TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA XU-ĐĂNG
VỤ TÂY Á – CHÂU PHI
------
TÀI LIỆU CƠ BẢN
VỀ NƯỚC CỘNG HÒA XU-ĐĂNG
I. Khái quát:
- Tên nước: Cộng hòa Xu-đăng (Republic of the Sudan)
- Thủ đô: Khác-tum (Khartoum)
- Vị trí: đông bắc châu Phi, Bắc giáp Ai-cập, Li-bi; Đông giáp biển Đỏ, Ê-ti-ô-pi-a; Tây giáp Sát, Trung Phi; Nam giáp Cộng hoà Nam Xu-đăng.
- Khí hậu: Xu-đăng có khí hậu sa mạc.
- Diện tích: 1.861.484 km2
- Dân số: 36.788.000 người (2011)
- Dân tộc: khoảng hơn 400 bộ tộc
- Tôn giáo: Đạo Hồi là Quốc đạo
- Ngôn ngữ: tiếng Ả-rập
- Đơn vị tiền tệ: Bảng Xu-đăng; 1USD = 2,8 bảng (2011)
- Quốc khánh: 1/1/1956
- Tổng thống Xu-đăng: Ô-ma Ha-xan Át-mét An Ba-sia (Omar Hassan Ahmed Al-Bashir) (từ 1989 được bầu lại tháng 4/2010)
- Chủ tịch Quốc hội: Át-mét Íp-ra-him Át Ta-hi (Ahmed Ibrahim Al-Tahir) (từ 2001 được bầu lại tháng 5/2010)
- Ngoại trưởng: A-li Át-mét Ka-ti (Ali Ahmed Karti) (6/2010)
II. Lịch sử:
Xu-đăng là nước có lịch sử lâu đời. Từ năm 1.800 đến 1.000 trước Công nguyên, Xu-đăng bị các triều đại Ai-cập cổ đại thống trị. Năm 750, Vương quốc Cush được tạo lập ở miền Bắc Xu-đăng. Thế kỷ VI sau Công nguyên, đạo cơ đốc thâm nhập Xu-đăng; thế kỷ XV người Ả-rập vào Xu-đăng, đồng thời đạo Hồi cũng được truyền bá vào đây.
Năm 1898, Xu-đăng bị Anh chiếm và trở thành thuộc địa của Anh, chịu sự cai quản gián tiếp của Anh thông qua Ai-cập. Ngày 12/2/1953, Anh và Ai-cập đã ký Hiệp định công nhận quyền tự quyết của Xu-đăng. Ngày 1/1/1956, Xu-đăng tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hoà Xu-đăng. Tháng 9/1983, Chính phủ Xu-đăng áp đặt việc thực hiện luật Hồi giáo trên cả nước trong khi nhân dân miền Nam (chiếm 25% dân số) không theo đạo Hồi. Ngày 30/6/1989, quân đội Xu-đăng đã đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự, tuyên bố thành lập Hội đồng chỉ huy Cách mạng cứu nước do tướng Omar Hassan Ahmed Al-Bashir đứng đầu. Thực hiện Hiệp định Hoà bình Naivasha (Kenya) năm 2005 chấm dứt hơn 20 năm nội chiến Bắc - Nam, tháng 1/2011, nhân dân miền Nam đã tiến hành trưng cầu dân ý về quy chế của miền Nam và Nam Xu-đăng chính thức trở thành quốc gia độc lập ngày 11/7/2011.
III. Chính trị:
Từ tháng 2/2003, các nhóm vũ trang Darfur (miền Tây Sudan) nổi dậy chống Chính phủ với lý do Chính phủ không quan tâm đến Darfur. Ngày 5/5/2006, dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi, Phong trào Giải phóng Sudan do Minawy đứng đầu ký Hiệp định hoà bình với Chính phủ Sudan. Tháng 2/2009, Chính phủ Xu-đăng và những nhóm nổi dậy còn lại tại Darfur ký Văn kiện xây dựng lòng tin mở đường cho đàm phán hòa bình. Ngày 14/7/2011, Chính phủ Xu-đăng và Phong trào Giải phóng và Công lý ký Hiệp định hoà bình. Phong trào Công lý và Công bằng bác bỏ Hiệp định này.
Sau khi Nam Xu-đăng giành độc lập, Quân đội Giải phóng Xu-đăng (SPLA) rút về Nam Xu-đăng. Chính phủ Xu-đăng không công nhận "SPLA miền Bắc" với lý do 1 nước không thể có 2 quân đội và ở Xu-đăng không có tổ chức chính trị "SPLA miền Bắc". Ngày 12/11/2011, "SPLA miền Bắc" tại Nam Kordofan, Nile Xanh cùng các nhóm vũ trang tại Darfur thành lập Mặt trận Cách mạng Xu-đăng nhằm chống lại Chính phủ Xu-đăng. Xu-đăng tố cáo Nam Xu-đăng ủng hộ "SPLA miền Bắc" và các nhóm phiến quân tại Darfur.
IV. Đối ngoại:
Xu-đăng thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, không liên kết; có quan hệ tốt với các nước A-rập, châu Phi và Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều dự án đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và dầu mỏ tại Xu-đăng.
Mỹ xếp Xu-đăng vào "danh sách các nhà nước khủng bố"; áp đặt luật cấm vận kinh tế hoàn toàn với Xu-đăng 03/11/1997; Được Mỹ, Pháp, Anh, Đức ủng hộ, ngày 4/3/2009, Tòa án hình sự Quốc tế ra lệnh bắt Tổng thống Xu-đăng lần 1 với tội danh "tội ác chống lại loài người" và "tội ác chiến tranh", ngày 12/7/2010 ra lệnh bắt lần 2 với tội danh "diệt chủng".
Xu-đăng là thành viên của LHQ, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quan sát viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)...
V. Kinh tế:
Xu-đăng là một nước nông nghiệp. Diện tích đất canh tác 20 triệu ha. Lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 80% lao động toàn quốc. Sản phẩm chính là cao lương, kê, lúa mỳ, bông, lạc, ngô, hướng dương.
Công nghiệp kém phát triển, chủ yếu tập trung vào các ngành dệt, xi-măng và chế biến thực phẩm. Trữ lượng dầu lửa đã được thăm dò khoảng 1,5 tỉ thùng (trữ lượng chưa được thăm dò còn khá lớn. Xu-đăng còn có các loại khoáng sản: sắt, đồng, mica, vàng, bạc...
- Cơ cấu nền kinh tế: nông nghiệp 44,7 %, công nghiệp 45 %, dịch vụ 10,3% (2011).
- GDP: 63,3tỷ USD (2011 bao gồm cả Nam Xu-đăng)
- GDP bình quân đầu người : 1.400 USD (2011 bao gồm cả Nam Xu-đăng)
- Tăng trưởng GDP: - 0,2% (2010)
- Xuất khẩu: 7,7 tỷ USD năm 2011 (dầu lửa và các sản phẩm dầu lửa, bông, gia súc, các loại hạt…). Bạn hàng: Trung Quốc 68,3%, Nhật 12,6%, Ấn Độ 5,8%... (2010).
- Nhập khẩu: 8,4 tỷ USD năm 2011 (thực phẩm, hàng hoá chế tạo, thiết bị lọc dầu và vận chuyển, thuốc, hoá học, dệt may, lúa mì…). Bạn hàng: Trung Quốc 21,7%, Ai Cập 8%, Ả-rập Xê-út 7,7%, Ấn Độ 6,1%, UAE 5,7%... (2010).
VI. Quan hệ với Việt Nam:
a. Quan hệ chính trị, kinh tế:
Quan hệ chính trị:
- Xu-đăng thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với nước ta từ 26/8/1969. Xu-đăng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Khi Bác Hồ mất, Xu-đăng đã cử đặc phái viên của Chủ tịch Hội đồng cách mạng sang dự lễ tang.
- Tháng 4/2009, Xu-đăng mở Sứ quán tại Hà Nội và Đại sứ thường trú Xu-đăng đầu tiên tại Việt Nam đã trình Thư uỷ nhiệm vào tháng 8/2009.
Quan hệ kinh tế:
- Xu-đăng tỏ sẵn sàng dành cho ta nhiều điều kiện thuận lợi hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và nông nghiệp (từ lâu đã sẵn sàng dành cho ta 15.600 ha để trồng lúa cao sản). Ta đang hợp tác với Xu-đăng thành lập trung tâm nghiên cứu giống lúa tại bang Bắc Xu-đăng và trồng thử nghiệm lúa tại bang Nile Xanh cho năng suất 9-10 tấn/ha.
- Kim ngạch thương mại năm 2011 đạt: 24,6 triệu USD (Ta xuất 22,5 triệu USD).
b. Trao đổi đoàn:
- Đoàn ta thăm Xu-đăng: Tháng 8 và tháng 12/1969, các đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã sang thăm Xu-đăng. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (2001). Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng (7/2006). Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (6/2011).
- Đoàn Xu-đăng thăm ta: Tổng thống Xu-đăng Omar Hassan Al-Bashir (9/1995); Thứ trưởng Ngoại giao Mutrif Siddig (5/2003); Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Magzoub El-Khalifa Ahmed (dự hội thảo Việt Nam – châu Phi tháng 5/2003), Bộ trưởng Ngoại giao Mustafa Osman Ismail (5/2005). Trợ lý Tổng thống, Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại Na-phi A-li Na-phi (3/2007), Đặc phái viên Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính (8/2008 và 3/2009), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Xu-đăng Ali Karti (10/2009).
c. Các hiệp định/thỏa thuận đã ký: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa và KHKT (1995); Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2003); Hiệp định hợp tác nông nghiệp (5/2003); Dự án phát triển sản xuất lúa và một số cây trồng khác tại Xu-đăng (9/2009, vốn gần 10 triệu USD); Thoả thuận hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí Xu-đăng (2009); Thoả thuận hợp tác thông tin giữa Thông tấn xã Việt Nam với Thông tấn xã Xu-đăng (11/2010).
d. Thông tin về ĐSQ phụ trách của hai nước:
1/ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Xu-đăng:
- Địa chỉ: 47 phố Ahmed Heshmat, quận Zamalek, Cairo, Egypt.
- Điện thoại: 00-202-37623841/37623863
- Điện thoại ngoài giờ: 00-202-33364082
- Fax: 00-202-33368612
2/ Đại sứ quán Xu-đăng tại Việt Nam:
- Địa chỉ: 1, Ngõ 9, Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
- Điện thoại: 04-37185911
- Fax: 04-37185910
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |