Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 9 năm 2022


I. THÔNG BÁO

1. Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển

 Ngày 10/6/2022, Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển sẽ diễn ra tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển Robert Rydberg.

 Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, dự kiến Quốc vụ khanh Robert Rydberg sẽ đến chào Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và tham gia một số hoạt động nhằm rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm cũng như định hướng hợp tác trong thời gian tới.

2. Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman thăm Việt Nam

 Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và đoàn tháp tùng sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 10-13/6/2022.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thứ trưởng thứ nhất Wendy Sherman sẽ gặp đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam để trao đổi về hợp tác song phương cũng như là một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Central News Agency: Căn cứ hải quân Ream của Campuchia được khởi công mở rộng vào ngày 8/6. Việt Nam có lo ngại rằng căn cứ hải quân này có thể làm gia tăng các hoạt động và năng lực quân sự của Trung Quốc trên biển, từ đó sẽ gây ra căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là làm cho tình hình ở biển Đông càng thêm phức tạp?

 Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

2. Phoenix TV: Đề nghị cho biết đánh giá về quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hồng Công những năm gần đây? Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết sau đại dịch muốn thu hút khách quốc tế từ thị trường chi tiêu cao trong đó có Hồng Công. Việt Nam đã mở cửa trong điều kiện bình thường mới, nếu Hồng Công cũng mở cửa trở lại, điều này sẽ tác động như thế nào tới tiềm năng hợp tác kinh tế du lịch giữa hai bên sau đại dịch?

 Việt Nam coi trọng việc thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác cùng có lợi với Đặc khu Hành chính Hồng Công. Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam – Hồng Công tiếp tục ghi nhận các bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch là điểm sáng.

 Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong năm 2021 trao đổi thương mại Việt Nam – Hồng Công vẫn duy trì đà tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hồng Công đạt 13.6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Hồng Công hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Công và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hồng Công trong số các nước ASEAN. Giao lưu nhân dân cũng như đi lại giữa hai nước phát triển tích cực. Trước đại dịch Covid-19, mỗi ngày có khoảng 20 chuyến bay giữa Việt Nam và Hồng Công. Năm 2019, có hơn 05 vạn lượt du khách Hồng Công đến Việt Nam và là nguồn du khách có chất lượng cao.

 Với tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai bên cùng với nhu cầu mở cửa, phục hồi của hai bên sau đại dịch Covid-19, chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, hợp tác giữa Việt Nam – Hồng Công sẽ không ngừng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, và đóng góp vào hợp tác và phát triển trong khu vực.

3. Akahata: Hôm qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi hội đàm trực tuyến với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói là Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình và phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Việt Nam là nước có mối quan hệ bạn bè với cả Triều Tiên và Hàn Quốc, vậy Việt Nam sẽ có đóng góp tích cực thế nào với mối quan hệ đó?

Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Bán đảo Triều Tiên; ủng hộ các bên thể hiện thiện chí, thúc đẩy đối thoại, cùng nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Với tinh thần đó, đồng thời là nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và là đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc, trong khả năng của mình, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

4. VnExpress: Giới chức Australia cho biết máy bay trinh sát nước này bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối trên không phận quốc tế ở Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng máy bay Australia đến gần cái mà họ tự nhân là “không phận Trung Quốc” ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đề nghị cho biết bình luận về việc này?

 Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế.

 Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer