Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 27 tháng 04 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 17 năm 2021

(Ngày 23/09/2021)

I. THÔNG BÁO

1. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm Nga (25-28/9/2021)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 25-28/9/2021. 

Chuyến thăm nhằm củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị - ngoại giao; kinh tế - thương mại; quốc phòng, an ninh và kỹ thuật quân sự, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Dự kiến, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của Liên bang Nga để trao đổi về tình hình hợp tác giữa hai nước, thảo luận những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2. Một số thông tin về các hoạt động của ASEAN

Ngày 27/9/2021 sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 7 Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp theo hình thức trực tuyến. Hội nghị sẽ cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 trong khu vực, thảo luận các biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19 và tiếp tục triển khai các sáng kiến Covid-19 của ASEAN.

Tiếp đó, ngày 30/9/2021 sẽ diễn ra Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN theo hình thức trực tuyến. Hội nghị sẽ rà soát các vấn đề hợp tác trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các ưu tiên của năm 2021, thảo luận các vấn đề đang nổi lên và các công tác chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và Cấp cao giữa ASEAN và Đối tác dự kiến sẽ tổ chức vào 26-28/10/2021.

Trước đó, ngày 22/9/2021 đã diễn ra Hội nghị Tham vấn chung ASEAN nhằm thúc đẩy điều phối trên 3 trụ cột hợp tác của ASEAN và chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng SOM ASEAN của Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp nói trên.

3. Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Serbia trực tuyến

Ngày 30/9 sắp tới, Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Serbia sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm tăng cường hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ truyền thống Việt Nam – Serbia trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, quốc phòng, lao động, hợp tác trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như phối hợp trên các diễn đàn quốc tế.

Thứ trưởng BộNgoại giao Tô Anh Dũng sẽ đồng chủ trì tham vấn này.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Trí thức trẻ: quan điểm của Việt Nam về Hiệp định Tăng cường đối tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc vừa qua?

Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến của tình hình khu vực. Chúng tôi cho rằng hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này.

2. Trí thức trẻ: Vừa qua, học giả Bill Hayton có đưa ra một tài liệu là một bức thư từ thời nhà Thanh, trong đó có viết, Hoàng Sa là biển cả, không liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc. Đề nghị cho biết bình luận của Người Phát ngôn về thông tin này?

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tài liệu mà học giả Bill Hayton vừa đưa ra góp phần minh chứng cho điều này.

3. Zing: Bình luận về việc Australia theo đuổi công nghệ tàu ngầm hạt nhân?

Quan điểm của chúng tôi là việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân phải phục vụ mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường.

4. Zing: Bình luận về chiến lược của EU về Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được công bố ngày 16/9?

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Liên minh châu Âu và những đóng góp tích cực của Liên minh châu Âu cho hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Trên cơ sở quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Liên minh châu Âu triển khai các khuôn khổ hợp tác mà hai bên cùng quan tâm, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác Á – Âu, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – EU, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

5. Zing: Bình luận về việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP?

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định Thương mại tự do mở với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.

Việc Hiệp định CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của Hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế.

Theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia Hiệp định này.

6. Zing: Ngày 18/9, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cho biết đã điều vận tải cơ Y-20 đến tại đá Vành Khăn, Xubi và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đưa binh sĩ đồn trú tại đây về đất liền. Xin Người phát ngôn bình luận về việc này?

Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến trên Biển Đông.

Xin khẳng định lại, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa; vi phạm luật pháp quốc tế, trái với Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, gia tăng quân sự hóa, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử COC tại Biển Đông hiện nay.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự; tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển, đóng góp thiết thực, tích cực và có trách nhiệm vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông.

7. Phoenix: Sau khi Trung Quốc tuyên bố chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP thì Đài Loan cũng có thông báo xin gia nhập Hiệp định này. Xin được hỏi phản hồi của Việt Nam?

Như tôi đã nêu ở trên, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP là một Hiệp định thương mại tự do mở. Các thành viên của CPTPP cũng đã thống nhất các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục gia nhập. Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên CPTPP khác về các đề nghị tham gia Hiệp định này.

8. Thế giới & Việt Nam: Phản ứng trước việc tổ chức Freedom House ngày 21/09 ra báo cáo tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do trên mạng Internet?

Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam. Thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ.

Báo cáo của Freedom House là vô giá trị và không cần thiết phải bình luận thêm./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer