiêu phấn đấu xây dựng một thị trường thống nhất, ổn định, thịnh vượng, có tính cạnh tranh cao và liên kết chặt chẽ, hàng hóa và dịch vụ được lưu thông tự do, doanh nhân và nhân tài đi lại thuận lợi, luân chuyển vốn tự do hơn.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo đều nhất trí cho rằng: Thu hẹp khoảng cách phát triển vẫn là một nhiệm vụ quan trọng cho quá trình hội nhập và liên kết của Hiệp hội. Do vậy, cần gắn các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) với các mục tiêu rộng lớn hơn của sự liên kết ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh cam kết của Singapore đóng góp 30 triệu đôla Singapore cho giai đoạn 3 của IAI và 500.000 đôla Mỹ cho Quỹ phát triển ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việc Hội nghị Cấp cao ASEAN đã thông qua Đề cương thúc đẩy triển khai xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký Tuyên bố về Đề cương cộng đồng kinh tế ASEAN, khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng kinh tế với các kế hoạch, lộ trình, biện pháp cụ thể. Trong đó, thu hẹp khoảng cách phát triển tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng, nếu thực hiện tốt, sẽ tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập và liên kết của Hiệp hội.  

Hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Đông Á

Tại Hội nghị Đông Á lần thứ 3 này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Đông Á nhất trí cần tiếp tục triển khai hợp tác về 5 lĩnh vực ưu tiên là: Năng lượng, tài chính, giáo dục, phòng chống cúm gia cầm và giảm nhẹ thiên tai, nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện, tránh dàn trải nguồn lực. Các nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố Singapore về Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị thúc đẩy sớm đạt thỏa thuận quốc tế về giảm khí thải nhà kính sau năm 2012. 

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác An toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN thu hẹp khoảng cách và xây dựng cộng đồng; tăng cường hợp tác. Hai bên tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) vì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản, phía Nhật Bản hứa sẽ hỗ trợ 300 triệu USD và đào tạo 300 chuyên gia cho ASEAN trong lĩnh vực an toàn hàng hải, môi trường và khai thác bền vững các tuyến hàng hải. Nhật Bản cũng sẽ đóng góp thêm cho ASEAN 500 nghìn liều vắc-xin chống cúm gà. Hai bên khẳng định tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác năng động và toàn diện, hướng tới kỷ niệm 35 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong năm 2008 tới.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc, phía Hàn Quốc và ASEAN đã ký Hiệp định về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa các nước ASEAN-Hàn Quốc và Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc đồng thời tỏ quyết tâm sớm kết thúc quá trình đàm phán xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Hàn Quốc.

Các nhà lãnh đạo ASEAN-Ấn Độ khẳng định quyết tâm đưa quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Theo đó, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm sớm kết thúc đàm phán thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Cấp cao Đông Á đã đạt được những bước tiến ban đầu đáng khích lệ. Trên cơ sở đó, các nước cần tích cực tìm kiếm các phương cách thích hợp để thúc đẩy và phát triển các hoạt động hợp tác cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên đã được xác định, nhất là giảm nhẹ thiên tai và phòng chống dịch bệnh vì đây là hai thách thức lớn hiện nay đối với các nước.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ ủng hộ các sáng kiến tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á nhằm ứng phó với các vấn đề toàn cầu đang nổi lên như năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu… và đề nghị các nước ngoài ASEAN, với nguồn lực và kinh nghiệm của mình, dành sự hỗ trợ tích cực, thiết thực cho ASEAN trong các lĩnh vực này. (Website Chính phủ)/.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer